Quyền sống của cây ở Hồ Gươm

Từ Khôi 06/07/2017 09:45

Hà Nội - trái tim của cả nước, Hồ Gươm, lẵng hoa giữa lòng thành phố. Những xưng tụng không chỉ ca ngợi vẻ đẹp mà còn khơi gợi sự linh thiêng của một chốn địa linh. Với giá trị lịch sử, giá trị thắng cảnh, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống vườn hoa, cây xanh quanh Hồ Gươm cũng đã được thể hiện trong hồ sơ di tích. Vì vậy, cây xanh quanh Hồ Gươm cũng phải được coi là một “hạng mục” di tích chứ đâu phải chỉ có kiến trúc xây dựng như đền Ngọc Sơn,Tháp Bút, đền Vua Lê… Luật Di sản cũng quy định rõ “Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học”.

Vì vậy, việc thay thế cây xanh trong không gian di tích Hồ Hoàn Kiếm chính là việc tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Thế nhưng, một trong những nội dung mà UBND TP. Hà Nội gửi công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng gần đây có kế hoạch thay thế cây xanh quanh hồ Hoàn Kiếm.

Trả lời lại, Bộ Xây dựng có lẽ cũng đồng thuận việc thay thế cây xanh quanh Hồ Hoàn Kiếm, có chăng là việc phải nêu rõ phương án thay thế cây mới cần chỉ rõ từng vị trí (có bảng thống kê, phân loại, đánh số chủng loại cây; vị trí, ký hiệu các loại cây và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý). Bộ Xây dựng còn yêu cầu chủng loại cây phải đồng nhất trên trục tuyến đường, trong khu vực vườn hoa…

Quy hoạch cây xanh Hà Nội là việc quan trọng. Nhưng không đồng nghĩa với việc cứ đốn hạ và trồng mới “tập thể”. Đặc điểm khí hậu nhiệt đới ở miền Bắc khắc nghiệt. Đầu hè năm nay ở Hà Nội đã có người chết vì nắng nóng khi ra đường. Biết bao cây xanh ở “con đường đẹp nhất Việt Nam” trên phố Nguyễn Chí Thanh bị đốn hạ và thay thế bằng cây mới?

Sẽ ra sao nếu Hồ Gươm trơ trụi không một bóng cây? Du khách nào sẽ đi bộ giữa trời nắng ở Hồ Gươm mùa hạ?. Đó là nhìn vào sự tiện lợi của bóng mát cây xanh. Còn nhìn vào khía cạnh linh thiêng, ai sẽ tạo ra được thời gian cổ kính của không gian Hồ Gươm? Ai sẽ tạo nên hoài niệm và ký ức của nhiều thế hệ về cây lộc vừng 9 gốc? Về gốc gạo xù xì nổi u thời gian? Về hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím mỗi độ hè về? Trong tâm thức mỗi người dân thủ đô gắn bó với Hồ Gươm khi đi xa sẽ nghĩ về cây gì? Có lẽ rất nhiều cây. Mỗi cây gắn với một kỷ niệm. Sự đa dạng làm nên vẻ đẹp nhiều chiều. Nó không cần biết đến khoa học, đến sự chủ quan của nhà quản lý áp đặt tuyến phố này phải trồng chủng loại gì, kích cỡ bao nhiêu…

Không ai quy định đền Và thờ đức thánh Tản Viên ở thị xã Sơn Tây là phải có rừng lim. Cây lim tồn tại quanh khu di tích đó đã mấy trăm năm, có cây ngót ngàn năm tuổi. Chúng ta sẽ nghĩ gì khi chặt hạ cây lim ở đó để thay thế bằng cây khác mà ta cho là phù hợp hơn?.

Cây xanh quanh Hồ Hoàn Kiếm đem lại vô vàn lợi ích cho chúng ta. Càng già nua, cây càng giàu giá trị. Hãy chăm sóc nâng niu hết mức khi có thể. Và chỉ cắt tỉa hay “hóa kiếp” cây khi gây mất an toàn.

Cây xanh Hồ Gươm tạo nên nhiều giá trị. Vì thế, nó có quyền được sống.

Rất mừng khi phát biểu tại HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ "không có việc thành phố dự kiến thay thế cây xanh ở hồ Gươm". Cùng ngày, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản phản hồi thông tin thay thế cây xanh ở hồ Gươm. Theo đó, quận Hoàn Kiếm cho biết, trong dự án chỉnh trang hồ "không có nội dung thay thế cây xanh".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền sống của cây ở Hồ Gươm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO