Trung Quốc thúc đẩy dự án thương mại tự do khổng lồ

Khánh Duy 15/05/2017 08:35

Trung Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ một dự án thương mại tự do khổng lồ trong một cuộc hội thảo quốc tế lớn tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ 13 đến 15/5, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên với mục tiêu phát triển toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir (trái), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một bữa sáng tại hội nghị diễn ra hôm 14/5.
(Nguồn: TASS).

Diễn đàn “Vành đai và Con đường” chính là một diễn đàn kinh tế mà Trung Quốc mong rằng có thể sánh ngang với Davos hay G20. Diễn đàn này chủ yếu tập trung vào sáng kiến thương mại “Một vành đai, Một con đường” (OBOR), vốn lấy cảm hứng từ “Con đường Tơ lụa” trước kia.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trấn an dư luận rằng OBOR không phải là một dự án mang lại lợi ích chỉ cho Bắc Kinh.

“Điều mà chúng tôi hy vọng tạo dựng là một đại gia đình cùng chung sống hài hòa” - ông Tập nói, thêm rằng tất cả các nước trên thế giới đều được chào đón tham gia dự án này.

Chủ tịch Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ đóng góp thêm khoản tiền 14,5 tỷ USD cho Quỹ Con đường Tơ lụa, bên cung cấp vốn cho các dự án OBOR, và khoản chi 8,7 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển.

Phát biểu tại diễn đàn sau ông Tập, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã ám chỉ phía Mỹ, bên hiện không tham gia vào đề xướng OBOR.

“Chủ nghĩa bảo hộ đang trở thành một xu hướng mói” – ông Putin cảnh báo, thêm rằng “ý tưởng về sự cởi mở và tự do trong thương mại đang ngày càng bị bác bỏ”.

OBOR, hiện đang ở trong năm thứ 4 phát triển, đã mở rộng ra trên 68 quốc gia và ước tính sẽ chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Đây được xem là dự án khổng lồ của Trung Quốc nhằm thúc đẩy vị thế trên trường quốc tế của Trung Quốc, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp dụng hướng tiếp cận chủ nghĩa bảo hộ và xa lánh tiến trình toàn cầu hóa.

Diễn đàn khai mạc trong hôm Chủ nhật được tổ chức tại Công viên Olympic – nơi từng đăng cai các sự kiện Olympic 2008. Các tuyến đường xung quanh khu vực này đã được phong tỏa trong một chiến dịch an ninh đồ sộ.

Góp mặt trong sự kiện hôm 14-5 vừa qua gồm có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cùng nhiều lãnh đạo các nước khác. Đáng chú ý là giới lãnh đạo Mỹ và phần lớn các nền kinh tế châu Âu không tham dự sự kiện này.

Trong một tuyên bố chung nói về thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc hồi tuần trước, Mỹ đã nói rằng họ “công nhận tầm quan trọng của đề xướng Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc”, nhưng Washington không liên quan nhiều tới OBOR hay các dự án liên quan mà Trung Quốc dẫn đầu như Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Trong lúc OBOR được hoan nghênh ở trong nước như một dự án có thể mang lại lợi ích cho toàn cầu và kéo hàng triệu người ra khỏi tình trạng nghèo, thì khái niệm về nó ở một số nước khác lại rất xáo trộn.

Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, hồi tuần trước cảnh báo rằng sáng kiến này tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khi “các công ty Trung Quốc lợi dụng nó để lách các biện pháp kiểm soát vốn, tuồn tiền ra nước ngoài bằng cách che giấu nó dưới lớp vỏ bọc các khoản đầu tư quốc tế”. Ông cùng nhiều nhà phê bình khác cũng chỉ ra các hạn chế và chướng ngại đối với các công ty nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc là một điểm yếu của sáng kiến.

Ngay cả Ấn Độ, quốc gia láng giềng của Trung Quốc, cũng tỏ ra hoài nghi về dự án này. Trong tháng, Bộ trưởng Tài chính và Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đã nói trước báo giới rằng chính phủ của họ “quan ngại” về dự án này, đặc biệt là liên quan tới dự án phát triển mà Trung Quốc rót vốn ở khu vực Kashmir mà Pakistan đang quản lý.

Về phần mình, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết kể từ năm 2013, các khoản đầu tư của nước này liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đạt 60 tỷ USD và phần lớn các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong tương lai sẽ có điểm đến là những nước tham gia dự án này.

Đây được coi là một dự án bước ngoặt đối với Trung Quốc, khi chính quyền Bắc Kinh đang muốn đóng một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế, đặc biệt là muốn thúc đẩy vai trò dẫn đầu trong tiến trình thúc đẩy thương mại tự do, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang dần thu mình.

Ngoài ra, với kế hoạch mới đầy tham vọng này, Trung Quốc có thể làm sống lại sức tăng trưởng kinh tế đang đi vào giai đoạn chững lại của mình và qua đó có thể tìm được các thị trường mới, các cơ hội làm ăn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc thúc đẩy dự án thương mại tự do khổng lồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO