Vì sao khủng bố ngày càng lan rộng?

Linh Chi 31/07/2015 09:50

Trong suốt thời gian qua, Chính phủ Mỹ liên tục công bố thông tin về cái chết của các thủ lĩnh khét tiếng ở hàng loạt nước - cho thấy chiến lược săn lùng những kẻ cầm đầu. Nhưng chiến lược này đang gây nhiều tranh cãi khi không thể nhổ tận gốc chủ nghĩa khủng bố mà càng làm lây lan rộng hơn.

Vì sao khủng bố ngày càng lan rộng?

Abu Bakr al-Baghdadi trở thành kẻ cầm đầu của tổ chức phiến quân IS.

(Nguồn: CNN)

Danh sách những kẻ cầm đầu các nhóm khủng bố bị tiêu diệt của Mỹ được giới chức nước này công bố hàng tuần, và cái tên được đưa ra trong tuần này là Muhsin al Fadhli, thủ lĩnh của nhóm Khorasan - một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Syria - và Abu Khalil al-Sudani, một kẻ có vai vế của al-Qaeda ở Afghanistan.

Tuy nhiên, để làm suy yếu – chứ chưa nói đến tiêu diệt – những tổ chức khủng bố hùng mạnh như IS ở Iraq và Syria hay al-Shabaab và Taliban lại là điều khó có thể tưởng tượng nổi đối với chính quyền Washington cùng các đồng minh.

Giới chức Mỹ đặt ra câu hỏi: Cần phải tiêu diệt những thủ lĩnh nào mới có thể giáng một đòn mạnh vào các tổ chức khủng bố này? Câu hỏi được đưa ra trong bối cảnh rất nhiều tổ chức khủng bố ở khắp mọi ngóc ngách trên thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ. Và từ đó đã sản sinh ra thêm nhiều thủ lĩnh khủng bố khét tiếng cần phải bị tiêu diệt.

Thủ lĩnh khét tiếng nhất mà cả thế giới từng chứng kiến bị tiêu diệt trong vòng 5 năm trở lại đây chính là Osama bin Laden và Anwar al-Awlaki, một giáo sỹ người gốc Yemen. Cả hai đều là những nhân vật có “số má” trong mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Cái chết của bin Laden hồi năm 2011 được coi là sự kiện cực kỳ quan trọng, sau nỗ lực truy nã kéo dài hàng thập kỷ của chính quyền Washington. Đa phần các chuyên gia phân tích đều nhận định rằng kể từ sau đòn đánh“dập đầu” - tiêu diệt Osama bin Laden – thì “con rắn” al-Qaeda dường như suy yếu đi rất nhiều.

Bởi vậy việc thủ lĩnh của một tổ chức khủng bố như bin Laden bị tiêu diệt mang lại kết quả tốt bất ngờ. Cái chết của tay trùm khủng bố thậm chí còn khiến chính phủ Mỹ quá tự tin vào khả năng của mình, và từ đó thay đổi mục tiêu từ “làm suy yếu” sang “tiêu diệt” hoàn toàn al-Qaeda.

Như căn bệnh ung thư

Nhưng cũng giống như căn bệnh ung thư, chỉ 2 năm sau cái chết của bin Laden, chủ nghĩa khủng bố dường như di căn sang nhiều phần khác của thế giới và khiến Mỹ phải thừa nhận rằng đã ngủ quên trong chiến thắng sau khi tiêu diệt được trùm khủng bố.

Việc nhân vật quyền lực thứ hai của al-Qaeda, Awlaki, bị tiêu diệt trong một cuộc không kích bằng UAV hồi tháng 9-2011 cũng khiến tổ chức khủng bố này mất đi một nhân vật tuyên truyền đáng gờm. Thế nhưng kẻ này dường như cho đến chết vẫn có thể gây nên các vụ tấn công khủng bố được, khi những lời kêu gọi mà gã từng tung lên mạng vẫn ảnh hưởng đến nhiều người theo tư tưởng cực đoan. Một ví dụ điển hình là vụ đánh bom ở giải chạy Marathon Boston, Mỹ.

Tương tự, cái chết của Abu Musab al-Zarqawi hồi năm 2006 trong một cuộc không kích của Mỹ cũng được xem là đòn giáng mạnh đối với al-Qaeda trên lãnh thổ Iraq. Nhưng sau đó không lâu, chính sự kiện này lại trở thành yếu tố thúc đẩy để chi nhánh al-Qaeda này biến đổi thành một tổ chức đáng sợ hơn rất nhiều – Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chính vì sự biến tướng và lây lan như một căn bệnh ung thư của chủ nghĩa khủng bố đã khiến cho chính quyền Mỹ tỏ ra ngờ vực về chiến lược chống khủng bố bấy lâu khi nhằm vào tiêu diệt các thủ lĩnh cầm đầu.

Chiến lược sai lầm?

Một trong những điểm khó nhất trong chiến lược “đánh dập đầu rắn” của chính quyền Mỹ là quyết định xem cái đầu rắn ấy có ảnh hưởng ra sao đến một tổ chức khủng bố. Hoặc ai là kẻ nổi bật nhất để có thể trở thành thủ lĩnh trong số các tay súng khủng bố?

Một ví dụ rõ ràng nhất là Zarqawi. Hồi năm 2003, chả ai ngờ được rằng chính kẻ này đã đẩy Iraq vào một cuộc chiến sắc tộc đẫm máu sau khi bơm hàng triệu USD cho tổ chức al-Qaeda. Hay trong năm 2011, không ai có thể tưởng tượng được rằng một sinh viên từng nhận tấm bằng tiến sỹ ngành học Hồi giáo lại có thể trở thành kẻ tự nhận mình là Thủ lĩnh của tổ chức phiến quân IS, chỉ 3 năm sau đó.

Abu Khalil al-Sudani là một ví dụ như thế. Hắn không phải một cái tên quen thuộc trước đây, nhưng sau này lại trở thành một chuyên gia về chất nổ tự chế của al-Qaeda mà giới chức Mỹ muốn tiêu diệt bằng được. Hay như Tariq al-Harzi, thủ lĩnh của IS ở Tunisia, kẻ mà trước đây không ai biết đến những bỗng chốc leo lên vị trí cao và cũng trở thành mục tiêu không kích hàng đầu của Mỹ. Kẻ này đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích hồi đầu tháng 7.

Vụ tiêu diệt al-Harzi và al-Sudani cùng Nasir al-Wuhayshi – thủ lĩnh al-Qaeda ở Bán đảo Ả rập (AQAP) – hồi tháng 6 vừa qua được coi là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, những tổ chức khủng bố này luôn kế hoạch thay thế nhân sự rất linh hoạt khiến cho các cơ quan chống khủng bố khó mà lường được. Tiêu biểu như với tổ chức phiến quân IS khi thủ lĩnh của nhóm này đã lên kế hoạch trước trong trường hợp hắn bị tiêu diệt. Bởi những chuyển biến khó lường trong các mạng lưới khủng bố này mà các cơ quan chống khủng bố của Mỹ và phương Tây sẽ cần phải xem xét lại chiến lược đối phó đã được áp dụng hàng thập kỷ qua của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao khủng bố ngày càng lan rộng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO