Quy hoạch đô thị và không gian công cộng

Trần Vân - Kim Vui (thực hiện) 08/03/2017 07:00

UBND TP Hà Nội vừa ra thông báo về việc triển khai đầu tư xây dựng các bãi xe ngầm trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố thống nhất quy mô 3 dự án bãi xe ngầm tại công viên Nhân Chính, nhà thi đấu Quần Ngựa và công viên Thống Nhất. Quan tâm đến việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm, cũng như vấn đề quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện nay, KTS Trần Huy Ánh có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết.

KTS Trần Huy Ánh.

PV: Thưa ông, sau hơn 2 năm trưng cầu ý kiến cộng đồng, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong công viên Thống Nhất đã được UBND thành phố Hà Nội có văn bản chính thức đồng ý. Dẫu thế, điều khiến dư luận băn khoăn nhất vẫn là giải pháp nào để hài hòa không gian cộng đồng ở khu vực này?

KTS Trần Huy Ánh: Vừa rồi thành phố đã giao cho các doanh nghiệp triển khai lập dự án đầu tư các công trình bãi xe ngầm như ở các địa điểm như công viên Thống Nhất, Quần ngựa, Quảng trường 19-8…

Việc xây bãi đỗ xe ở công viên Thống Nhất là tận dụng một không gian mà doanh nghiệp trước đây đã lấy đất ở công viên để đầu tư khách sạn. Việc xây dựng như thế này đã vấp phải phản ứng từ dư luận xã hội bởi vì nó đã tư nhân hóa không gian công cộng.

Được biết thành phố đã cho phép xây dựng thành 5 tầng hầm, thì 4 tầng hầm dưới làm bãi đỗ xe, còn tầng hầm trên cùng là để làm dịch vụ... Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận mới. Nhiều người e ngại rằng, thay vì một anh tư nhân định làm khách sạn thì bây giờ thay bằng một anh tư nhân hóa không gian công viên thành bãi đỗ xe. Bản chất cũng là bất động sản như nhau.

Ở đây, công viên Thống Nhất mang giá trị không chỉ về mặt không gian cộng đồng mà còn là giá trị biểu tượng tinh thần. Cái mong mỏi của người Hà Nội, của những người đã từng yêu mến công viên Thống Nhất là không gian mặt đất phải được trả về cho công viên Thống Nhất, còn phần phía trên thì vẫn trả lại cái không gian rộng, là nơi người dân có thể ra vào thoải mái mà không có một trở ngại nào.

Như thế, đó là một giải pháp rất thông minh để dung hòa lợi ích và đáp ứng được nhiệm vụ phát triển, kêu gọi được nguồn đầu tư, cũng như là tiết kiện được tài sản của xã hội.

Trước đó, ông từng có bài viết về việc các nhà tư vấn thiết kế sẽ “vẽ” gì trên đất công viên định xây bãi xe ngầm. Và ông cũng từng bày tỏ lo ngại về xung đột giao thông trong khu vực khi triển khai xây dựng bãi đỗ xe ngầm?

- Ngoài bến xe ngầm ở công viên Thống Nhất, tôi cũng đã tiếp cận được các tài liệu của các đơn vị tư vấn quy hoạch, những báo cáo về quy hoạch bãi đỗ xe ngầm trong thành phố Hà Nội. Chúng ta biết là Hà Nội rất bế tắc trong việc các bãi đỗ xe và giải pháp đưa xuống tầng ngầm cũng không phải mới mẻ gì, vì nó khá phổ biến với tất cả các quốc gia, các thành phố lớn.

Ở đây tôi cũng băn khoăn hai vấn đề là việc quy hoạch bãi đỗ xe thì nó phải được ra đời bởi những nhà quy hoạch chuyên nghiệp và điều đó phải xuất phát từ nhu cầu, hoạt động. Tính chuyên nghiệp của nhà quy hoạch thể hiện khi các anh đặt bãi đỗ xe nó phải ở vị trí thích hợp và nhu cầu phân bổ giao thông phải hợp lý.

Hiện nay là chưa đạt được. Việc phân bổ ở bãi đỗ xe là phân bổ những chỗ xây được bãi đỗ xe chứ không phải “cần thiết” phải có bãi đỗ xe. Tức là tìm những chỗ trống nào đó để làm. Đôi khi sự thiếu cân nhắc ấy sẽ làm cho giao thông trở nên rối loạn hơn chứ không phải là giải quyết vấn đề tốt hơn. Như thế là thiếu chuyên nghiệp trong quy hoạch.

Một góc công viên Thống Nhất - Hà Nội.

Nhìn nhận ở quan điểm của người tư vấn, chúng tôi cũng đã tiếp cận những tài liệu đó và thấy có hai vấn đề về kĩ thuật và nguồn vốn. Việc xây dựng các bãi đỗ xe về mặt kĩ thuật là không có vấn đề gì, nhưng chi phí là rất đắt tiền. Việc thu hồi vốn là một bài toán phức tạp và không dễ gì có câu trả lời. Nếu mà kinh tế không làm được thì kĩ thuật cũng không làm được.

Về mặt nhìn nhận xã hội, việc xây bãi đỗ xe ngầm phải là hệ quả của một thiết chế quản trị rất chặt chẽ, nó phải được đồng bộ từ giám sát việc đỗ trên mặt đất và dưới mặt đất như thế nào. Đầu tư như thế là mỗi bãi đỗ xe lên tới nhiều tỉ đồng.

Trong khi đó việc đỗ xe trên mặt đất chi phí thấp hơn nhiều, suất đầu tư quá chênh lệch, làm cho xã hội phải đấu tranh. Tức là đi cùng nó phải là chính sách đồng bộ về bãi đỗ xe, giá cả đỗ xe, quản trị đỗ xe thì lúc đấy họ mới yên tâm đầu tư vào bãi đỗ xe.

Thưa ông, những bất cập trong quy hoạch đô thị của Hà Nội đang gây nên tình trạng chất tải không gian. Quan điểm của ông về quy hoạch đô thị hiện nay?

- Trong thời gian gần đây chưa bao giờ các nhà quản lý, các chuyên gia, và đặc biệt là chính cư dân đô thị cảm thấy thất vọng về quy hoạch đô thị như thế. Càng ngày cư dân càng phải đối mặt với ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, không gian công cộng thiếu hụt, hạ tầng xã hội không đầy đủ.

Việc chồng chéo ở khu dân cư mật độ quá cao không an toàn trong một bối cảnh thiếu trường học, thiếu nhà trẻ, thiếu không gian cây xanh, nguồn nước. Điều đó cho thấy việc quy hoạch chưa tốt.

Vậy quy hoạch đô thị tốt là như thế nào? Quy hoạch đô thị bản chất phải là một kịch bản để phát triển đồng bộ văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội bắt buộc của một khu vực, thành phố thậm chí là một quốc gia. Nó tốt nếu như việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng, việc sinh kế trở nên thuận tiện, mọi người phải có việc làm, có một cộng đồng dân cư có mối quan hệ thân hữu…

Giờ đây các nhà khoa học trẻ tuổi bắt đầu tiếp cận đô thị theo một hướng nhìn mới. Đó là tiếp cận đô thị không phải theo đồ họa mà tiếp cận từ vấn đề khoa học – xã hội, từ đó họ đối thoại chứ không phải là vẽ ra để họ làm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch đô thị và không gian công cộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO