Thái Lan: Nhiều ngôi làng ung thư do ăn cá sống

Linh Chi 16/06/2015 16:04

Giống như bất cứ nền văn hóa ẩm thực nào trên thế giới, Thái Lan cũng sở hữu một kho tàng các món ăn sống đầy lôi cuốn. Tuy trở thành những món đặc sản có giá trị theo thời gian, nhưng những món ăn này cũng mang lại không ít hiểm họa cho sức khỏe; đặc biệt khi người ta phát hiện ra nhiều ngôi làng bị ung thư vì ăn gỏi cá sống ở nước này.

Thái Lan: Nhiều ngôi làng ung thư do ăn cá sống
Món cá sống Koi Plaa trông hấp dẫn nhưng là nguyên nhân gây ung thư gan ở nhiều ngôi làng khu vực Đông bắc Thái Lan

Vùng cao nguyên Isaan ở Đông bắc Thái Lan là một vùng đất khô hạn, nghèo nàn và cách xa biển nhưng lại tập trung đông dân. Là ngôi nhà của khoảng 1/3 dân số của Thái Lan, vùng đất này lại có rất ít sản vật và các loại thực phẩm sẵn có. Người dân buộc phải sử dụng những vật liệu thay thế, những sản vật sẵn có, dược liệu… để tạo nên những món ăn của mình. Một món ăn truyền thống nổi tiếng ở khu vực Đông bắc Thái Lan làm từ cá sống mới đây bị phát hiện là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc chức ung thư gan gia tăng ở khu vực này.

Ở những nơi có sông hồ, người dân ở cao nguyên Isaan chủ yếu đánh bắt cá nhỏ để làm các món chính, và một trong những món ăn - cũng là món ăn sống - nổi tiếng nhất là món Koi Plaa. Để làm được một đĩa Koi Plaa, con cá sông bắt về được mổ xẻ một cách tinh xảo, và sau đó được trộn bằng tay cũng với một số loài thảo mộc địa phương, nước chanh và kiến đỏ sống.

Koi Plaa theo thời gian đã trở thành món ăn sống rất nổi tiếng của vùng Isaan, Thái Lan nhưng đồng hành cùng với danh tiếng đó lại là hiểm họa khôn lường. Trong suốt nhiều thập kỷ, người dân ở nhiều vùng thuộc cao nguyên Isaan nổi tiếng có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất nước.

Và trong các nghiên cứu của giới khoa học Thái Lan, tỷ lệ mắc ung thư gan cao ở khu vực cao nguyên Isaan đều có nguồn gốc từ sán lá gan, một loại ký sinh được tìm thấy trong cá sống. Thế nhưng chỉ vài năm gần đây, những nỗ lực nhằm ngăn chặn tỷ lệ ung thư gan ở Isaan mới thực sự bắt đầu khi chính quyền khuyến cáo người dân thay đổi thói quen ăn uống bằng cách nấu chín món Koi Plaa để tiệt trừ sán lá gan trước khi ăn nó.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, có khoảng 70 triệu người bị nhiễm loại ký sinh trùng sán lá gan. Vào năm 2013, có 9 triệu người nhiễm sán lá gan ở Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. Nguyên nhân bị nhiễm là do sở thích ăn các món cá sống (như gỏi cá, cá nấu chưa chín…) đánh bắt được ở các con sông thuộc các vùng nông thôn của các nước này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, có khoảng 70 triệu người bị nhiễm loại ký sinh trùng sán lá gan. Vào năm 2013, có 9 triệu người nhiễm sán lá gan ở Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. Nguyên nhân bị nhiễm là do sở thích ăn các món cá sống (như gỏi cá, cá nấu chưa chín…) đánh bắt được ở các con sông thuộc các vùng nông thôn của các nước này.

Sán lá gan và tác hại

Bác sỹ Banchob Spira, Phòng thí nghiệm bệnh nhiệt đới ĐH Khon Kaen, hiện là người đi đầu trong các nỗ lực ngăn chặn tỷ lệ ung thư cao bất thường ở cao nguyên Isaan. Ông cho biết đã nghiên cứu về các trường hợp ung thư ở nhiều ngôi làng trải dọc vùng Isaan trong phòng thí nghiệm đến nay đã được 30 năm.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng sán lá gan có thể tiết ra một loại chất hóa học gây kích động hệ miễn dịch của vật chủ, gây nên chứng viêm nhiễm và sau nhiều năm, triệu chứng này trở thành mãn tính, sau đó chuyển biến thành ung thư” – ông Spira nói.

Nhóm nghiên cứu của ông còn phát hiện ra rằng, ở một số ngôi làng thuộc Isaan, đến 80% người dân bị nhiễm sán lá gan, trong đó trường hợp bị nhiễm nhỏ nhất mới chỉ 4 tuổi. Tuy phải đến khoảng độ tuổi 50, ung thư gan mới bắt đầu phát triển, nhưng một khi đã đến giai đoạn này, bệnh nhân dường như chỉ còn cách nằm chờ chết.

Tại bệnh viện của ĐH Khon Kaen, nhóm nghiên cứu tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân ung thư gan do nhiễm sán lá gan mỗi năm, các trường hợp này đều mắc một dạng ung thư gan có tên Cholangiocarcinoma, tức ung thư đường mật. Chỉ có khoảng 200 trường hợp trong số trên được điều trị, chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u khỏi gan.

Biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để những ngôi làng ung thư ở Isaan chính là ngăn chặn. Bởi vậy, bác sỹ Spira cùng nhóm nghiên cứu của mình hiện đang dạy một chương tình giáo dục sức khỏe cộng đồng ở những ngôi làng thuộc lưu vực sông Lawa, phía Nam Khon Kaen, nơi tỷ lệ nhiễm sán lá gan do ăn cá sống cao nhất Thái Lan.

Thay đổi nhận thức người dân

Nhóm nghiên cứu bắt đầu chương trình của mình bằng những phương pháp được cho là hiệu quả nhất trong khu vực này: Đào tạo những trưởng thôn có uy tín để thuyết phục người dân thay đổi thói quen ăn uống, xen lẫn thông tin về sán lá gan vào những bài hát và câu chuyện cười mà người dân thích nghe…

Theo nhóm nghiên cứu, ấu trùng sán lá gan, có trong thịt cá sống, được người dân tiếp nhận qua đường ăn uống và sau đó phát triển thành sán sống ký sinh trong gan của họ. Trứng của loại sán này sau đó còn theo hệ bài tiết đi ra ngoài, nhiễm vào các nguồn nước lân cận, sau đó được một loại ốc sên ăn trước khi ấu trùng của nó lại nhiễm vào thịt cá một lần nữa.

Thế nhưng bất chấp hàng loạt các biện pháp tuyên truyền, cho đến nay tỷ lệ mắc ung thư gan ở những ngôi làng thuộc cao nguyên Isaan vẫn cao cho thấy thực tế là người dân chưa từ bỏ thói quen ăn món Koi Plaa của họ.

"Đôi khi tôi nấu chín nó, nhưng đôi lúc cũng quên khuấy” – một người đàn ông 61 tuổi nhiễm sán lá gan, kể lại.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, khoảng 60% người dân hiện nay đã nhận thức được nguyên nhân gây ung thư gan và cũng biết về sán lá gan. Nhưng vẫn tồn tại 10% người dân vẫn ăn món cá sống Koi Plaa và không thể thay đổi thói quen của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Lan: Nhiều ngôi làng ung thư do ăn cá sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO