Sự trở về của những đứa trẻ lầm lạc

Linh Chi 26/11/2017 06:30

Khalil kể lại cậu từng bỏ nhà cửa, gia đình để gia nhập vào hàng ngũ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cách đây một năm rưỡi. Bây giờ, cậu đang ở trong một trung tâm cải tạo ở tỉnh Aleppo, Syria dành cho những cựu chiến binh cực đoan. Ở độ tuổi 14, cậu là một trong những người trẻ tuổi nhất lớp.


Khung cảnh bình yên hiếm hoi ở quận al-Shaar, Aleppo. Nguồn: Reuters.

Trở lại trường học
Từng là một cựu chiến binh nhí của IS, Khalil được phân loại tù binh “cấp độ 2” - ám chỉ một chiến binh IS đã từng tham chiến. Cậu bé 14 tuổi tỏ ra chật vật khi tìm câu chữ để tự mô tả về bản thân, nhìn ra phía khác khi được hỏi về lần đầu tiên cầm súng ra chiến trường. “Tôi thực sự không có điều gì để nói cả, lúc bấy giờ tôi chỉ muốn tiến lên phía trước, chỉ tiến lên mà không thoái lui” - Khalil nói.

Tại trung tâm cải tạo ở Marea, Khalil được xếp cùng phòng với những chiến binh dạn dày kinh nghiệm chiến trường - một vài trong số này được xếp loại tù binh “cấp độ 3”, là các chiến binh nước ngoài, đến từ châu Á và Đông Âu. Thoạt nhìn thì căn phòng này giống như một trường học, nhưng bên trong là cả một khu phức hợp được lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) canh gác cẩn trọng. Người hướng dẫn lớp học này đang tìm cách loại bỏ hệ tư tưởng IS khỏi đầu những cựu chiến binh này.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại khu vực này đã tạo nên sự ổn định đáng kể. Họ đã thực hiện chiến dịch Lá chắn Euphrates vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017, quét sạch các nhóm cực đoan ở nhiều địa bàn của tỉnh Aleppo. Những năm qua, nhiều khu vực của tỉnh này tràn nhập các nhóm cực đoan, trong đó có cả al-Qaeda và IS.

Trung tâm bài trừ hệ tư tưởng cực đoan bắt đầu được mở cửa chỉ cách đây vài tuần, được điều hành bởi các học giả, các giáo sỹ Hồi giáo, luật sư... với mục tiêu thuyết phục các tù binh IS từ bỏ con đường cực đoan. Công việc của họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hậu IS ở Syria.

“Thứ nguy hiểm nhất chính là tư tưởng hệ IS”- Giám đốc trung tâm, ông Hussein Nasser, nói. “Chúng tôi muốn dạy họ rằng điều thiêng liêng nhất là tự do và nhân quyền”.

Những người anh trai lớn trong gia đình của Khalil cũng gia nhập IS và đã tử trận. Khalil được điều tới tiền tuyến cùng với một đơn vị toàn chiến binh nhí, nhưng bị dính đạn ngay trong ngày đầu tiên tham chiến.

Tại trung tâm cải tạo, người hướng dẫn nói về lịch sử của người Hồi giáo, về những trận chiến diễn ra hồi thế kỷ thứ 7 và nhấn mạnh rằng, đạo Hồi dựa trên tư tưởng công bằng và cùng nhau chung sống. Bằng việc đưa ra các bài giảng phần lớn là về đạo Hồi, họ hy vọng sẽ đào tạo được những người Hồi giáo ôn hòa, có khả năng hội nhập xã hội và tránh xa thứ tư tưởng Nhà nước Caliphate mà IS đã nhồi nhét vào đầu họ.

“Sau khi ra khỏi đây, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ về mọi thứ. Đừng để mất lý trí, đừng để ai thao túng nó”- vị giáo viên hướng dẫn nói với các học sinh. Giờ trông họ khác xa với lúc còn là những chiến binh trong bộ trang phục đen đáng sợ.


Khalil tham gia lớp học tại trung tâm cải tạo Marea, tỉnh Aleppo. Nguồn: CNN.

S­­­ự thay đổi ở Aleppo
Quá trình xóa bỏ hệ tư tưởng độc hại của IS chỉ là một phần trong cuộc chiến hết sức phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ với người dân địa phương rằng, sự bảo trợ của họ thực sự mang tới kết quả. Năm 2016, dân số thành phố Jarablus đã tăng lên hơn 70.000 người kể từ khi phiến quân IS rút đi - gấp 3 lần so với trước kia. Thành phố này đã thu hút được rất nhiều gia đình mất nhà cửa trên khắp Syria.

Ngày nay, nơi IS từng treo đầu người thị uy ở chỗ công cộng, người ta chứng kiến sự phát triển đang lấn át sự hủy diệt. Nhờ việc IS nhanh chóng đầu hàng mà Jarablus không phải gánh chịu nhiều thiệt hại như các thành phố khác của đất nước.

Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp điện và nước cho thành phố, lương cho lực lượng cảnh sát khu vực. Họ cũng xây dựng nhiều trường học. Rất nhiều trẻ em bị tước mất cơ hội đến trường trong 6 năm qua, tạo nên một khu vực màu mỡ để IS tuyên truyền tư tưởng hệ độc hại cho những đứa trẻ như Khalil.

Nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích quốc gia. Họ muốn đảm bảo an ninh khu vực biên giới của họ với Syria và giúp khu vực này tránh xa khỏi IS. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tạo một hành lang an toàn để 3 triệu người tị nạn Syria đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ tự do trở về nhà.

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng sự phát triển ở khu vực này sẽ đóng vai trò như tấm lá chắn chặn bước tiến của người Kurd ở Syria. Họ cũng coi YPG - bao gồm lực lượng SDF được Mỹ hậu thuẫn - là một tổ chức khủng bố. Chính quyền Ankara cũng coi YPG như một phiên bản khác của Đảng Lao động người Kurd, hay PKK, hiện đang chiến đấu đòi độc lập khỏi nước này trong hơn 3 thập kỷ qua và bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ.


Một gia đình tại phía Tây Mosul đổ nát. Nhiều ông bố bà mẹ từng phải chối bỏ mối quan hệ với những đứa trẻ để đảm bảo an toàn cho chúng.

Nỗi ám ảnh chiến tranh
Dù có đạt được một số bước tiến như ở thành phố Jarablus, tình hình cũng chưa thực sự được đảm bảo. Các tướng lĩnh địa phương quan ngại rằng chính sách của Mỹ nhằm ủng hộ lực lượng SDF chống lại IS ở những khu vực tập trung đông người Arab có thể tạo nên một tình trạng cho phép chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy một lần nữa.

“Mỹ cần phải ủng hộ đúng người, họ cần phải ủng hộ những người trong khu vực đó thay vì ủng hộ người Kurd tiến vào mảnh đất của người Arab”- Abdul Nassir, một tướng lĩnh thuộc lực lượng FSA mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nói.

Ở cả Syria và Iraq, các chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Hồi tháng 9 vừa qua, họ đã đổ bộ vào Raqqa, thành trì của IS trên lãnh thổ Syria.

Các dòng chữ tuyên truyền tư tưởng hệ độc hại của IS giờ đã được xóa sạch khỏi những bức tường bao quanh trường học ở thành phố Jarablus. Đây từng là một nhà tù và là trung tâm huấn luyện lực lượng chiến binh nhí của IS có tên “Những chú hổ con của Caliphate”.

Trẻ em đang háo hức trở lại ngôi trường này để học tập. Một trong số các lãnh đạo trường nói rằng ưu tiên hàng đầu của họ là chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh để xóa đi ám ảnh về chiến tranh. Cô bé Wa’ed, 5 tuổi, kể lại rằng cha cô đã bỏ gia đình để gia nhập IS, và sau đó mẹ của cô cũng theo chồng không lâu sau đó. “Sau khi cha bỏ đi, mẹ cháu đã nói với bà rằng hãy chăm sóc lũ trẻ, rồi cũng bỏ đi luôn”- Wa’ed kể lại.

Điều này cho thấy dù Thổ Nhĩ Kỳ đã vực dậy nhiều vùng của tỉnh Aleppo bằng các chương trình tái hòa nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng, nỗi ám ảnh về chủ nghĩa cực đoan và chiến sự còn lâu mới có thể bị xóa bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự trở về của những đứa trẻ lầm lạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO