Quyết liệt với thực phẩm bẩn

Bắc Vũ (thực hiện) 10/12/2016 09:10

Tại Nghệ An, thời gian qua công tác phòng chống thực phẩm bẩn, VSATTP được triển khai toàn diện. Với những người làm công tác Mặt trận, việc tham gia chống thực phẩm bẩn, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ẩn họa này càng quyết liệt hơn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An để hiểu rõ hơn về “cuộc chiến” này.

Ông Nguyễn Văn Huy.

PV: Thưa ông, được biết vừa qua, trong dịp “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, MTTQ tỉnh Nghệ An đã phát động phong trào “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn”. Ông có thể nói rõ hơn về phong trào này?

Ông Nguyễn Văn Huy: Việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, trong đó thực phẩm bẩn, độc hại nói riêng đã trở thành vấn nạn.

Việc phát động phong trào “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” là bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn ra khỏi đời sống sinh hoạt, ra khỏi mỗi bếp ăn trong mọi gia đình. Vì vậy, trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” vừa qua, MTTQ tỉnh Nghệ An đã gắn với chủ đề “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn”; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không sản xuất, buôn bán, chế biến thực phẩm bẩn, tổ chức các tiểu phẩm, hoạt cảnh, hóa trang về chủ đề để trình diễn trong ngày hội; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở cơ sở; tổ chức tiêu hủy các chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản và các hàng hóa nhiễm bẩn; tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn.

Kết quả: có 5.754/5896 khu dân cư hưởng ứng trong dịp Ngày hội Đại đoàn kết. Ngoài ra, MTTQ các cấp đã làm hơn 25.000 băng rôn, khẩu hiệu và tuyên truyền trên loa phát thanh của các khu dân cư hơn 30 nghìn giờ về chủ đề “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” cho hơn 1.568.151 người của 5.754 khu dân cư trên toàn tỉnh nghe, hiểu hơn về tác hại của việc sản xuất thực phẩm bẩn…. ​

Phương pháp, cách thức triển khai sẽ được Mặt trận thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chúng tôi sẽ tiến hành chương trình “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” trên phạm vi toàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng thôn, xóm, đến mọi người dân.

Cụ thể, thông qua Chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND tỉnh về triển khai Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 30/3/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vận động và giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành..các tổ chức thành viên và hệ thống MTTQ các cấp trong toàn tỉnh, sẽ triển khai chương trình “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” với những mục tiêu, nội dung thiết thực.

Ví dụ như đến cuối 2017 sẽ có 100% cán bộ Mặt trận được phổ biến, tuyên truyền nắm vững kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, 50% số hộ gia đình và 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Tiếp đó, đến cuối năm 2019 sẽ có 100% khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu vận động được ít nhất 70% số hộ gia đình và 100% hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Và con số đó sẽ tăng lên trên 90% vào cuối năm 2020.

Vấn đề an toàn thực phẩm được xã hội quan tâm trong thời gian qua, rất nhiều ban ngành đã, đang thực hiện chủ đề này. Vậy, ông có thể cho biết cái khác của người Mặt trận khi tham gia “cuộc chiến” với thực phẩm bẩn?

- Việc phát động phong trào “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” của những người làm Mặt trận là góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân ra sức ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Phong trào này không trùng lặp với các chương trình, kế hoạch của các cơ quan chức năng và tổ chức đoàn thể đã triển khai, mà có tác dụng cộng hưởng, góp phần cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điểm khác là, MTTQ thông qua hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên và Ban CTMT ở khu dân cư để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân, vận động trực tiếp đến người sản xuất thực phẩm đồng thời thông qua cộng đồng dân cư giám sát quá trình sản xuất thực phẩm, tổ chức đánh giá, bình xét các hộ gia đình trong thực hiện phong trào “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm và gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để từ đó bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn….tiến tới hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết liệt với thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO