Quyết liệt, tiết kiệm trong sử dụng nước

Ảnh: Hoàng Long 25/04/2016 11:43

Kết luận cuộc làm việc với Bộ TNMT, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải quyết liệt tiết kiệm sử dụng nguồn nước cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Với nông nghiệp, phải có cuộc cách mạng chuyển từ nền nông nghiệp dùng nhiều nước sang nền nông nghiệp dùng ít nước, đặc biệt không coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, không mất tiền thay vào đó phải coi nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, mất tiền.

Quang cảnh buổi làm việc với Bộ TNMT về thực hiện chính sách về phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 25/4, đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ TNMT về thực hiện chính sách về phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tham dự buổi làm việc có ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TNMT, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, GS-TS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình...

Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây nên, thích ứng với BĐKH là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm.

Mới đây nhất, ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc (Hoa Kỳ), Việt Nam đã cùng 170 quốc gia ký thỏa thuận Paris về BĐKH.

Với việc ký kết Thoả thuận Paris, Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của mình để ứng phó với BĐKH.

“Tác động BĐKH đang diễn ra nhanh hơn dự báo rất nhiều: xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước... đang đặt ra bài toán đầy thách thức. BĐKH là mối đe dọa trực tiếp đến sinh tồn của các thế hệ con cháu chúng ta. Mỗi người dân đều có thể làm giảm tác động của BĐKH thông qua việc làm hàng ngày về giảm chất thải, tiết kiệm nước...”.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết, so với các dự báo trước đó, tác động BĐKH nhanh hơn chúng ta dự báo.

“Năm 2015-2016 diễn biến thời tiết rất cực đoan. Với tính cực đoan của BĐKH, chúng ta chưa chủ động có những tính toán để đưa các giải pháp ứng phó kịp thời”, Bộ trưởng thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu.

Cùng với đó, việc thực hiện chính sách, giải pháp về ứng phó BĐKH còn nhiều hạn chế, dù hệ thống chính sách, giải pháp là rất nhiều.

Đơn cử như việc quản lý nước ở ĐBSCL, sự điều chỉnh các kế hoạch, kịch bản ứng phó BĐKH còn chậm.

“Trong xu thế hiện nay đòi hỏi một cuộc cách mạng trong nông nghiệp để ứng phó với tình trạng thiếu nước. Nếu chỉ tập trung vào lúa nước hay cây công nghiệp lâu năm thì có phù hợp không?. Rừng tự nhiên hàng năm mất rất nhiều, rừng trồng nhiều loại cây chưa có giá trị cân bằng hệ sinh thái, bà con giữ rừng là giữ nước, nhưng chính sách cho bà con chưa thỏa đáng... Đó đều là những vấn đề phải tính toán”, Bộ trưởng nói.

Vấn đề nhận thức cũng còn nhiều bất cập. Năng lực điều hành, trong đó có bộ máy cũng chưa có sự phối hợp thực sự hiệu quả.

BĐKH là vấn đề phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn kể cả về bộ máy, nhưng so với các nước, Việt Nam chưa đầu tư được bao nhiêu.

“Ví dụ để trả lời câu hỏi ai chịu trách nhiệm về bảo đảm nguồn nước như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu thì hiện nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả các dự án đã đầu tư. Hay hàng năm đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho hệ thống đê điều thì cũng khó rõ ai là người chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Hoặc rất chồng chéo trách nhiệm nếu tiến hành điều chỉnh quy hoạch vùng..”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Ông Trần Hồng Hà dẫn chứng về công tác điều hành hiện nay chưa ổn.

Ví dụ tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước đã được dự báo từ 3-4 tháng trước. Nhưng vì diễn ra vào dịp tết, không có người đo đạc tỷ lệ mặn, chậm ứng phó vì vậy khi nước mặn vào thì vô phương cứu chữa. Đó là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng như vừa qua. Qua đó cho thấy công tác điều hành hiện nay có vấn đề. Bộ TNMT đã họp về vấn đề này.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Để ứng phó BĐKH hiệu quả, Việt Nam phải đẩy mạnh khâu cảnh báo, tuyên truyền.

Ông Phan Xuân Dũng phát biểu.

Cẩn trọng trong lựa chọn dự án, công nghệ, không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ, chủ động chuyển đổi trong sản xuất.

Còn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cũng lo lắng “được mùa mất giá còn đỡ, bởi nông dân vẫn lấy công làm lãi để sống, BĐKH mới gọi là kinh khủng. Ví dụ như xâm nhập mặn, khô hạn thì người nông dân đói hết”.

Ông Lại Xuân Môn phát biểu.

Ông Môn cũng đề xuất cần nâng cao năng lực dự báo, chính sách hỗ trợ cho người dân, làm rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan.

“Nông nghiệp bất lợi, nông dân bất an, nông thôn bất ổn”, ông Môn nhấn mạnh.

Cần chiến lược lâu dài

Từ thực tế hiện nay, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đề xuất, tới đây, Chính phủ phải rà soát lại quy hoạch phát triển có tích hợp giải pháp ứng phó BĐKH, có quan điểm chỉ đạo đổi mới rõ ràng về nông nghiệp và năng lượng, có những dự án mang tính tổng thể, không manh mún, tập trung xã hội hóa.

Bên cạnh đó, tất cả các ngành, cấp đều phải có kế hoạch để triển khai, trách nhiệm của các cấp bộ ngành phải rõ ràng.

Về vấn đề nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm: Vấn đề này hiện do 3 Bộ quản lý: Bộ TNMT quản lý số liệu chung, Bộ NN&PTNT quản lý nước cho nông dân, Bộ Xây dựng về nước đô thị như vậy sẽ không rõ trách nhiệm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thích ứng với BĐKH là nội dung vừa cấp bách vừa lâu dài. Cả nước đang chống chọi với tác động của BĐKH. Quý I-2016, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam bị âm, một phần do tác động của BĐKH.

BĐKH không thể tránh được, chúng ta phải sống chung với nó. Nhân dân đang rất lo lắng. Tới đây, Mặt trận sẽ đi khảo sát về tình hình này tại Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên.

“Nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới rất quan trọng nhưng công tác thích ứng với BĐKH cũng quan trọng và cấp bách không kém. Sắp tới, sau khi khảo sát, Mặt trận sẽ có báo cáo tổng thể về tình hình BĐKH hiện nay, làm rõ tác động đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp hiện nay”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần làm rõ dự báo về tình hình BĐKH, các chính sách, kế hoạch, giải pháp của Đảng, Nhà nước, Bộ ngành trong ứng phó BĐKH trong những năm qua ra sao, điều kiện để triển khai các giải pháp đó như nhận thức, tri thức, nguồn lực tài chính, hợp tác quốc tế, làm rõ những mô hình ứng phó BĐKH hiệu quả, kết quả triển khai chương trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH trong 5 năm qua….

“Ngoài ra, chúng ta cũng cần làm rõ trong hệ thống chính quyền ai chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm nước sinh hoạt, nước cho sản xuất cho người dân. Liệu chúng ta có bảo đảm đủ nước cho người dân ít nhất từ nay đến 2030, có đủ cơ sở để bảo đảm nước cho dân trong thế kỷ này không. Muốn làm được điều đó cần phải có những điều kiện gì. Cần nói rõ cho dân biết trên cơ sở chỉ rõ trách nhiệm”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để ứng phó BĐKH thành công thì phải thay đổi hành vi của con người trong nhiều lĩnh vực.

Trước hết chúng ta phải quyết liệt tiết kiệm sử dụng nguồn nước cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Với nông nghiệp, phải có cuộc cách mạng chuyển từ nền nông nghiệp dùng nhiều nước sang nền nông nghiệp dùng ít nước, đặc biệt không coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, không mất tiền thay vào đó phải coi nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, mất tiền.

Chuyển trồng trọt từ nước ngọt là chủ yếu sang cả trồng trọt nước lợ và nước mặn, đồng thời nên có khuyến cáo 10 hành vi thay đổi của người tiêu dùng khi sử dụng nước, nghiên cứu đến việc tái sử dụng nước.

Đặc biệt, phải có giải pháp đồng bộ về quản lý nước ở 3 cấp là quốc gia, vùng và hộ gia đình.

Trong đó, phải thiết lập bằng được cơ chế tổng thể trong quản lý nước, có sự liên kết giữa các bộ ngành, vùng, nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, nước sản xuất cho người dân.

Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc:

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Lê Bá Trình phát biểu.

Ông Đặng Vũ Minh phát biểu.

Ông Võ Tuấn Nhân phát biểu.

Nhã Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết liệt, tiết kiệm trong sử dụng nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO