Tổng thống Mỹ tranh luận tại “quê cha”

Khánh Duy 26/07/2015 22:00

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc tranh luận với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta về vấn đề luật đồng tính khi cho rằng “điều xấu sẽ xảy ra” khi các nước không chấp nhận quyền đồng tính của công dân nước họ. Cuộc tranh luận diễn ra trong chuyến thăm về “quê cha” của ông chủ Nhà Trắng.

Ông Obama và ông Kenyetta đã có cuộc tranh luận nảy lửa. (Nguồn: Reuters).

Trong bài phát biểu hôm 25/7, ông Obama đã nói rằng với tư cách là một người Mỹ gốc Phi, ông nhận thức rõ được sự đau đớn khi bị đối xử như một công dân hạng hai ở chính đất nước của ông và các chính sách phân biệt này sẽ đi ngược lại với lịch sử.

“Khi bạn bắt đầu đối xử một cách phân biệt với mọi người, bởi họ đang làm gì đó khác biệt, đó chính là con đường dẫn đến sự sói mòn tự do, và chuyện xấu sẽ xảy ra” – ông Obama phát biểu trước báo giới ở Nairobi.

Nhưng ông Kenyatta, người đã được các thành viên chủ chốt trong đảng của ông cảnh báo trước là không nên bình luận về vấn đề này trong chuyến thăm của ông Obama, đã khẳng định rằng quyền của người đồng tính không phải là một vấn đề đối với đất nước Kenya.

“Chúng tôi chia sẻ nhiều giá trị, tình yêu chung đối với nền dân chủ, giá trị gia đình. Nhưng có một số thứ mà chúng tôi phải thừa nhận là không cùng quan điểm, nền văn hóa và xã hội không chấp nhận” - ông Kenyatta đáp lại ông Obama -“Rất khó để áp đặt điều đó lên những người mà bản thân họ không muốn chấp nhận điều đó. Đối với người dân Kenya, quyền của người đồng giới hiện không phải là một vấn đề”.

Những tuyên bố của ông Obama đã vấp phải nhiều chỉ trích ở Kenya và nhiều nước châu Phi vốn cấm quan hệ đồng tính. Các đạo luật chống đồng tính được phê chuẩn ở nhiều nước châu Phi, và nhiều người vẫn xem đồng tính là vô đạo đức.

“Ông Obama có liên hệ bản thân với châu Phi nhưng ông ấy chống lại những giá trị của châu Phi” - ông Kidaha Vincent, người đứng đầu Đảng Tự do Cộng hòa Kenya, cho hay.

Phó Tổng thống Kenya William Ruto, cũng tham gia các buổi hội đàm với ông Obama, cho biết Mỹ và Kenya chia sẻ nhiều giá trị nhưng không phải tất cả các lĩnh vực. Hồi tháng 5-2015, ông Ruto từng tuyên bố “không có chỗ” cho người đồng tính ở Kenya và khẳng định rằng quan hệ đồng tính ở Kenya là phạm pháp.

Ông Eric Gitari, người đứng đầu tổ chức hoạt động bảo vệ quyền lợi người đồng tính Kenya, hoan nghênh ông Obama nêu thẳng vấn đề cơ bản về quyền người đồng tính. Trong khi đó, một số nhóm hoạt động vì nhân quyền ở châu Phi kêu gọi ông Obama nên cẩn trọng khi phát ngôn về vấn đề người đồng tính, tránh kích ngòi làn sóng chỉ trích từ dư luận châu Phi. Được biết hiện nay Nam Phi là quốc gia duy nhất ở châu Phi cho phép hôn nhân đồng tính.

Cuộc tranh luận căng thẳng diễn ra nhân một cuộc họp báo chung mà cả hai nhà lãnh đạo đều đưa ra những quan điểm hết sức thẳng thắn. Ngoài vấn đề về quyền của người đồng tính, ông Obama còn nêu quan ngại của mình về nạn tham nhũng đang kìm hãm đà tăng trưởng nền kinh tế của Kenya, đất nước nơi cha ông được sinh ra.

“Mọi người đâu có ngốc ngếch”- ông nói, đồng thời kêu gọi cần phải tố cáo trước công chúng các vị quan chức sở hữu những ngôi nhà, xe hơi sang trọng mà đáng lẽ ra không thể có được với mức lương của họ.

Ông Obama còn giải thích lý do mà mãi đến bây giờ mới về thăm “quê cha”, nói rằng ông “không muốn thiên vị” khi đến thăm Kenya bởi Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC) đang có một số cáo buộc đối với ông Kenyatta liên quan đến tình trạng bạo lực ở nước này hồi năm 2007 và nói thêm rằng đây cũng là quan ngại của nước Mỹ.

Hiện tại ICC đã gỡ bỏ các cáo buộc liên quan tới ông Kenyatta với lý do thiếu bằng chứng. Tuy nhiên cấp phó của ông - ông William Ruto - vẫn phải đối mặt với một số cáo trạng của ICC.

Từ trước chuyến thăm Kenya của ông Obama, giới quan sát đã đặt ra nhiều câu hỏi về hàng loạt vấn đề khúc mắc giữa hai bên và khả năng xử lý của ông chủ Nhà Trắng ra sao trong những vấn đề này. May mắn thay, chuyến thăm này nhìn chung được người dân Kenya đón nhận với lòng hiếu khách và sự nhiệt tình chưa từng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Mỹ tranh luận tại “quê cha”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO