Quan hệ Nga-Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn

15/06/2017 08:15

Sau Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson lại có một buổi điều trần trước một ủy ban Hạ viện nước này ngay trong lúc mà Thượng viện đang chuẩn bị bỏ phiếu thông qua một gói lệnh trừng phạt mới nhằm trừng phạt nước Nga vì can thiệp bầu cử Tổng thống năm 2016.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 13/6. (Nguồn: AP).

Ông Tillerson đã xuất hiện trong hôm 14/6 (giờ Mỹ) tại Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện, chỉ vài giờ trước khi một cuộc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt mới với Nga được tổ chức tại Thượng viện.

Ngoại trưởng Tillerson từng cảnh báo giới lập pháp nước này rằng mối quan hệ Mỹ - Nga đã xuống tới mức thấp kỷ lục và có dấu hiệu còn tiếp tục trở nên trầm trọng hơn. Ông cũng tỏ ra cảnh giác với các bước đi có thể khiến các đường dây liên lạc cuối cùng giữa Nga và Mỹ khép lại.

“Quan hệ Mỹ - Nga có thể tiếp tục xuống cấp hơn nữa. Mục tiêu của Bộ Ngoại giao là ổn định mối quan hệ này” - ông Tillerson nhấn mạnh.

Trước đó, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 15/6, ông Tillerson đã không cam kết tham gia gói lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ông nói rằng vẫn đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt được đề xuất mà các Thượng nghĩ sỹ hai đảng đã thỏa thuận trong hôm 12/6.

Cùng lúc, ông cũng nói rằng ông không muốn là người tuyên bố khép lại các vòng đối thoại mang tính xây dựng với Nga trước. Đưa ra một ví dụ, ông Tillerson nói rằng các vòng đàm phán với Moscow về việc bình ổn tình hình ở Syria đã có một số bước tiến, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận xem liệu nó có đem lại kết quả hay không. Việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt chỉ khiến Nga rút khỏi các vòng đàm phán này, ông Tillerson nhấn mạnh.

Trước đó, giới lập pháp thuộc 2 Ủy ban của Thượng viện - Ủy ban Ngân hàng và Ủy ban Đối ngoại - đã tuyên bố về thỏa thuận về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow do cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ. Động thái này cũng diễn ra trong lúc Washington mở một số cuộc điều tra về mối liên hệ giữa các cố vấn của Tổng thống Donald Trump và giới chức Nga.

Kế hoạch trên kêu gọi tăng cường các lệnh trừng phạt hiện tại và áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào những quan chức tham nhũng của Nga, những công dân Nga có liên quan tới lạm dụng nhân quyền và những người đang cung cấp vũ khí cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhưng trong trường hợp bị Tổng thống chặn lại, kế hoạch này sẽ cần phải được chuyển tới Quốc hội để đánh giá lại. Nếu chính quyền Tổng thống Trump quyết định phản đối các lệnh trừng phạt mới, việc thông qua nó sẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian.

Theo dự kiến, gói lệnh trừng phạt mới này sẽ được thêm vào các lớp lệnh trừng phạt đối với Iran mà Thượng viện hiện đang tranh luận. Bởi vậy, Nhà Trắng sẽ phải bác bỏ việc áp dụng các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn với Iran - việc mà họ đang mong muốn - mới có thể bác bỏ được các phần thuộc gói lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

“Các sửa đổi đối với các lệnh trừng phạt Iran đã mở rộng thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào chính phủ Nga, nhằm đáp trả việc vi phạm chủ quyền của Ukraine và Crimea, các vụ tấn công mạng và sự can thiệp của họ vào bầu cử, sự hung hăng tái diễn ở Syria” - Tuyên bố của các Ủy ban Thượng viện nói trên nêu rõ.

Thượng viện dự kiến tổ chức bỏ phiếu để thông qua kế hoạch này trong hôm 14-6 (giờ Mỹ), và được dự đoán là sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng.

Kế hoạch này cũng cho phép áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với một số lĩnh vực quan trong của nền kinh tế nước Nga, trong đó gồm khai khoáng, kim loại, hàng hải và đường sắt.

Tất cả động thái trên diễn ra trong lúc mà các Ủy ban của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đang mở cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ và mối liên hệ giữa Nga và các cố vấn của Tổng thống Trump. Ngoài ra, Cố vấn đặc biệt Robert Mueller cũng đang thực hiện một cuộc điều tra riêng rẽ về các cáo buộc trên.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã chỉ thị áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các cơ quan tình báo Nga, đóng cửa hai khu phức hợp của Nga và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga mà Mỹ cho là gián điệp. Các lệnh trừng phạt này được thêm vào các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt từ trước đó liên quan tới hành động của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 vừa qua cũng thừa nhận Mỹ “hoàn toàn không hòa hợp với Nga” và quan hệ giữa hai nước “có lẽ ở mức thấp nhất từ trước tới nay”. Trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Washington hồi giữa tháng 5 vừa qua, ông Donald Trump bày tỏ hy vọng xây dựng một quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ Nga-Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO