Quy trách nhiệm với văn bản quy phạm pháp luật không đạt yêu cầu

N.Khánh 22/06/2015 12:19

Sáng nay, 22/6, với 88,87% ĐBQH nhất trí, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được thông qua.

Các ĐBQH biểu quyết tại hội trường, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào sáng nay 22-6

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết vấn đề trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6) đã được nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn các chủ thể quy định tại Điều này phải chịu trách nhiệm trước ai? chịu trách nhiệm như thế nào? Về các vấn đề như chậm tiến độ trình dự án, chậm tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ...; bổ sung quy định chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết vi phạm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành văn bản trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhà nước, cá nhân và xã hội cho rõ? Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với kết quả phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phản biện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật...

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành (khoản 5); cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện. Đồng thời, đây cũng là một trong những căn cứ để đại biểu Quốc hội xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Luật cũng quy định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, các trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội sẽ được xây dựng theo trình tự rút gọn.

Về đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy trách nhiệm với văn bản quy phạm pháp luật không đạt yêu cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO