Tổng thống Trump muốn mua Greenland

Linh Chi 18/08/2019 08:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới, làm cho từ khóa Greenland bây giờ đang gây sốt trên mạng xã hội, nhận được hàng nghìn lượt tweet, phần lớn trong số đó là châm biếm và đồn đoán về khả năng ông thực sự thực hiện thương vụ này.

Tổng thống Trump muốn mua Greenland

Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự có ý định mua lại Greenland? Nguồn: AFP.

Mở rộng lãnh thổ Mỹ?

Hôm thứ Năm vừa qua, tờ “Wall Street Journal” (WSJ) đăng tải bài viết nói rằng ý tưởng Mỹ mua lại đảo Greenland đang được ông Trump - người từng là nhà phát triển bất động sản - cân nhắc. WSJ dẫn một số nguồn tin thân cận với ông Trump nói rằng ông liên tục nói về sự hứng thú của mình trong việc mua lại vùng lãnh thổ của Đan Mạch, trải dài 811.000 dặm vuông trên Đại Tây Dương và các vùng biển Bắc cực. Theo các nguồn tin, ông Trump từng hỏi ý kiến các cố vấn của mình rằng liệu Mỹ có thể mua lại đảo Greenland hay không. Ông cũng hỏi ý kiến các cố vấn Nhà Trắng về ý tưởng này - theo WSJ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Mỹ có thực sự cân nhắc về việc mua lại Greenland hay không.

Thông tin trên đã gây sốt trên mạng xã hội, trong đó nhiều cư dân mạng tỏ ý châm biếm hoặc đồn đoán về khả năng ông Trump thực sự mua đảo. Một số người giễu cợt rằng Greenland - vùng đất phủ đầy băng giá - là giải pháp của ông Trump đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Nhiều người khác lại đồn đoán về phản ứng của Đan Mạch trước thông tin trên. Với dân số khoảng 56.000 người, Greenland là một vùng tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, điều này có nghĩa rằng chính quyền của nó phụ trách hầu hết các vấn đề trong nước, trong khi chính quyền Copenhagen phụ trách các vấn đề về chính sách ngoại giao và an ninh của Greenland.

Theo WSJ, các cố vấn của ông Trump được cho là đã thảo luận về việc liệu Mỹ có nên sử dụng hòn đảo này để tăng cường sự hiện diện quân sự trên vùng Cực Bắc, thực hiện các cuộc nghiên cứu đủ loại về khu vực này hay không.

Dù Greenland có vô số nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng vẫn phải dựa vào nguồn tài chính hỗ trợ lên tới 591 triệu USD mỗi năm của Đan Mạch. Nguồn vốn này đóng góp tới 60% tổng ngân sách thường niên của Greenland.

Ông Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Đan Mạch trong tháng tới, dù chuyến thăm này không liên quan gì tới việc mua đảo Greenland. Theo kế hoạch, ông sẽ hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch và người đứng đầu vùng lãnh thổ Greenland. Bắc Cực sẽ là một trong những chủ đề của cuộc hội đàm. Nhưng cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ đưa việc mua bán Greenland vào chương trình nghị sự khi gặp các quan chức Đan Mạch.

Phản ứng từ Đan Mạch

Sau khi thông tin về việc ông Trump có ý định mua lại Greenland được lan truyền, ông Lars Lokke Rasmussen - cựu Thủ tướng Đan Mạch - nói trong một bài đăng trên twitter: “Đây chắc chắn là một trò đùa kiểu Cá tháng Tư, hoàn toàn không hợp thời”.

Ông Soren Espersen, người phát ngôn đối ngoại của Đảng Nhân dân Đan Mạch (Danish People’s Party) theo chủ nghĩa dân tộc, nói với Công ty Phát thanh Đan Mạch (DR): “Nếu ông ấy (Donald Trump) đang thực sự xem xét điều này, thì chứng tỏ ông ấy bị điên rồi”. Soren Espersen nói: “Muốn Đan Mạch bán 50 ngàn công dân của mình cho nước Mỹ thì thật là hoang đường”.

Bà Aja Chemnitz Larsen, nghị sĩ Quốc hội Đan Mạch của đảng cánh tả Inuit Ataqatigiit, đảng lớn thứ hai ở Greenland, nói: “Tôi chắc chắn rằng hầu hết mọi người ở Greenland đều tin rằng họ giữ mối quan hệ hiện nay với Đan Mạch tốt hơn nhiều so với nước Mỹ”. Về việc ông Trump có ý định mua lại Greenland, bà nói: “Suy nghĩ của tôi là “Thôi đi ông! Cảm ơn!”.

Hãng tin Reuters đưa tin, mặc dù Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen - người của Đảng Dân chủ Xã hội - và Bộ trưởng Ngoại giao Jeppe Kofod chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề trên, nhưng các quan chức chính phủ nói rằng Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao tới đây sẽ trả lời về điều này.

Cựu đại sứ Mỹ tại Đan Mạch, ông Rufus Gifford, đã lên Twitter, nhắn gửi ông Trump nhân việc ông muốn mua Greenland: “Ôi! Chúa ơi, là một người yêu Greenland, tôi đã đến thăm vùng đất này tới 9 lần. Đối với một người đến thăm mọi ngóc ngách và yêu vùng đất này như tôi thì đây (việc bán Greenland cho Mỹ) sẽ là một thảm họa!”.

Reuters đưa tin, trong khi một số chuyên gia tư vấn coi chuyện mua Greenland như một trò đùa, nhưng một số người trong Nhà Trắng lại xem đây là vấn đề nghiêm túc.

Đảo Greenland phần lớn diện tích quanh năm bị bao phủ bởi băng tuyết là khu vực rộng lớn nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Biển Bắc Cực, hiện là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Kinh tế của Greenland rất phụ thuộc vào Đan Mạch. Greenland sở dĩ thu hút được sự chú ý của toàn thế giới vì các nước Trung Quốc, Nga và Mỹ đều muốn dùng sức mạnh tranh đoạt bằng được hòn đảo lớn nhất thế giới và rất nhiều tài nguyên khoáng sản này làm căn cứ chiến lược. Quân đội Mỹ hiện đã xây dựng căn cứ không quân Thule Air Base ở Greenland, đây cũng là căn cứ quân sự ở gần cực bắc nhất của quân đội Mỹ. Ngoài ra, cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman hồi năm 1946 đã đề xuất mua Greenland với giá 100 triệu USD, nhưng đã bị Đan Mạch từ chối.

Đan Mạch năm 1917 đã bán quần đảo West Indiesn thuộc sở hữu của Đan Mạch ở vùng Caribbean cho Mỹ với giá 25 triệu đô-la. Sau đó Mỹ đã đổi tên West Indies thành Quần đảo Virgin thuộc Mỹ (United States Virgin Islands, USVI).

Di sản lịch sử

WSJ cũng dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay, trong một cuộc thảo luận vào bữa tối với các cố vấn hồi đầu năm ngoái, ông Trump nói rằng có người từng bảo ông rằng Đan Mạch đang có vấn đề về tài chính khi hỗ trợ Greenland, đồng thời đưa ra ý tưởng mua lại hòn đảo này. “Người đó tin rằng Tổng thống hứng thú với ý tưởng này bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của nó và bởi nó sẽ giúp ông có được di sản tương tự như Tổng thống Dwight Eisenhower - người đã mua lại Alaska và biến nó thành một bang của nước Mỹ” - WSJ lý giải.

Thương vụ Alaska - còn được gọi là “Tủ đá của Seward” - là việc Mỹ mua lãnh thổ Alaska, một vùng đất rộng 586.412 dặm vuông (1.518.800 km2) từ Đế quốc Nga vào năm 1867. Công việc xúc tiến theo nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ William Seward. Lãnh thổ này sang thế kỷ XX trở thành tiểu bang Alaska.

Vì khó khăn tài chính và lo ngại không phòng thủ được Alaska, Đế quốc Nga lúc bấy giờ có ý định bán nhượng lãnh thổ xa xôi ở Bắc Mỹ vào giữa thế kỷ XIX. Cùng lúc đó Anh đang mở tầm ảnh hưởng ở Tây Canada. Nga lo là sẽ mất trắng Alaska nếu có xung đột quân sự với Anh, vì lẽ đó, Nga hoàng Aleksandr II quyết định bán vùng đất này cho Mỹ, và chỉ thị cho đại sứ Nga tại Mỹ là Eduard de Stoeckl tiến hành thương thuyết với Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 3/1867.

Cuộc thương thuyết kết thúc sau một cuộc hội đàm kéo dài thâu đêm, chấm dứt vào 4 giờ sáng ngày 30/3 khi hai bên hạ bút ký tờ hiệp định với giá mua là 7,2 triệu USD (bình quân là khoảng 1,9 cent một acre). Dư luận Mỹ khi đó nói chung là ủng hộ, nhưng một số báo chí thì châm biếm cho đó là lầm lẫn phiêu lưu của Ngoại trưởng Seward. Thượng viện Mỹ phê chuẩn bản hiệp định ngày 9/4/1867, với 37 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Tuy nhiên, việc thu xếp tiền bạc trả cho việc mua Alaska bị đình trệ đến hơn một năm do sự phản đối từ phía Hạ viện. Hạ viện cuối cùng cũng thông qua vào tháng 6/1868, với 113 phiếu thuận và 48 phiếu chống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Trump muốn mua Greenland

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO