Vị thế nghề giáo đang gia tăng trên toàn thế giới

Linh Chi 06/10/2017 09:00

Trên khắp thế giới, các bậc cha mẹ luôn đặt kỳ vọng ở các giáo viên như những người sẽ dẫn dắt con cái mình mở ra cánh cửa tương lai, nhưng ở mỗi nơi mức độ tôn trọng mà xã hội dành cho giáo viên lại rất khác nhau.

Ảnh minh họa.

Một bản nghiên cứu năm 2013 do Tổ chức Varkey công bố đã chỉ ra vị trí xã hội của giáo viên và nhận thấy rằng xã hội ở các nước châu Á dành sự quan tâm, kính trọng đối với nghề giáo viên - đặc biệt là ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Đối với nhiều khu vực ở phương Tây, mức độ tôn trọng đối với giáo viên lại thấp hơn.

Chỉ số Vị thế Nhà giáo Toàn cầu (GTSI) chỉ ra rằng, trong tổng số 21 quốc gia được khảo sát, nghề giáo viên trung bình đứng ở bị trí thứ 7 trong 14 nghề nghiệp được tôn trọng khác, đứng trên nhân viên xã hội và thủ thư. Trung Quốc là quốc gia duy nhất nơi mà giáo viên được coi là những kể có kỹ năng cao ngang như nghề bác sỹ.

Giáo sư Peter Dolton, tác giả của GTSI, nói rằng vị thế của giáo viên có mức độ khác nhau "dựa trên lịch sử, các giá trị của một nền văn hóa đặc thù".

Để lấy ví dụ, ở thành phố New York (Mỹ), nơi mà xã hội tập trung hơn vào khả năng tài chính, vị thế của nghề nhà giáo dựa vào số tiền mà họ kiếm được. Trong khi đó, ở Trung Quốc, nơi có truyền thống tôn sư trọng đạo lâu đời, giáo viên dù có đồng lương không cao vẫn nhận được sự tôn trọng đặc biệt.

Các nước có mức độ tôn trọng đối với giáo viên cao cũng thường có các bậc cha mẹ khuyến khích con cái làm nghề giáo viên, báo cáo trên cho hay. Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là các nước có tỷ lệ cha mẹ ủng hộ con cái theo nghề giáo cao nhất, trong khi Israel, Brazil, Bồ Đào Nha và Nhật Bản lại có tỷ lệ này thấp nhất.

Đào tạo giáo viên cao cấp

Phần Lan và Singapore là 2 quốc gia có các hướng tiếp cận hết sức khác nhau đối với nghề giáo, nhưng cả hai nước này lại là những nền giáo dục được cho là thành công nhất trên thế giới.

"Nếu nhìn vào Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, có thể thấy rằng nghề giáo có vị thế rất cao, người giáo viên rất được tôn trọng, nhận mức lương cao, và nhiều nghề nghiệp khác phải đứng sau nghề giáo" - Vikas Pota, Giám đốc điều hành của Tổ chức Varkey, cho hay.

Singapore hiện đang là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng của Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA), dựa trên điểm số các bài kiểm tra các môn Toán, Đọc và Khoa học. Các bài kiểm tra này được thực hiện bởi OECD mỗi 3 năm 1 lần.

Kết quả PISE gần đây nhất cho thấy hệ thống giáo dục của châu Á đang áp đảo trong phần lớn các môn học, trong đó 7 vị trí hàng đầu trong môn Toán thuộc về Singapore, HongKong, Macao, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Canada, quốc gia xếp hạng thứ 10 trong môn Toán, thứ 3 trong môn Đọc và thứ 7 trong môn Khoa học, hiện đang là quốc gia ngoài khu vực châu Á giữ thứ hạng cao nhất trong khi Phần Lan giữ thứ hạng cao nhất trong số các nước châu Âu.

Tất cả các nước này đều có phương thức giảng dạy hết sức khác biệt, nhưng có điểm chung là rất tôn trọng nghề giáo, theo Giám đốc Giáo dục của OECD, Andreas Schleicher.

Ở Canada, chính phủ đặc biệt chú trọng vào chất lượng giảng dạy và ở Singapore, tất cả mọi giáo viên đều phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt tại Viện Giáo dục Quốc gia sau đó chỉ những người hoàn thành với mức điểm cao nhất mới có thể chính thức giảng dạy. Ngoài ra, giáo viên ở Singapore còn phải bỏ ra hơn 100 giờ tham gia phát triển nghề nghiệp mỗi năm.

Ở Phần Lan, chỉ riêng việc được tham gia vào chương trình đào tạo giáo viên đã là một niềm vinh dự. Các chương trình đào tạo giáo viên ở nước này đặc biệt khắc nghiệt khi chỉ lựa chọn duy nhất 1 trong số 10 sinh viên nhập học, theo Trung tâm Kinh tế và Giáo dục Quốc gia (NCEE).

Giáo sư Dolton cho hay, giáo viên ở Phần Lan, không giống như phần lớn những nơi khác trên thế giới, có bằng cấp tương đương với Tiến sỹ.

Nơi nào trả lương giáo viên cao nhất?

Hiện nay, châu Âu vẫn là khu vực trả lương giáo viên cao nhất thế giới, theo báo cáo của OECD. Ở Luxembourg, lương khởi điểm của nghề giáo viên đặc biệt cao, thậm chí hơn nhiều so với giáo viên ở nhiều nước khác làm trong nhiều năm liền. Thụy Sỹ và Đức cũng nằm trong số các nước đưa ra mức lượng cao nhất cho giáo viên ở cấp trung học.

"Do các khoản phúc lợi và điều kiện làm việc là điều kiện quan trọng để thu hút, phát triển và giữ chân đội ngũ giáo viên chất lượng cao, giới lập pháp ở các nước này phải cân nhắc kỹ lưỡng về mức lương mà giáo viên nhận được để có thể kiểm soát được vấn đề chất lượng dạy học và nguồn ngân sách cho giáo dục bền vững" - OECD nêu rõ trong báo cáo thường niên.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đồng lương của giáo viên, họ có thể là bị giảm lương hoặc đóng băng mức lương, theo OECD.

Trong khoảng thời gian 2005-2015, lương của giáo viên đã giảm ở 1/3 số quốc gia mà báo cáo của OECD bao phủ. "Mức giảm lương này là khoảng 10% ở Anh và Bồ Đào Nha, và ở Hy Lạp thì lên tới 28%", OECD cho hay.

Đồng lương đối với nhiều nghề nghiệp khác có thể không tương đồng với thu nhập, nhưng với nghề giáo viên thì điều này là thực tế. "Nếu các bạn muốn giúp cho nghề giáo hấp dẫn hơn, hãy cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất đối với giáo viên", ông Schleicher nói.

Tăng cường vị thế nghề giáo

Năm 2013, Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu đã được Tổ chức Varkey thành lập. Giải thưởng này hàng năm thu hút khoảng 20.000 ứng cử viên, sau đó thu hẹp xuống còn 50 người vào vòng sau, và rồi xuống 10, trước khi tuyên bố người thắng giải duy nhất sẽ nhận được khoản tiền thưởng 1 triệu USD.

Giải thưởng này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới quốc tế, điều này cũng làm tăng vị thế của nghề giáo trên toàn cầu, đồng thời tạo ảnh hưởng tích cực trong việc thiết lập nên một mạng lưới giáo viên toàn cầu có khả năng hỗ trợ lẫn nhau.

"Khá đơn giản, chúng tôi muốn tổ chức sự kiện trên để vinh danh họ" - ông Pota, Giám đốc điều hành của Varkey, nói.

Ngày nay, vị thế nghề giáo viên đang trỗi dậy ở nhiều nơi trên thế giới. Giáo viên ở Thổ Nhĩ Kỳ được đề nghị tham gia các chương trình thảo luận. Ở Macedonia, Thị trưởng mỗi thành phố còn đăng ảnh các giáo viên trên các biển báo cỡ lớn để chúc mừng thành tích của họ. Ở Hà Lan, một giáo viên mới đây còn được đích thân Thủ tướng chúc mừng vì được đề cử tham gia Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu.

"Giải thưởng này nhằm vinh danh những cống hiến của người giáo viên" - ông Pota nói - "Nếu chúng ta tôn vinh họ, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người muốn theo nghề nhà giáo. Bản thân tôi muốn thế giới tôn vinh giáo viên hơn là tôn vinh những người nổi tiếng như Kim Kardashian".

Ngày Nhà giáo thế giới (World Teachers' Day) là ngày lễ quốc tế do LHQ đề xướng năm 1994, được tổ chức hàng năm vào ngày 5/10 nhằm thu hút sự chú ý của xã hội đến tình trạng của các nhà giáo, vai trò của họ trong việc hình thành và phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên và để đảm bảo rằng các nhu cầu của các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được các giáo viên đáp ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị thế nghề giáo đang gia tăng trên toàn thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO