Phía sau cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh

Khánh Duy 11/06/2017 08:00

Cuộc khủng hoảng diễn ra ở khu vực Vùng Vịnh tuần qua đã cho thấy hai sự kiện đáng chú ý: Mối bất hòa tiếp diễn giữa các nước Arab, và sự đổ vỡ trong tình đoàn kết của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng tạo dựng nên sau chặng dừng chân ở Arab Saudi trong chuyến công du của ông.

Các quốc gia Vùng Vịnh một lần nữa chìm vào khủng hoảng, có khả năng dẫn tới xung đột.

Cú sốc

Sau khi cam kết sẽ chiến đấu đến cùng để chống lại “kẻ khủng bố” Iran với chính quyền người Hồi giáo dòng Shi’ite, Arab Saudi cùng các đồng minh thân cận nhất giờ lại chia rẽ với một trong số những nước láng giềng giàu có nhất của họ, Qatar, sau khi cáo buộc nước này hậu thuẫn cho “khủng bố”.

Trên thực tế, có một chi tiết đáng chú ý là dù Qatar bị cáo buộc là đã đóng góp cho phiến quân IS, thì phía Arab Saudi cũng từng hứng chịu cáo buộc tương tự. Còn nhớ trong sự kiện khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại 2 thành phố lớn của Mỹ gồm New York và Washington, không có một công dân Qatar nào đi trên chuyến bay định mệnh đó. Trong khi, phần lớn trong số 19 kẻ khủng bố trong sự kiện này đều là công dân Arab Saudi. Ngay cả kẻ chủ mưu, trùm khủng bố Osama bin Laden, cũng là công dân Arab Saudi.

Tuy nhiên, bin Laden lại rất ưa thích kênh truyền thông al-Jazeera của Qatar, thậm chí có cả một kênh phát sóng riêng của mình trên đó, và cũng chính al-Jazeera đã hỗ trợ cho al-Qaeda và Jabhat al-Nusrah ở Syria bằng cách cho lãnh đạo của các tổ chức khủng bố này vài giờ phát sóng để chúng tuyên truyền sai lạc rằng các tổ chức này có quan điểm ôn hòa và ưa chuộng hòa bình.

Sự việc trớ trêu trong cuộc khủng hoảng này chính là việc Yemen cắt đứt mọi mối quan hệ hợp tác đường hàng không với Qatar. Đây là một cú sốc đối với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, bởi Yemen hiện đang hứng chịu đợt không kích từ liên quân do Arab Saudi dẫn đầu chống phiến quân Houthi, thậm chí còn không có nổi một hãng hàng không đang hoạt động để mà cắt đứt quan hệ đường không với họ.

Maldives cũng cắt đứt quan hệ với Qatar. Tuy nhiên, điều này không có liên quan gì tới lời cam kết của Qatar trong việc viện trợ nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng trong 5 năm trị giá 300 triệu USD cho Maldives, chưa kể đề xuất của một công ty Arab Saudi đầu tư 100 triệu USD cho một khu nghỉ dưỡng ở nước này cùng một đề xuất xây dựng 10 nhà thờ Hồi giáo “tầm cỡ thế giới” ở Maldives.

Nhưng Maldives cũng không khác gì Qatar, bởi thực tế cho thấy có một số lượng lớn những kẻ cực đoan Hồi giáo và chiến binh đến tham chiến dưới lá cờ của phiến quân IS ở Syria và Iraq đến từ Maldives.

Hiện tại, Quốc vương Qatar sẽ không còn có đủ binh sỹ để bảo vệ đất nước mình nếu như Arab Saudi quyết định đề nghị đưa quân vào Qatar để vãn hồi sự ổn định – giống như điều mà họ đã từng thuyết phục Quốc vương Bahrain thực hiện trong năm 2011. Trong trường hợp đó, Qatar sẽ phải đổ hết hy vọng vào căn cứ không quân lớn của Mỹ đang đóng ở nước họ để ngăn chặn sự việc xảy ra.

Ngoại trưởng Qatar khẳng định quốc gia này sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao, bất chấp áp lực từ các nước láng giềng. “Không ai có quyền can thiệp. Chúng tôi là một quốc gia độc lập có chủ quyền và từ chối mọi sự áp đặt lên Qatar”- Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố ngày 8/6. Ông cũng khẳng định sẵn sàng thảo luận với các nước láng giềng về an ninh vùng Vịnh.

Giọt nước tràn ly

Tất cả sự việc trên, về nhãn tiền, đều bắt nguồn từ một giọt nước tràn ly, liên quan tới cái mà chính quyền Qatar gọi là “vụ tấn công mạng đáng xấu hổ” nhằm vào hãng thông tấn nhà nước của họ, trong đó các bình luận mà Quốc vương nước này đưa ra cho thấy họ có chính sách duy trì mối quan hệ với Iran.

Qatar đã ra sức bác bỏ tính chính xác của thông tin này. Trong khi đó, phía Arab Saudi lại cho rằng đó là sự thực và thậm chí còn tung các nội dung trong bài viết nọ lên mạng truyền hình quốc gia của họ để chứng minh rằng việc cô lập Qatar là cần thiết.

Tuy nhiên, chưa kể tính xác thực của thông tin trên, thì đối với các nước vùng Vịnh, lần này Qatar đã đi quá giới hạn. Arab Saudi bấy lâu nay mới là quốc gia đưa ra các chính sách trong Vùng Vịnh, chứ không phải Qatar. Bởi vậy mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới lựa chọn nước này làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình mới đây.

Nhưng Arab Saudi hiện cũng có vấn đề riêng của họ. Kuwait, quốc gia khó có thể cắt đứt quan hệ với Qatar, giờ đang đóng vai trò một người hòa giải giữa Qatar, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Oman thậm chí còn tham gia các cuộc tập trận hải quân chung với Iran cách đây một vài tháng. Trong khi Pakistan thì từ lâu đã từ chối triển khai quân đội tới giúp Arab Saudi chống phiến quân ở Yemen, bởi chính quyền Arab Saudi chỉ kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng người Sunni chứ không phải người Shi’ite. Bởi vậy mà Pakistan tỏ ra rất giận dữ khi cho rằng Arab Saudi đang phân biệt sắc tộc đối với họ.

Chính quyền Ai Cập thì từ lâu đã có quan điểm phản đối Qatar vì nước này ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo (MB) ở nước họ- và thực tế là Qatar có ủng hộ tổ chức mà Ai Cập cho là một phần của phiến quân IS này. Thế nhưng, ngay cả như vậy, Ai Cập cũng không có kế hoạch đứng về phía Arab Saudi để tham chiến ở Yemen. Thay vào đó, Ai Cập cần duy trì số lượng binh sỹ trong lãnh thổ của mình để chống lại các vụ tấn công của IS và cùng với Israel chiếm đóng Dải Gaza.

Nhưng trên hết, điều thực sự khiến cho Arab Saudi lo ngại về Qatar chính là nước này vẫn duy trì một đường dây liên hệ ngầm với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trước đây, Qatar từng đứng ra làm trung gian cho vụ trao trả con tin Công giáo ở Syria với nhóm Jabhat al-Nusrah và từng giúp đỡ các binh sỹ Lebanon được trả tự do khỏi tay của phiến quân IS ở Tây Syria. Khi các con tin Công giáo xuất hiện trước công chúng, họ đã cảm ơn cả Tổng thống Bashar al-Assad và Qatar.

Và hiện nay trong cộng đồng các nước Vùng Vịnh, người ta ngày càng nghi ngờ rằng Qatar đang ấp ủ một tham vọng lớn hơn nhiều: Rót vốn vào công việc tái thiết ở Syria thời kỳ hậu chiến. Ngay cả khi ông Assad duy trì quyền lực, món nợ của Syria với Qatar chắc chắn sẽ đặt quốc gia này dưới tầm kiểm soát về mặt kinh tế của Qatar.

Và điều đó sẽ giúp cho quốc gia nhỏ bé Qatar giành được 2 phần thưởng lớn. Nó sẽ tạo nên một đế chế riêng của nước này, sánh ngang với đế chế truyền thông al-Jazeera mà họ từng tạo dựng. Và nó sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của Qatar ra lãnh thổ của Syria, nơi mà rất nhiều công ty dầu khí khao khát nắm được để tận dụng xây dựng đường ống dẫn từ các nước vùng Vịnh thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu, hoặc thông qua các tàu chở dầu từ cảng Latakia của Syria.

Đối với người châu Âu mà nói, nếu một tuyến đường ống dẫn dầu như vậy được xây dựng, nó sẽ giúp họ giảm được sự phụ thuộc về dầu khí từ các công ty của Nga và giúp cho tuyến đường vận chuyển dầu khí bằng đường biển đỡ chịu rủi ro hơn vì ít phụ thuộc vào tuyến đường biển đi qua Eo biển Hormuz sát Iran.

Nhiều người trong khu vực Vùng Vịnh đã bắt đầu đưa ra viễn cảnh tồi tệ rằng lực lượng quân sự của liên minh do Arab Saudi dẫn đầu sẽ tiến vào Qatar, điều cho phép họ có cơ hội tiếp cận nguồn dầu khí dồi dào ở nước này. Nhưng luồng ý kiến khác lại cho rằng Arab Saudi khó có có thể đem đến một số phận đen tối như vậy cho một nước Arab anh em của mình.

Ít nhất, trong thời điểm hiện tại, mới chỉ có hãng hàng không Qatar Airways là thể chế có liên quan tới chính trị của nước này là bị ảnh hưởng bởi sự cô lập của các nước Vùng Vịnh.

Hôm 9/6, Arab Saudi cùng đồng minh công bố danh sách cá nhân, tổ chức được cho là trung gian giữa Qatar và các nhóm khủng bố, theo đó 4 nước thống nhất xếp 59 cá nhân và 12 tổ chức vào danh sách khủng bố. 18 công dân Qatar xuất hiện trong danh sách này, bao gồm doanh nhân thành đạt, chính trị gia và thành viên gia đình hoàng tộc với một cựu Bộ trưởng nội vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phía sau cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO