Trung Đông 'nóng' trở lại

Khánh Duy 11/11/2017 08:00

Một số quốc gia thuộc khu vực Vùng Vịnh dẫn đầu bởi Arab Saudi trong hôm 10/11 đã khuyến cáo công dân nước họ không nên du lịch tới Lebanon và những công dân đang ở Lebanon nên rời khỏi đó sớm nhất có thể, trong bối cảnh căng thẳng khu vực với Iran gia tăng đột biến.

Hình ảnh cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tại thủ đô Beirut. (Nguồn: AP).

Động thái trên được đưa ra sau một tuần lễ đầy căng thẳng khi mà chính quyền người Hồi giáo dòng Sunni của Arab Saudi đưa ra luận điệu cứng rắn đối với chính quyền người Shi'ite của Iran.

Mỹ và Israel cũng nhập cuộc khi lên tiếng ủng hộ chính quyền Riyadh, khẳng định rằng Iran đang thiết lập nhiều thành trì trên khắp khu vực.

Bất đồng đã đẩy căng thẳng giữa Riyadh và Tehran lên một tầm cao mới và làm dấy lên nhiều lo ngại rằng khoảng thời gian bất tin và thù địch kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai nhà nước này có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự, kéo theo các bên liên quan.

Trong hôm thứ Sáu vừa qua, Arab Saudi đã yêu cầu công dân nước họ rời khỏi Lebanon sớm nhất có thể, một động thái cũng được các đồng minh của nước này gồm Bahrain và Kuwait làm theo.

Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir nói rằng chính phủ của ông sẽ coi Lebanon là một nước thù địch khi mà lực lượng Hezbollah còn nằm trong chính phủ nước này. Ông mô tả việc Hezbollah tham gia vào chính phủ Lebanon như một "hành động gây chiến" đối với Arab Saudi.

Động thái trên đưa ra sau khi vào hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức, cho rằng lực lượng Hezbollah khiến cho công việc của ông không thể hoàn thành được, và vì lo sợ về khả năng bị ám sát.

Việc ông Hariri từ chức được cho là tuân theo một chỉ thị từ giới lãnh đạo Arab Saudi, những người sau đó đưa ra hàng loạt tuyên bố công kích cứng rắn chưa từng có nhằm vào Iran, trong đó cáo buộc lực lượng Hezbollah do nước này hậu thuẫn đang gia tăng tầm ảnh hưởng ở Lebanon và làm đảo lộn hệ thống chính trị nước này.

Ông Hariri đã dẫn dắt chính phủ Lebanon suốt 11 tháng qua. Arab Saudi là nước bảo trợ lớn nhất của ông Hariri, nhưng thời gian gần đây ông đã không còn được nước này trọng dụng sau khi để cho công ty xây dựng mà ông làm chủ, Saudi Oger, sụp đổ vì khoản nợ khổng lồ.

Trong tuần này, ông Hariri đã đóng vai trò như một đặc phái viên của Riyadh, di chuyển tới Bahrain và Abu Dhabi để thảo luận về việc ông từ chức. Giới chức Lebanon thì tuyên bố rằng ông Hariri đang bị bắt giữ làm con tin, dù đội ngũ của ông Hariri cùng giới chức Arab Saudi bác bỏ điều này.

Do lo ngại về tình hình căng thẳng ở Trung Đông, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/11 đã có chuyến thăm bất ngờ tới Arab Saudi, nhấn mạnh rằng ông mong muốn "nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự ổn định và toàn vẹn của Lebanon".

Việc lực lượng Hezbollah trỗi dậy tranh giành tầm ảnh hưởng ở Lebanon cũng khiến Israel đặc biệt lo ngại. Arab Saudi và Israel không hề có quan hệ ngoại giao và giới lãnh đạo Riyadh từng nói rằng điều đó sẽ không thay đổi trừ khi Israel đạt được một thỏa thuận tái định cư với Palestine.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giới chính trị gia kỳ cựu ở Israel liên tiếp đề cập tới vai trò của Iran và Hezbollah ở Syria và Lebanon, trong khi cho rằng một cuộc chiến với lực lượng Hezbollah là điều không thể tránh khỏi.

Israel cũng liên tiếp kêu gọi chính quyền Mỹ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn đối với Iran, nhằm vào cả thảo thuận hạt nhân mà nước này ký kết dưới thời Tổng thống Obama và cả tầm ảnh hưởng đang mở rộng của nước này.

Vận mệnh chính trị của Lebanon đã bị lấy ra làm vật tranh giành kể từ sau cuộc nội chiến ở nước này kết thúc cách đây 25 năm. Iran và liên minh gồm Arab Saudi, Mỹ, Pháp, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tranh giành tầm ảnh hưởng tại quốc gia này.

Tuy nhiên hai nhân tố chính vẫn là Iran và Arab Saudi, với một bên dùng nguồn tài chính và một bên dùng lực lượng Hezbollah để tranh tầm ảnh hưởng.

Hezbollah đã củng cố được vị thế của mình kể từ sau một cuộc chiến ngắn ngày với Israel năm 2006, và càng gia tăng sức mạnh kể từ khi chính phủ của ông Hariri ở Lebanon được hình thành.

Theo giới phân tích, hiện nay, Iran ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ra các nước láng giềng. Ở Syria, họ đã bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, giúp lực lượng chính phủ giành chiến thắng trước các phe nổi dậy và phiến quân IS. Iran cũng giành được tầm ảnh hưởng ở Iraq kể từ sau khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ.

Nước này cũng lấp đầy khoảng trống quyền lực mà thời kỳ hậu IS để lại, củng cố một tuyến đường hành lang nối từ Tehran tới thành phố cảng Tartous của Syria.

Vùng biên giới giữa Syria và Iraq chính là một phần quan trọng của kế hoạch này, và việc giải phóng các thành phố chiến lược Deir ez-Zor, Mayadin và Bukamal ở Syria trong những tuần gần đây được xem là một thắng lợi chiến lược của Iran.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Đông 'nóng' trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO