Quân khủng bố lập thành trì sát cửa ngõ châu Âu

Khánh Duy 01/12/2015 07:10

Phiến quân khủng bố dường như đã tiến đến sát cửa ngõ của châu Âu sau khi tăng cường sự hiện diện của chúng ở thành phố Sirte (Libya) sát bờ biển Địa Trung Hải từ 200 lên 5.000 chiến binh. Đây cũng là thành phố được coi là căn cứ địa đầu tiên mà phiến quân IS thiết lập bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq.

Quân khủng bố lập thành trì sát cửa ngõ châu Âu

Phiến quân IS tuyên bố biến Sirte thành một Raqqa. (Nguồn: Newsasia).

Theo bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 30/11, tổ chức phiến quân IS rõ ràng đã tìm thấy một căn cứ địa mới, nơi mà chúng có thể rảnh tay “thu lợi nhuận từ dầu mỏ và lên kế hoạch cho các vụ tấn công khủng bố”. Thông tin trên được WSJ đưa ra sau khi phân tích nguồn tin từ giới chức tình báo Libya, người dân và các nhà hoạt động trong khu vực.

Theo báo cáo, tổ chức này đã mở rộng đội ngũ chiến binh và cả các hoạt động ngầm của chúng ở thành phố Sirte, nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải, kể từ tháng 2/2015 khi chúng lần đầu tiên tuyên bố sự hiện diện của mình tại khu vực này. Giờ đây IS đã có khoảng 5.000 chiến binh ở Sirte, trong đó gồm cả các nhân sự quản lý và nhân sự tài chính. Thành trì mới của IS nằm rất gần lãnh thổ của Italy - chỉ cần vượt biển Địa Trung Hải là tới.

Thành phố Sirte được xem là cửa ngõ của một số mỏ dầu và các nhà máy tinh lọc lớn nằm dọc bờ biển phía Đông. IS từng nhắm đến các cơ sở này từ năm ngoái, và nay đã bắt đầu chiến dịch mở rộng lãnh thổ của chúng.

“Ý đồ của chúng đã rất rõ ràng” - WSJ dẫn lời Ismail Shoukry, Giám đốc cơ quan tình báo quân sự hoạt động trong khu vực, nói - “Chúng muốn mở rộng cuộc chiến của chúng tới tận Rome”.

IS từng tuyên bố về các kế hoạch đào tạo chiến binh nước ngoài, và kêu gọi những chiến binh này di chuyển tới Libya thay vì Syria. Theo một số thường dân và các nhóm hoạt động đến từ thành phố Sirte cùng một số quan chức quân đội Libya, có một số lượng lớn chiến binh nước ngoài cùng gia đình họ đã đổ tới thành phố này trong vài tuần qua.

“Sirte trở thành giống như Raqqa”, là câu nói mà các thủ lĩnh của nhóm khủng bố IS thường xuyên nhắc lại trong các đoạn radio tuyên truyền ở thành phố Sirte. Được biết Raqqa hiện đang được xem là thành trì của IS trên lãnh thổ Syria.

Theo WSJ, khoảng 85% sản lượng dầu thô của Libya trong năm 2014 đã được xuất sang châu Âu, trong đó Italy là nước nhập khẩu nhiều nhất. Khoảng một nửa lượng khí tự nhiên mà Libya xuất sang châu Âu được tiêu thụ tại Italy. Hiện nay, nhóm khủng bố cực đoan này đã bắt đầu kêu gọi những người có kiến thức về kỹ thuật gia nhập tổ chức để vận hành các cơ sở dầu khí mà chúng chiếm được trong khu vực.

“Di sản” của Mỹ

Phiến quân IS, bằng động thái mới này, dường như đã thành công trong việc lợi dụng tình trạng chia rẽ ở Libya, quốc gia đang tồn tại 2 chính phủ đối địch và chìm trong tình trạng bạo lực, các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực. Libya hiện tồn tại 2 chính phủ, 2 Quốc hội, và các bên đang cố gắng giành quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương và Công ty Dầu khí quốc gia; trong khi lực lượng cảnh sát và quân đội gần như không hoạt động.

Chính phủ hiện tại được quốc tế công nhận chỉ điều hành đất nước từ Tobruk, nằm sát biên giới phía Đông với Ai Cập, trong khi chính phủ đối lập đóng ở thủ đô Tripoli, được điều hành bởi Libya Dawn, một tổ chức mà các lực lượng Hồi giáo chiếm phần đông.

Tất cả các yếu tố bất ổn trên đều được cho là hậu quả từ việc thay đổi chính phủ ở Libya mà Mỹ hậu thuẫn cách đây 4 năm. Vậy mà đến nay, các hãng truyền thông phương Tây vẫn mô tả Libya như một quốc gia có nền dân chủ thịnh vượng nhất châu Phi. Trước khi Mỹ thực hiện các cuộc đánh bom năm 2011, Libya là quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị chết thấp nhất và là nước có tuổi thọ con người cao nhất ở châu Phi.

Ngày 20/10 vừa qua đánh dấu cột mốc 4 năm kể từ sau khi lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị Mỹ tiêu diệt, và đất nước này ngày càng chìm sâu vào tình trạng hỗn loạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quân khủng bố lập thành trì sát cửa ngõ châu Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO