Ông Trump và cuộc đối đầu với CIA

Khánh Duy 08/01/2017 08:35

Mối bất đồng giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và cộng đồng tình báo nước này bỗng dưng trở nên hết sức kịch tính trong lúc chỉ còn 2 tuần nữa là tới ngày ông tuyên thệ nhậm chức, khiến người ta không khỏi nghĩ tới một viễn cảnh đầy căng thẳng giữa ông và những điệp viên hàng đầu của Mỹ.

Trong tuần qua, khi bất đồng giữa ông Trump và cộng đồng tình báo Mỹ tăng nhiệt, báo chí nước này còn đồn đoán rằng vị tân Tổng thống của họ sau khi tới Nhà Trắng sẽ đặt lòng tin nhiều hơn vào ông chủ Wikileaks Julian Assange hay nước Nga hơn là các cơ quan tình báo trong nước.

Trước đó, việc ông bác bỏ đánh giá của giới phân tích Mỹ rằng Nga can thiệp vào kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua vốn đã khiến cho mối quan hệ giữa ông và các cơ quan tình báo hàng đầu trở nên lạnh nhạt. Nhưng trong tuần qua, bằng việc nhắc tới Julian Assange – người đã phanh phui rất nhiều các bí mật quốc gia của Mỹ - để nêu sự hoài nghi của bản thân về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Donald Trump dường càng làm xấu đi mối quan hệ giữa ông với các điệp vụ hàng đầu và cả một số chính trị gia đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol.

Bất đồng này thậm chí đã trở thành một cuộc đấu đá đầy âm mưu, giữa một bên là ông Trump, người chưa từng thích việc thừa nhận sai lầm, và một bên là các cơ quan tình báo Mỹ, khẳng định rằng họ có đủ chứng cứ để đi đến kết luận rằng Moscow can thiệp bầu cử Mỹ, dù chưa từng công bố chúng.

“Đây là một cuộc cạnh tranh quyền lực mà chúng ta chưa từng được chứng kiến trước đây, giữa một vị tân Tổng thống và cộng đồng tình báo” – Rod Beckstrom, cựu Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Mỹ, nhận định – “Trong trường hợp này, ông Trump thể hiện quan điểm rất rõ ràng, kiểu như “Tôi mới là lãnh đạo, hãy ngồi xuống và lắng nghe”. Điều này đặt cộng đồng tình báo vào thế khó”.

Phát ngôn gây choáng

Một động thái gây tranh cãi nhất mà ông Trump đưa ra trong tuần qua chính là việc nhắc tới ông chủ Wikileaks Julian Assange.

Điều này không khó hiểu, bởi trong khi ông Assange có thể được coi như một anh hùng chuyên phanh phui các bí mật chính trị ở nhiều phần của thế giới, thì ở Mỹ nhân vật này lại bị chính quyền truy nã gắt gao vì đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật liên quan tới cuộc chiến Iraq cùng nhiều tài liệu khác.

Một số quan chức Mỹ còn tin rằng các tài liệu mà Assange tung ra có khả năng gây nguy hiểm cho các binh sỹ của họ đang chiến đấu trên chiến trường. Assange đã trốn trong Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) kể từ năm 2012 nhưng mới đây lại trở thành tâm điểm một lần nữa trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News – một trong những kênh thông tin ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất.

Từ lâu chính quyền Washington đã coi Assange như một người có xu hướng làm xói mòn nước Mỹ và chính phủ các nước đồng minh. Đó là lý do tại sao việc một vị Tổng thống sắp tuyên thệ nhậm chức nêu tên nhân vật này như một nguồn tin đáng tin cậy lại khiến chính quyền Mỹ sốc nặng đến vậy.

Còn đối với những quan chức tình báo và thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, những người phải vất vả xử lý ảnh hưởng từ các đợt phanh phui thông tin mật lớn nhất từ trước đến nay, Assange là nhân vật tồi tệ nhất mà ông Trump có thể lựa chọn để đề cập tới.

“Thật đáng buồn khi các chính trị gia lại đặt niềm tin vào Julian Assange hơn là vào những người Mỹ, những người đã liều mạng sống để cung cấp các phân tích tình báo hàng ngày” – Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức tình báo, nói.

Bất đồng và nghi kỵ

Hàng loạt các đoạn chia sẻ mà ông Trump tung lên mạng xã hội Twitter thời gian gần đây không phải là đòn công kích duy nhất mà ông nhằm vào giới lãnh đạo tình báo Mỹ. Hôm thứ Tư vừa qua, ông còn phàn nàn về một cuộc họp thông báo vắn về chứng cứ Nga tấn công mạng nhằm vào Mỹ đã bị trì hoãn.

“Có lẽ cần nhiều thời gian hơn để dựng nên một vụ việc. Thật lạ lùng!” – ông Trump viết trên tài khoản Twitter cá nhân – “Vì lợi ích của đất nước chúng ta và vì người dân, tôi sẽ gặp các lãnh đạo của cộng đồng tình báo vào tuần tới để cập nhật các thông tin về vấn đề này”.

Trong khi đó, các lãnh đạo tình báo nước này khẳng định rằng cuộc họp của ông Trump với Giám đốc CIA John Brennan và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NSA), James Clapper, không dự định tổ chức trước ngày thứ Sáu.

Giới chức Mỹ từng nói chắc như đinh đóng cột rằng họ chắc chắn Nga đứng sau việc can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm giúp ông Trump thắng cử Tổng thống. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từng tuyên bố trên kênh CNN rằng, giới chức Mỹ “chắc chắn 100%” rằng Nga có liên quan đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump lại khẳng định rằng, ông nắm những thông tin mà nhiều người không biết về vụ việc này nên không thể chắc chắn ai là người phải chịu trách nhiệm về thông tin nói trên.

Sau khi chính quyền Tổng thống Obama ra lệnh áp đặt lớp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, ông Trump cũng đưa ra một tuyên bố kêu gọi đất nước hãy “hướng tới những điều to lớn và tốt đẹp hơn” và nói trên tài khoản Twitter cá nhân ngợi khen Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã không có hành động đáp trả lại các lệnh trừng phạt này.

Trong một sự kiện mà ông tham dự vào đêm chào đón năm mới vừa qua, ông Trump còn nói với giới phóng viên một lần nữa rằng “có thể là ai đó khác” đã thực hiện các vụ tấn công mạng này.

“Tôi biết rất nhiều về tấn công mạng. Và tấn công mạng là một thứ rất khó để xác minh” – ông Trump nói, thêm rằng ông cũng biết “nhiều điều mà người khác không biết, nên họ không thể biết chắc về tình hình” này được.

Trong sự kiện đó, ông Trump cũng thể hiện rõ sự hoài nghi của mình về các đánh giá của cộng đồng tình báo nước này từ trước đến nay, như về cuộc chiến ở Iraq, chứ không riêng gì cáo buộc nhằm vào Nga.

“Tôi chỉ muốn họ chắc chắn bởi đó là một cáo buộc rất nghiêm trọng” – ông Trump nói trong đêm 31/12/2016, nhắc lại cuộc chiến ở Iraq mà Mỹ tham dự dựa trên thông tin tình báo sai lệch – “Nếu các bạn nhìn vào các vũ khí hủy diện hàng loạt, đó là một thảm họa, nhưng họ đã sai lầm”.

Ông Trump và CIA lạnh nhạt với nhau

Đương nhiên, sự việc này đã khiến cho cộng đồng tình báo Mỹ cũng như các chính trị gia đảng Dân chủ lên tiếng phản ứng kịch liệt, khi vẽ ra viễn cảnh về một vị Tổng thống tách biệt với các cơ quan tình báo và khiến cho nước Mỹ kém an toàn hơn.

“Tổng thống đắc cử của nước Mỹ lại tin vào Julian Assange hơn là CIA. Vào ngày 20/1, chúng ta sẽ kém an toàn hơn” – George Little, một cựu phát ngôn viên của CIA, phản ứng trên Twitter.

Nghị sỹ Adam Schiff, chính trị gia đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói rằng các tuyên bố của ông Trump là đáng báo động.

Giới lập pháp đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng đang tỏ ý quan ngại trước việc ông Trump liên tục công kích cộng đồng tình báo trong khi lại tin các nguồn ở nước ngoài hơn. Một số chính trị gia phía đảng này cũng bày tỏ hy vọng rằng ông Trump sẽ sớm thay đổi quan điểm.

Theo giới quan sát, bất đồng sâu sắc hiện nay giữa ông Trump và CIA cùng các cơ quan tình báo khác đã cho thấy một chiến lược không chính thống – thậm chí ngay cả với một người luôn phá cách như ông Trump.

Tuy nhiên, có giả thuyết cho rằng ông Trump buộc phải làm như vậy để phản ứng trước bất kỳ tiếng nói nào cho rằng chiến thắng của ông trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua là không hợp lệ. Ông Trump dường như xem mọi cáo buộc nhằm vào Nga mà chính quyền Washington đưa ra qua lăng kính đó, và các cố vấn của ông cũng liên tục tố cáo rằng đó chính là âm mưu của đảng Dân chủ nhằm hạ bệ ông.

Một số quan chức tình báo Mỹ thì tin rằng sự thù địch của ông Trump đối với họ có thể là do sự hiểu nhầm.
“Cộng đồng tình báo không hề nói rằng Moscow giúp ông Trump đắc cử” – CNN dẫn lời một quan chức tình báo khác – “Chúng tôi chỉ nói rằng họ đã có một số hành động để reo rắc sự ngờ vực và một số người lại nghĩ rằng họ muốn ông Trump đắc cử. Chưa có ai từng nói họ đã thao túng lá phiếu bầu cả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Trump và cuộc đối đầu với CIA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO