Quyền lực mang gương mặt nữ

Huy Hùng 01/06/2017 10:10

Theo Báo cáo của Liên minh Quốc hội vừa công bố nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, trong năm qua, số lượng phụ nữ là nghị sĩ trên thế giới chỉ tăng thêm 1%. Hiện nay trong các nghị viện ở các quốc gia, phụ nữ chiếm khoảng 23%, chỉ có một số ít nước đạt được mức 30%. Đứng đầu danh sách này là Iceland, Nicaragua, Tây Ban Nha và Belarus. Tại 53 quốc gia (trong đó có Việt Nam), phụ nữ đứng đầu quốc hội hoặc một trong hai viện của quốc hội.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Những gương mặt nổi bật

Trong thế giới hiện đại, những người phụ nữ đang nắm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở cấp quốc gia cũng khá đông. Người phụ nữ được liệt vào tốp đầu những chính trị gia quyền lực trên thế giới là Thủ tướng Đức Angela Merkel, sinh năm 1954. Một gương mặt quá quen thuộc và luôn gây nên những hiệu ứng mạnh mỗi khi xuất hiện.

Người phụ nữ trên cương vị nguyên thủ quốc gia đang gặp nhiều sóng gió trên chính trường là bà Park Geun-hye ở Hàn Quốc, nhậm chức từ 25/2/2013. Hiện nay, con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee đang phải đối mặt với các rắc rối luật pháp và từ ngày 9/12/2016, đã bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng thống…

Thủ tướng Anh Theresa May.

Nhà lãnh đạo nữ đang được đánh giá cao trên cương vị Thủ tướng là bà Theresa May (sinh năm 1956) trên “hòn đảo sương mù”, nhậm chức từ ngày 13/7/2016. Bà là người phụ nữ thứ hai ở Anh giữ cương vị này, sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Cũng giống như nữ Thủ tướng Đức Merkel, bà May là con gái một mục sư…

Tại Liberia từ tháng 11/2005, cương vị Tổng thống đã thuộc về bà Ellen Johnson Sirleaf (sinh năm 1938). Trong lịch sử quốc gia châu Phi này, bà là vị Tổng thống thứ 24. Bà Sirleaf từng là Bộ trưởng Tài chính từ năm 1979 và sau đó đã làm việc tại những vị trí cấp cao trong các tổ chức tài chính khác nhau. Và cũng là vị nguyên thủ quốc gia nữ đầu tiên và duy nhất được bầu ở cấp nhà nước tại châu Phi. Năm 2011, bà từng được giải Nobel hòa bình cùng hai phụ nữ khác nhờ những thành tích trong cuộc đấu tranh bất bạo động cho sự an toàn của phụ nữ và quyền của phụ nữ với sự tham gia đầy đủ trong công tác xây dựng hòa bình".

Tại Litva, từ tháng 6/2009 cũng đã có một Tổng thống nữ. Đó là bà Dalia Grybauskaite, sinh năm 1956. Tới năm 2014, bà đã trở thành vị Tổng thống đầu tiên ở Litva giành được thắng lợi lần thứ hai thông qua bầu cử. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, bà Dalia Grybauskaite làm việc trong ngành ngoại giao. Trong những năm từ 1996 tới 1999, bà từng làm việc trong sứ quán Litva ở Washington… Bà không kết hôn và là võ sĩ karate đai đen.

Một người phụ nữ khác cũng đang thực hiện nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ hai là bà Michelle Bachelet, sinh năm 1951, ở Chile. Nhiệm kỳ đầu của bà là vào những năm 2016-2010. Năm 2014, bà tái đắc cử lần thứ hai. Trước đó, bà Bachelet từng là người phụ nữ đầu tiên ở Chile và ở châu Mỹ la tinh giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng…

Ngoài những gương mặt kể trên, phụ nữ hiện đang giữ cương vị lãnh đạo quốc gia ở các quốc gia như Na Uy, Estonia, Malta, Croatia, Mauritius, Quần đảo Marshall…

Bà Ellen Johnson Sirleaf, Tổng thống Liberia.

Nữ tính cần được coi trọng

Người ta vẫn bảo rằng, nữ tính không hẳn là bẩm sinh, phải bồi đắp rèn luyện mới có được nữ tính. Cần không ít những điều kiện thuận lợi thì phụ nữ mới có thể thực sự làm phụ nữ được. Những điều kiện này vừa gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh sống của nhân loại nói chung, lại vừa mang tính đặc thù của phái yếu. Ở những nơi kinh tế tàn lụi, phụ nữ, cũng như trẻ em, bao giờ cũng bị đói ăn và thiếu dinh dưỡng đầu tiên. Ở những nơi xảy ra xung đột vũ trang, phụ nữ, cũng như trẻ em, bao giờ cũng bị sát hại đầu tiên và đông đảo nhất. Người ta đã thống kê được rằng, bạo lực đã giết hại những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nhiều hơn cả các vụ tai nạn giao thông và bệnh sốt rét cộng lại. Thiết lập những định chế và cơ cấu tâm lý xã hội hợp lý nhằm cải thiện địa vị của người phụ nữ cho tới hôm nay vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia.

Bình đẳng giới là nhu cầu chính đáng của nhân loại. Trước hết, người phụ nữ cần được có những cơ hội làm việc và phát triển năng lực bình đẳng như nam giới. Cần chú ý là, hành động theo hướng này, không được biến phụ nữ thành “phái mạnh” thứ hai. Việc luôn luôn cấp bách là cần tạo ra một cơ chế xã hội để trong đó, phụ nữ có những điều kiện thích hợp, vừa làm tròn các thiên chức (làm vợ, làm mẹ), vừa thực hiện tốt các chức năng xã hội của mình. Sự đánh giá cống hiến của phụ nữ thậm chí còn phải được duy trì ở thang bậc cao hơn đối với nam giới. Không thể để tiếp diễn hiện trạng là ngay tại nhiều nước phát triển, với những công việc dung lượng như nhau, người phụ nữ chỉ được nhận đồng lương bằng khoảng 60% so với nam giới.

Ở không ít quốc gia, vẫn đang tồn tại những vùng cấm vô lý đối với phụ nữ về nghề nghiệp, về chức vụ.... Số phụ nữ giữ những trọng trách về chính quyền hay quản lý kinh tế vẫn là rất nhỏ bé ở đại đa số các nước trên thế giới, mặc dù trên lý thuyết, ai cũng công nhận rằng trí lực phái đẹp nhìn một cách tổng thể không hề thua kém giới mày râu, nếu không muốn nói là trong một số lĩnh vực còn hơn. Ngay tại những nước phát triển, tỉ lệ phụ nữ có mặt trong thượng tầng kiến trúc xã hội vẫn còn quá khiêm tốn.

Bà Michelle Bachelet.

Ngay cả khi có được việc làm xứng đáng với năng lực của mình rồi, phụ nữ vẫn có thể trở thành nạn nhân của trăm nghìn trò quấy rối từ phía phái mạnh. Dường như theo quán tính từ nghìn năm, phụ nữ vẫn bị coi là đối tượng thỏa mãn bản năng thuần tuý đối với nam giới... Ngay tại gia đình, ở cả những nước phát triển hay đang phát triển, vị thế phụ nữ cũng cần được cải thiện hơn. Trên thế giới hiện nay, có khoảng từ 16 tới 52% số phụ nữ thường xuyên bị chồng đánh đập.

Không thể nói là trong những năm gần đây, vị thế của phụ nữ không được cải thiện. Tuy nhiên, sự tiến bộ của phụ nữ cần phải được nhìn nhận trong sự tiến bộ chung của nhân loại. Cũng phải nói rằng, hiện nay, tại một số quốc gia, phong trào đấu tranh cho sự giải phóng phụ nữ đã đi quá đà, tới mức tuyệt đối hoá vai trò của phụ nữ trong xã hội loài người hay cố gắng biến phụ nữ trở thành... đàn ông về phương diện xã hội (?!). Thực ra, mục tiêu đúng là phải luôn để phụ nữ được thể hiện trọn vẹn và phát triển nữ tính của mình cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội! Đó mới là sự bình đẳng giới đích thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền lực mang gương mặt nữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO