Tiền ảo - Lời giải cho bài toán kinh tế của Venezuela?

06/12/2017 08:35

Rất dễ hiểu khi tiền ảo lại trở nên hấp dẫn đối với một quốc gia đang vấp phải khủng hoảng kinh tế như Venezuela. Nếu như mỗi người dân nước này đầu tư toàn mức thu nhập cá nhân trung bình là 11.500 USD vào Bitcoin, khoản đầu tư này sẽ có giá lên tới 8,4 tỷ USD mỗi người vào tháng 5 năm nay.


Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố phát hành tiền ảo Petro. (Nguồn: Reuters).

Ở một quốc gia đang phải gánh chịu đà suy giảm kinh tế mạnh mẽ trong những tháng gần đây, ý tưởng nhân giá trị đồng tiền mà không chịu giới hạn của các ngân hàng hay các lệnh trừng phạt đã trở thành một viễn cảnh thực tế khi hồi cuối tuần qua, chính phủ Venezuela tuyên bố kế hoạch cho ra mắt một đồng tiền điện tử riêng có tên "Petro".

Chính phủ Venezuela hy vọng rằng đồng tiền ảo mới có thể vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế và phục vụ thay cho đồng tiền Bolivar đang bị mất giá ghê gớm.

"Venezuela sẽ tạo nên một đồng tiền ảo" - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong hôm Chủ nhật tuần trước.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Maduro chỉ đưa ra một vài chi tiết về cách thức vận hành của đồng tiền ảo này - được hỗ trợ bởi dầu khí, vàng và kim cương. Động thái trên lập tức bị các đảng phái đối lập chỉ trích.

Công bố đồng tiền ảo nhà nước

Các nỗ lực thâm nhập vào nền kinh tế tiền ảo của Venezuela được xem là một tín hiệu cho thấy họ đang phải chịu sức ép lớn về mặt kinh tế. Giới phân tích kinh tế nói rằng dự trữ tiền mặt của nước này đang cạn kiệt, nhân công có kỹ năng cao đang rời bỏ đất nước trong khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm dần... Cùng lúc, siêu lạm phát đã khiến cho đồng tiền của nước này, Bolivar, gần như vô giá trị.

Ở Venezuela, sự suy giảm giá dầu cùng tình trạng bất ổn hiện nay đã gây nên một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, khiến nó trở thành quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Giá cả các mặt hàng trong nước tăng vọt theo ngày, tình trạng thiếu thuốc men và lương thực cũng trở nên trầm trọng.

Chính phủ Venezuela cho rằng chính các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ. Ngoài ra, việc chi trả các khoản nợ cũng trở nên đặc biệt khó khăn đối với Venezuela khi các mặt hàng nhập khẩu cùng hoạt động giao dịch của nước này bị suy giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn. Đó là chưa kể Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đã thỏa thuận để áp đặt các lệnh trừng phạt tương tự đối với nước này.

Trong tuyên bố hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Maduro nói rằng đất nước ông đang trong "một cuộc chiến tài chính" với các nước đứng đằng sau các lệnh trừng phạt. Việc sử dụng đồng tiền ảo có thể giúp họ "trong các vấn đề về tiền tệ, thực hiện các giao dịch tài chính và vượt qua các rào chắn tài chính".

Tổng thống Maduro cũng tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ thiết lập một nền tảng Blockchain - cần thiết để giao dịch các đồng tiền ảo - ngoài ra không đưa thêm chi tiết về kế hoạch lưu hành đồng tiền ảo mới.

Venezuela đương nhiên không phải quốc gia đầu tiên thử nghiệm đồng tiền ảo. Ở Thụy Điển - nơi mà giao dịch bằng tiền mặt giờ chỉ chiếm khoảng 20% tổng khoản giao dịch - việc tung ra đồng tiền ảo được chính phủ bảo hộ cũng đang được thảo luận. Chính phủ nước này cho rằng việc sử dụng các thuật toán thay vì thông qua ngân hàng để giao dịch tiền ảo sẽ khiến cho việc giao dịch trở nên thuận tiện hơn.

Tính đến nay, các thử nghiệm tiền ảo của một số quốc gia như Canada hay Trung Quốc chỉ mới hạn chế ở giao dịch giữa các tập đoàn và chưa mở rộng ra cộng đồng người dân. Hiện nay trên thế giới cũng chưa có một nghiên cứu nào về tầm ảnh hưởng của một hệ thống như vậy đối với sự ổn định tài chính của một quốc gia, hay đưa ra một phương thức cần thiết để kết nối ngân hàng trung ương với một đồng tiền ảo.

Đồng tiền thật mất giá thảm hại

Đồng bolivar, đồng tiền chính thức của Venezuela, đang rơi tự do. Trong một tháng qua, các biện pháp kiểm soát tiền tệ và in tiền quá mức đã khiến đồng tiền của Venezuela mất giá 57% so với tỉ giá USD trên thị trường tự do.

Việc đồng tiền mất giá cũng khiến cho mức lương thực tế tối thiểu hằng tháng của người dân Venezuela giảm xuống chỉ còn 4,3 USD/tháng. Quốc gia Nam Mỹ này đang thiếu trầm trọng các nhu yếu phẩm như đồ ăn và thuốc men.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ từ cuối tháng 8/2017 cũng đang khiến Venezuela khó khăn hơn trong việc giải quyết các khoản nợ nước ngoài hay huy động ngoại tệ qua các ngân hàng quốc tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Maduro phải tung tiền ảo giữa bối cảnh đất nước bên bờ vực vỡ nợ.

Động thái tung tiền ảo tìm “tiền thật” của ông Maduro đã bị phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng điều này cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Một số nghị sĩ còn nghi ngờ khả năng thành công của đồng tiền ảo này giữa lúc kinh tế đất nước đang khủng hoảng nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền ảo - Lời giải cho bài toán kinh tế của Venezuela?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO