Quyền lựa chọn của dân

Hữu Nguyên 24/12/2015 09:21

Câu chuyện tư nhân hóa (hay nói rộng hơn là xã hội hóa) việc đầu tư xây dựng đường bộ thời gian gần đây đã phần nào cải thiện một cách đáng kể chất lượng giao thông. Tuy nhiên, xã hội hóa một cách quá giới hạn của hệ thống giao thông quốc gia đang gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế, mà đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp  của nhiều cộng đồng dân cư cũng như của các doanh nghiệp.

Quyền lựa chọn của dân

Ảnh minh họa (Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng).

Từ câu chuyện này có ít nhất ba phạm trù cần xem xét: Quyền tự do đi lại của người dân, trách nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng của Nhà nước và quyền kinh doanh của nhà đầu tư. Hiến pháp 2013 khẳng định “Người dân có quyền tự do đi lại…”. Điều này có nghĩa là Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc tạo ra đầy đủ các điều kiện để đảm bảo người dân có thể thực hiện quyền tự do đi lại của mình một cách chính đáng.Trách nhiệm này của Nhà nước không chỉ có tính nguyên lý mà đã được quy định rõ tại Luật Giao thông đường bộ: “Nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển các kết cấu hạ tầng đường bộ”.

Với hệ thống giao thông thuộc sở hữu nhà nước (tức sở hữu toàn dân), được xây dựng từ nguồn ngân sách quốc gia (tức tiền thuế của dân)về nguyên tắc, người dân sẽ không phải trả thêm phí trực tiếp khi lưu thông. Bởi nếu phải trả thêm như vậy tức là phí chồng phí, một hình thức lạm thu mang tính tiêu cực. Về câu chuyện thuế, phí hay giá dịch vụ, cần quay trở lại nguyên lý ban đầu rằng Nhà nước khi làm đường thì không được thu phí hay bất cứ tiền sử dụng nào. Và nếu có thu thì đó chính là thuế, một loại thuế không hợp lý nhưng do cần nguồn thu nên Nhà nước vẫn muốn đặt ra để thu.

Tất nhiên, để quyết định các khoản thu này phải do cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội xem xét.Về việc này, khi thảo luận về Dự thảo Luật Phí, lệ phí tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng đề nghị những con đường độc đạo thì Nhà nước phải làm, không để tư nhân làm rồi họ thu phí quá cao, buộc người dân vào thế không còn cách nào khác để lựa chọn.

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp mà nhu cầu phát triển hạ tầng rất lớn, Nhà nước buộc phải chuyển giao một phần nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo quyền tự do đi lại cho người dân và kêu gọi tư nhân tham gia với nhiều hình thức được gọi chung là xã hội hóa nguồn vốn đầu tư phát triển. Trong trường hợp này cần phải xem xét quyền kinh doanh của nhà đầu tư. Đó cũng là một quyền đã được hiến định và đương nhiên phải được tôn trọng theo nghĩa đầu tư thì phải thu lợi nhuận. Ở đây có nghĩa là nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng đường giao thông thì họ phải thu phí sử dụng. Vấn đề mức phí cao hay thấp và thu bao nhiêu năm là chuyện kỹ thuật, sẽ được tính toán sao cho minh bạch và thỏa đáng .

Tuy nhiên, quyền đầu tư kinh doanh sinh lợi này không được phép triệt tiêu quyền tự do đi lại của người dân mà Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo đảm theo quy định của Hiến pháp. Vấn đề của Nhà nước là phải để cho người dân có quyền quyết định và lựa chọn. Tức phải có hai con đường, một đường tư nhân chất lượng cao cho người có khả năng chi trả, và con đường kia vẫn đạt chuẩn nhưng chất lượng có thể thấp hơn cho mọi người đều đi mà không phải trả phí.

Nếu không làm được thế, Nhà nước vừa không làm tròn trách nhiệm về phát triển hạ tầng, vừa không cho người dân thực hiện đúng vai trò của một người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, trong đó ghi nhận một quyền cơ bản là người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa và dịch vụ. Hay nhìn từ góc độ khác, khi chỉ có một con đường cho người dân đi, ta lại giao nó cho tư nhân đầu tư, khai thác, lại còn tính toán lập trạm ở đâu để ngăn chặn dân không cho “trốn” nộp phí, thì điều đó có nghĩa là tạo lập sự độc quyền cưỡng bức, phá vỡ thể chế kinh tế thị trường được xây dựng bao năm qua.

Những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sử dụng đường bộ có thu phí gần đây thường tập trung vào chuyện mức phí quá cao, quá nhiều trạm thu phí trên một cung đường không đủ dài theo quy định. Cá biệt, có những con đường thu phí sử dụng nhưng chất lượng thì quá tồi tệ, không đảm bảo an toàn giao thông và tương xứng với chi phí mà người sử dụng phải trả.

Nghiêm trọng hơn, có những con đường độc đạo vốn là công sản quốc gia lại mang đi “xã hội hóa” một cách độc quyền, buộc người dân vào cái thế phải chấp nhận và không có sự lựa chọn khác. Cái mà người dân và xã hội mong muốn ở các dự án xã hội hóa đường bộ hiện nay là cần phải có sự thỏa thuận hợp lý giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu thực sự của tài sản để các mức phí được đưa ra hợp lý. Nói một cách tổng thể, quyền sở hữu các con đường nằm trên khu vực công thổ, như một nguyên lý bất di bất dịch, cuối cùng vẫn phải thuộc về Nhà nước.

Các con đường xã hội hóa, về tính chất pháp lý là sự nhượng quyền, do đó chỉ là tài sản tư nhân một cách có thời hạn, và sau khi hết hạn hợp đồng, sẽ tiếp tục do chính quyền quản lý. Nhà nước cần đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân cũng như quyền được lựa chọn dịch vụ tốt hơn xứng đáng với chi phí mà người dân bỏ ra chứ không phải để dân bị dồn vào thế không còn sự lựa chọn nào khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền lựa chọn của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO