Tìm cách cứu loài cây biết đi

Linh Chi 23/12/2015 08:10

Giống như một số loài cây biết đi trong thần thoại, ở Ecuador có một loài cây biết đi. Nhưng dù có thể di chuyển được, chúng cũng không thể đủ nhanh để thoát khỏi lưỡi cưa của con người.

Loài cọ biết đi trong khu rừng được Unesco bảo tồn Sumaco, Ecuador .(Nguồn: BBC).

Người ta sẽ mất cả ngày mới có thể đi từ thủ đô của Ecuador, Quito, đến trung tâm của khu rừng Sumaco, cách đó 100 km về phía Đông Nam. Hành trình này cần đến 3 giờ đi bằng xe hơi, và sau khi đến bìa rừng, phải bỏ thêm từ 7 đến 15 giờ nữa để đi bằng thuyền, lừa hoặc đi bộ, vượt qua các con đường lầy lội để đến được trái tim của nó. Tuy là một hành trình gian nan, nhưng rất nhiều du khách sẵn sàng tham gia chỉ để một lần được chứng kiến loài cây biết đi kỳ lạ có tên: Cây cọ biết đi.

Giống như loài sinh vật họ cây có tên Ents trong tác phẩm thần thoại nội tiếng “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của tác giả JRR Tolkien, loài cọ biết đi thực sự di chuyển quanh khu rừng, chủ yếu do liên tục phát triển các nhánh rễ mới ở vị trí khác. Đôi lúc, trong một ngày, loài này có thể di chuyển từ 2 - 3 cm.

“Do đất bị xói mòn, loài cây này phải phát triển các nhánh rễ mới và dài để tìm vùng đất chắc chắn hơn” - ông Peter Vrsansky, nhà cổ sinh học đến từ Viện Khoa học Đất đai, thuộc Viện hàn lân Khoa học Slovakia, cho hay. “Sau đó, các nhánh rễ mới ổn định ở vùng đất mới và thân cây uốn cong dần dần theo phần rễ này, trong khi phần rễ cũ từ từ được nâng lên khỏi mặt đất. Tiến trình này có khi phải mất vài năm”.
Bản thân Vrsansky cùng một hướng dẫn viên và cũng là nhà bảo tồn khác tên Thierry Garcia đã bỏ ra vài tháng để sinh sống trong khu rừng cổ tích này, trong khi nghiên cứu về mối đe dọa khiến cho một số chủng loài sinh vật kỳ diệu của khu rừng này dần bị tuyệt chủng.

Trong quá trình nghiên cứu, họ đã tìm ra một thác nước cao đến 30 m, 2 loài động vật có xương sống mới. Họ cũng trải qua nhiều khó khăn, trong đó có một lần từng bị bầy khỉ hung dữ tấn công… Sau hành trình đó, hai nhà khoa học đã bị sụt mất 10 kg, nhưng bù lại, họ lại phát hiện ra được trên 150 loài sinh vật mới với hình thù kỳ lạ.

Thế nhưng, khu rừng dường như chỉ tồn tại trong truyện cổ tích này lại đang bị rao bán trong cuộc cải cách nông nghiệp ở Ecuador, trong đó khuyến khích người dân địa phương phát quang rừng để có đất sinh sống và làm nông nghiệp.

“Người ta đến đây, đốn hạ hàng loạt thân cây và nhận quyền sở hữu mảnh đất đó. Sau đó, sau 5 năm, do bộ luật mới, họ có thể bán mảnh đất đó, và rất nhiều người đang làm như vậy” - ông Vrsansky nói.

Cho đến giờ, chỉ còn rất ít người dân địa phương thực sự sinh sống trong khu rừng này. Một pháp sư ở vùng này đã phải tuyên bố rằng có một “hồn ma xấu” đang lẩn trốn trong khu bảo tồn, và cả khu rừng tràn ngập các loại côn trùng mang theo bệnh dịch cùng nhiều mối đe dọa khác… để ngăn người ta chặt rừng.

Ngoài ra, một số nhà bảo tồn cũng tự bỏ tiền túi ra để mua đất rừng với mục đích cứu nó khỏi bị phá hủy. Được biết mỗi hecta đất rừng chỉ có giá dưới 500 USD, và đến nay, Garcia đã sở hữu đến 300 hecta để lưu giữ. Vrsansky nói rằng, tuy không giàu có gì, nhưng những nhà bảo tồn như Garcia luôn dành ra một khoản tiền để mua dần các khoảng đất rừng để bảo tồn trên 10.000 loại sinh vật quý hiếm tại đây.

Ngoài ra, một biện pháp khác được vạch ra để cứu khu bảo tồn này cũng được thực thi, đó là bán lại đất cho một trường Đại học hoặc Viện nghiên cứu, để nó trở thành một khu vực nghiên cứu được bảo vệ, hoặc sử dụng khu rừng như một địa điểm du lịch.

“Đối với các du khách, việc chứng kiến tận mắt những chú kền kền hay một miệng núi lửa đang phun trào là khung cảnh hết sức đặc biệt” - Vrsansky nói - “Tự bản thân khu rừng này đã là một khung cảnh sinh động về cuộc sống trên trái đất. Cũng giống như một đại dương tràn đầy sức sống vậy”.

Kể từ năm 2010, khoảng 200 hecta ở khu vực gần khu bảo tồn sinh thái sông Bigal của khu rừng này đã bị phát quang; theo số liệu thống kê của một trạm nghiên cứu của tổ chức có trụ sở ở Pháp. Đâu đó trong khu bảo tồn này, hàng nghìn hecta đất vẫn đang bị ảnh hưởng từ việc xây dựng hàng loạt các tuyến đường trong năm 1986.

Ecuador đến nay vẫn là một trong số các quốc gia ít ỏi trên thế giới còn lưu giữ được nhiều khu bảo tồn sinh thái. Thế nhưng với tốc độ hủy hoại các khu rừng như Sumaco hiện nay, rất nhiều loài sinh vật kỳ diệu của tạo hóa đang đứng trước mối đe dọa bị tuyệt chủng. Như loài cọ biết đi, dù có di chuyển được đi chăng nữa thì chúng cũng không thể chạy khỏi những lưỡi cưa của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách cứu loài cây biết đi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO