Vì sao tàu ngầm Mỹ treo cờ hải tặc?

16/09/2017 08:35

Mới đây, một bức ảnh do nhà báo Sctoland Ian Keddie đăng tải cho thấy tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Jimmy Carter trở về cảng Washington trong khi đang treo một lá cờ cướp biển bên cạnh quốc kỳ Mỹ. Sự việc kỳ lạ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi.


Lá cờ hải tặc "Jolly Roger" được treo trên tháp tàu ngầm USS Jimmy Carter khi trở về cảng Washington. (Nguồn: USNavy).

Tàu USS Jimmy Carter là 1 trong số 3 tàu ngầm thuộc lớp Seawolf được cải biến đặc biệt để thực hiện một trong số những nhiệm vụ bí mật nhất của nước Mỹ. Theo nhà báo Keddie, việc con tàu này mang một lá cờ cướp biển đen trắng là điều rất đáng chú ý. Tàu Carter, trong một bức ảnh đăng tải hồi tháng 4 năm nay, cũng được trông thấy đang mang lá cờ cướp biển có tên "Jolly Roger" khi đang trở về từ một cuộc tuần tra.

Trên thực tế, sự xuất hiện của lá cờ cướp biển trên tháp của những chiếc tàu ngầm đã có từ năm 1914, vào thời điểm khởi đầu Thế chiến I, khi một tàu ngầm của Anh, HMS E-9, được chỉ huy bởi Thiếu tá Max Horton, đánh chìm chiến hạm Hela của Đức. Trên đường trở về cảng, Horton đã treo lá cờ cướp biển trên, cho thấy tín hiệu ông đã đáng chìm chiến hạm địch.

Cây viết Ali Kefford, trong một bài viết trên tờ Mirror của Anh, cho hay quyết định lúc đó của Horton lấy cảm hứng từ một tuyên bố đưa ra cách đó 14 năm bởi Đô đốc hải quân Anh Arthur Wilson. Ông Wilson lúc đó nói rằng tàu ngầm là một "dạng tấn công ẩn dật" và rằng các thủy thủ đoàn của tàu ngầm "bị coi như cướp biển trong thời chiến". Đô đốc Wilson còn nói rằng các con tàu ngầm là "vũ khí của những bên yếu hơn".

Có ít nhất 1 tàu ngầm đã làm theo truyền thống của Thiếu tá Horton trong Thế chiến I, nhưng các tàu ngầm thuộc lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh chỉ được phổ biến truyền thống này kể từ Thế chiến II.

Năm 1940, tàu ngầm HMS Osiris đã thâm nhập vào vùng biển Adriatic, một phần của vùng biển mà Thủ tướng Italy lúc đó là Benito Mussolini cho là không thể thâm nhập. Ngay sau khi đi vào vùng biển này, tàu Osiris đã đánh chìm chiến hạm Palestro của Italy.

Trên đường trở về hạm đội tàu của Anh trên Địa Trung Hải, chỉ huy hạm đội yêu cầu tàu Osiris ra dấu hiệu sau nhiệm vụ thành công và rằng con tàu này sẽ không được cho tiếp cận với họ nếu "không ra tín hiệu nhận diện rõ ràng".

Hạm đội nọ sau đó chuyển cho tàu Osiris một gói hàng có đóng dấu "JR". Bên trong là một lá cờ hải tặc đen trắng, thứ mà tàu Osiris sau đó đã treo lên tháp của nó một cách tự hào và trở về với đồng đội.

Kể từ sự kiện đó, các tướng lĩnh chỉ huy hạm đội thường trao lá cờ hải tặc "Jolly Roger" cho các tàu ngầm như một phần thưởng sau nhiệm vụ thành công. Sau đó, một thủy thủ chuyên trách về tín hiệu sẽ treo lá cờ này lên tháp tàu ngầm.

Đối với các tàu ngầm Anh hoạt động ngoài khơi Malta, các lá cờ hải tặc được cung cấp bởi Carmela Cassar, một giám đốc doanh nghiệp chuyên cung cấp viền đăng ten cho các nhà thờ trong thành phố. Các lá cờ mà bà cung cấp được cho là có nét thêu rất đẹp. Khi một số tàu ngầm không thể trở về, ít nhất họ sẽ gửi những lá cờ này về như một biểu tượng.

Tuy chỉ là một truyền thống trong nội bộ lực lượng tàu ngầm của Anh trong thời chiến, nhưng nó bắt đầu trở nên phổ biến đối với các tàu ngầm của lực lượng đồng minh.

Các tàu ngầm của Mỹ, hoạt động chủ yếu trên vùng biển Thái Bình Dương, cũng thường treo các lá cờ hải tặc đen trắng lên tháp khi trở về từ các cuộc tuần tra dài ngày. Dù mỗi lá cờ hải tặc ngày nay đều có một đặc điểm riêng, nhưng đều bắt nguồn từ truyền thống treo lá cờ "Jolly Roger" của Hải quân Anh.

Sau Thế chiến II, lá cờ đen trắng này không xuất hiện nhiều, nhưng từng được treo trên tháp của tàu lớp Churchill HMS Conqueror của Anh khi nó trở về từ quần đảo Falkland năm 1982. Trong thời gian được triển khai, tàu HMS Conqueror đã đánh chìm một chiến hạm của Argentina bằng 2 quả ngư lôi.

Vậy tại sao một tàu ngầm Mỹ trở về cảng lại làm theo một truyền thống của Hải quân Anh? Phần lớn điều này vẫn chưa được lý giải rõ ràng.

Hoạt động của tàu ngầm Mỹ rất hiếm khi được Lầu Năm Góc đem ra thảo luận, và hoạt động của chúng được giữ bí mật cực kỳ nghiêm ngặt. Khả năng tàu USS Jimmy Carter bắn hạ một tàu địch rõ ràng là không có, vậy nên việc treo lá cờ hải tặc trên tháp của nó có thể là đánh dấu sự thành công của một nhiệm vụ mật nào đó.

Được biết, tàu ngầm USS Jimmy Carter có khả năng vận chuyển các đội đặc nhiệm, triển khai các phương tiện di chuyển dưới nước, và có thể lắp đặt các đường dây cáp dưới đáy biển. Khả năng cắt đứt đường dây thông tin liên lạc của địch thủ dưới đáy biển vốn là một điểm độc nhất của tàu ngầm lớp Seawolf.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao tàu ngầm Mỹ treo cờ hải tặc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO