Quyết tâm chống tham nhũng

Hoàng Mai 18/02/2017 07:30

Ngày 16/2, Văn phòng Trung ương Đảng  đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nội dung các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Đó là: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ , Ban cán sự Đảng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, Công thương. Theo đó, Tổng Bí thư chỉ đạo sớm khẩn trương kiểm tra, xem xét kết luận.

Vậy là, sau vụ Trịnh Xuân Thanh, bà Thứ trưởng Bộ chủ quản liên quan ít nhiều đến việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông này đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức khiển trách về Đảng vào tháng 10 năm ngoái và bị Thủ tướng khiển trách vào tháng 1 năm 2017.

Tuy nhiên, với tinh thần cùng Đảng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, báo chí đã tích cực vào cuộc. Những câu chuyện xung quanh khối tài sản trăm tỉ của bà Thoa và các thành viên gia tộc đã được nêu lên suốt từ nửa đầu tháng 2 năm nay. Nhiều vấn đề đã được đưa ra mổ xẻ về chuyện sở hữu tài sản khủng của một Thứ trưởng.

Đương nhiên, cũng có sự lý giải chuyện tài sản có được là do quá trình cổ phần hóa với việc nắm giữ đến 34% giá trị cổ phần của một trong những doanh nghiệp được xem là ăn nên làm ra của nhiều thành viên thân thuộc, gần gũi trong một gia đình lãnh đạo. Đáng nói ở chỗ, người này lại từng là đại diện chủ sở hữu cho phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp ấy. Và giờ lại trở thành người lãnh đạo của Bộ quản lý chính lĩnh vực DN có hơi hướng thân quen này.

Cũng cần nói thêm, sau khi Thứ trưởng Thoa rời vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc DN thì người kế nhiệm không ai khác là em trai của bà. Tất cả những điều này khiến người ta cảm thấy không thể không đặt dấu hỏi.

Không chỉ dư luận, công luận đồng loạt lên tiếng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi nghiên cứu các thông tin trên báo đã lập tức yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Bí thư có chỉ đạo trực tiếp về các vụ việc nổi cộm như thế này.

Trước vụ việc này là vụ việc của “Chiếc xe Lexus biển xanh và di sản của ông Phó Chủ tịch Hậu Giang”. Từ đó, cũng lần ra được khá nhiều đầu mối, vấn đề. Và, hôm 16/2, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định về việc khởi tố 5 bị can, bắt tạm giam 4 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can để điều tra mở rộng vụ án Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó nữa, một người từng làm quan chức cấp cao, đã từng giữ chức Bộ trưởng là ông Vũ Huy Hoàng đã bị xóa tư cách Bộ trưởng, bị Quốc hội phê phán nghiêm khắc liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh.

Vì thế, vấn đề được Tổng Bí thư chỉ đạo hôm 16/2, liên quan đến Thứ trưởng Thoa- một người đương chức, cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng ta trong kiểm tra, làm rõ những vấn đề nóng liên quan đến cán bộ, đảng viên mà nhân dân, công luận quan tâm, lên tiếng thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng.

Trong suốt nhiệm kỳ XI và ngay từ đầu nhiệm kỳ XII những vụ việc, những vụ án nổi cộm đã được Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đưa ra để yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, sớm xét xử đã là minh chứng sống động cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Mới đây nhất, vụ tiêu cực đưa và nhận hối lộ tại Vinashinlines với vi phạm của nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm, của Giang Kim Đạt và đồng phạm cũng được đưa ra xét xử.

Trước đó là những “đại án” ngân hàng. Điều này cho thấy quả thật, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, đến một nhân vật chạy trốn ra nước ngoài vài năm với hộ chiếu giả vẫn còn bị bắt về quy án như Giang Kim Đạt thì càng chứng tỏ chúng ta sẽ không bỏ qua và không thể bỏ qua án tham nhũng. Nó như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quyết tâm của Đảng về phòng chống tham nhũng.

Trong 2 nhiệm kỳ gần đây vấn đề này được Đảng đặt ra cùng với việc đẩy mạnh quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Sẽ khó có thể chỉnh đốn Đảng nếu trong Đảng vẫn còn nhiều đảng viên tận dụng vị trí để câu kết, làm trái quy định của Đảng, của Nhà nước. Những người mà Nghị quyết Trung ương đã đau xót gọi là “một bộ phận không nhỏ”.

Những người mà ở vị trí của họ, họ không chịu vận dụng để làm lợi cho Nhà nước, cho nhân dân; không chịu đóng góp cho sự phát triển chung mà chỉ biết cấu kết nhau vào trong một “nhóm lợi ích”. Và, “nhóm lợi ích” ấy đã không chịu nghiên cứu những biện pháp cho sự phát triển chung mà lại lợi dụng kẽ hở luật pháp để mưu lợi cá nhân.

Thế nên, từ tham nhũng chính sách tiến đến những cấp độ cao hơn của hành vi tham nhũng là điều khó tránh khỏi. Với nhiều cán bộ có chức, có quyền “ăn lộc tham nhũng” mãi đâm quen; không có cách gì kiềm chế nổi. Nếu không có biện pháp thì bệnh tham nhũng từ họ sẽ lây lan như một thứ bệnh dịch khó lòng khống chế, kiểm soát nổi.

Có lẽ cũng vì thế mà khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Trung ương đã xác định rõ, giờ không thể chỉ dùng mỗi biện pháp đức trị mà còn phải kết hợp giữa đức trị với pháp trị để khắc chế những biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.

Riêng với trường hợp của Thứ trưởng Thoa, lần này, Tổng Bí thư đã yêu cầu “Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước”.

Nói như thế để thấy, Đảng đã nhận ra những khiếm khuyết trong quá trình phát triển vừa qua và sẽ sửa đến khi chặt chẽ mới thôi. Cũng cần thế để cán bộ có chức quyền không thể và không dám tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO