Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng

H.Vũ 30/11/2016 00:50

Trong 2 ngày (28 và 29/11/2016), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng.

Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.

Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2016, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức; song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nền kinh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.

Sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng năm 2016, chỉ số này tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp từng bước được phục hồi.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2016 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành.

Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu kết luận phiên họp, nhấn mạnh những kết quả về kinh tế-xã hội đạt được trong tháng 11 và 11 tháng năm 2016 là tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; đồng thời nêu rõ, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ của tháng 12 và năm 2017 là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và triển khai quyết liệt kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nỗ lực trong tháng 12 để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã báo cáo Trung ương Đảng, Quốc hội.

Kiểm soát lạm phát không quá 5%

Đề cập đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, tập trung ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, gây ảnh hưởng đến lạm phát.

Tiếp tục chủ động xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn kế hoạch 2016 và vốn được bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 60.

Đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, sử dụng xe công.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm, ngân hàng đến bờ vực phá sản rồi mới xử lý.

Tiếp tục bán vốn nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.

Trong xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ, hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp thì điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế. Đây cũng là một đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương.

Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước.

Giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định về văn hóa từ chức

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn Chính phủ truyền đạt tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 29/11.

Bộ trưởng Dũng nói: “Bộ Nội vụ đã có báo cáo Chính phủ một đề án từ việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, và Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ xây dựng 1 Nghị định về văn hóa từ chức trình Thủ tướng. Đây là cái mới nhưng hứa với Quốc hội là phải làm. Những cán bộ không đủ năng lực có thể tạo một hành lang văn hóa từ chức. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, không chấp hành kỷ cương”

Thủ tướng giao các cơ quan quan tâm xây dựng thể chế tránh lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ tránh 1 việc giao cho nhiều cơ quan chồng chéo.

Thủ tướng giao nhiệm vụ các Bộ phải rõ ràng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực như lời Thủ tướng đã nói là thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà. Thứ ba là kỷ luật kỷ cương, vừa qua Thủ tướng có ban hành Chỉ thị tăng cường kỷ luật kỷ cương của cán bộ công chức. “Việc cán bộ đánh phụ nữ ở sân bay Nội Bài trong thời gian qua là hành vi không thể chấp nhận được.

Hôm nay Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ Nội vụ ngoài việc quy định về văn hóa từ chức thì phải làm đề án văn hóa cán bộ công chức viên chức, rồi nhắc nhở các Bộ trưởng thực hiện đúng tinh thần lời hứa trước Quốc hội. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì và sớm ban hành đề án triển khai ngay từ năm 2017”-Bộ trưởng Dũng thông tin.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời về việc những sai phạm của Vinatas, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Vi phạm của Vinatas, Bộ Công thương đã kiểm tra hoạt động và có báo cáo lên Thủ tướng.

Theo đó Vinatas có sai phạm là công bố kết quả không minh bạch, không đáng tin cậy, quá trình khảo sát do một số cá nhân khảo sát dưới sự tài trợ không đảm bảo tính độc lập.

Việc công bố thông tin sai của Vinatas đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm gây thiệt hại trong sản xuất và kinh doanh. Sai phạm này đã được Bộ làm rõ và báo cáo lên Thủ tướng. Ngay sau đó Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ Công thương đã yêu cầu Vinatas cải chính thông tin theo đúng pháp luật. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ chấn chỉnh kịp thời hoạt động của Vinatas.

Trước việc có thông tin cho rằng trong năm 2017 sẽ thay xăng Ron 92 bằng xăng sinh học E5, E 10, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bác thông tin trên và giải thích: “Vài năm trước khi giá xăng dầu tăng cao Chính phủ đã có quyết định từng bước đưa xăng sinh học E5, E 10 vào tiêu thụ.

Tuy nhiên, gần đây giá xăng dầu giảm nên sản xuất tiêu thụ xăng E5, E 10 còn gặp nhiều khó khăn. Có 4 nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học thì hiện chỉ còn nhà máy Tùng Lâm hoạt động, còn lại 3 nhà máy sản xuất xăng nhiên liệu đã ngừng. Cho nên chưa có quyết định cuối cùng vào thời điểm nào sẽ thay thế xăng Ron 92 bằng xăng E5, E10. “

Bổ sung quy định việc xử lý đối với cán bộ đã thôi việc, nghỉ hưu

Đó là kiến nghị được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đưa ra tại phiên họp Chính phủ tháng 11, khi báo cáo về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Về nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc cho phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

Cụ thể là rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xoá bỏ cơ chế xin-cho, duyệt-cấp, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế.

Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. Đó là tổng kết và đánh giá, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO