Ra mắt bộ sách về những tài danh âm nhạc Việt Nam

Trần Vân 15/06/2017 15:17

Sáng ngày 15/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 13 tác phẩm âm nhạc từ cuộc đời chiêm nghiệm, nghiên cứu, sáng tác của nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ Thuỵ Kha đã chính thức ra mắt độc giả.

Nhạc sĩ Thuỵ Kha tại buổi ra mắt sách.

13… là tên của chương trình giao lưu ra mắt sách của nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ Thụy Kha. Theo ông: Con số 13 là con số xui của Châu Âu, nhưng với tôi nó lại như con số định mệnh.... 13 không chỉ là những tác phẩm ra mắt lần này, khi tôi 13 tuổi tôi đã viết một bài hát đầu tiên, mất 13 năm để cất căn gác đầy ắp kỉ niệm của tôi,…

Trong bộ sách có 7 quyển về “Những tài danh âm nhạc Việt Nam” gồm các chân dung nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao.

Những trang viết đó phần lớn là các bài báo văn hóa – văn nghệ mà khi tổ chức lại để in sách đã tạo nên dấu ấn rất Trần Thụy Kha. Đầu sách ở dạng chân dung – phê bình – tiểu luận văn học được Nguyễn Thụy Kha đặt tên theo câu kết Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là “Lời quê góp nhặt”.

Đầu sách ở dạng tổng kết Tân nhạc Việt Nam được tổ chức thành hai cuốn với tiêu đề “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – một thời đạn bom”, “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – một thời hòa bình”. Những tứ này cũng lấy ý từ câu hát trong bài “Nhớ Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Một thời đạn bom – một thời hòa bình.

Tác giả Thuỵ Kha cho biết, bộ sách không chỉ là kiểu trích ngang mà là chân dung nghệ thuật của những nhạc sĩ tài danh, làm nên bức chân dung chính xác nhất về họ. Dù là thể loại chân dung, phê bình tiểu luận đòi hỏi phải chính xác về thông tin nhưng vẫn có cảm xúc, có tình cảm của người viết, vẫn có văn.

Đặc biệt trong đó có cuốn Thuở bình minh tân nhạc là tác phẩm lần đầu ra mắt và theo tác giả đây là quyển “cái” về âm nhạc Việt Nam. Ông viết tác phẩm này bởi thấy chạnh lòng khi người nghiên cứu nước ngoài còn hiểu về âm nhạc Việt Nam hơn người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ông mong muốn qua cuốn sách người trẻ sẽ có cái nhìn toàn diện về nền âm nhạc nước nhà, một nền âm nhạc theo ông là độc đáo nhất châu Á.

Không chỉ là một buổi giới thiệu sách đơn thuần, đây còn là dịp gặp gỡ các anh, em bạn bè nghệ thuật và những chia sẻ ân tình của các nghệ sĩ với tác giả Thụy Kha. Theo nhận xét của nhạc sĩ Phạm Tuyên: Thụy Kha đã vượt qua mọi định kiến, mọi đánh giá để viết nên sự thật của lịch sử và ông đánh giá cao suy nghĩ của Thụy Kha so với những người cùng thời.

Nhà thơ Hồ Ngọc Sơn tác giả bài Tình em cũng đem đến câu chuyện xúc động về cuộc gặp gỡ với nhà thơ Thụy Kha và gửi tặng món quà ý nghĩa là câu đối: “Thuở chiến tranh thơm danh đời chiến sĩ/ Thời hòa bình đẹp tiếng nghiệp văn nhân”. Nhà thơ Vũ Mão đánh giá: Thụy Kha là người hiểu biết sâu rộng, rất có nghị lực và thông minh. Bởi vậy ông luôn dành sự mến phục, yêu mến đặc biệt cho nhà thơ Thụy Kha.

Trong buổi ra mắt Nhạc sĩ Thụy Kha cũng chính tay trao tặng lại toàn bộ bản thảo chép tay 13 cuốn sách của ông cho truyền nhân là ca sĩ Ngọc Châm, Giám đốc chương trình “Vàng son một thuở”. Ông nói: “Giống như Văn Cao, Huy Du và các thế hệ đàn anh đi trước đã truyền lại cho tôi, tôi muốn có một cái gì đó truyền lại cho thế hệ trẻ”.

Ca sĩ Ngọc Châm tiết lộ, cô rất bất ngờ trước bộ sách đồ sộ của nhạc sĩ Thụy Kha, trên con đường tìm kiếm, tôn vinh các nhạc sĩ Việt Nam mà cô và chuỗi chương trình của mình theo đuổi nhiều năm nay, thì bộ sách là một tài sản quý giá giúp cho Ngọc Châm có thêm nhiều tư liệu, góc nhìn về các nhạc sĩ Việt Nam thế kỷ XX, phục vụ hữu ích cho chuỗi chương trình.

Cũng trong buổi ra mắt sách, sáng tác nổi tiếng của những tác giả mà Thụy Kha vinh danh trong sách đã được các ca sĩ tên tuổi như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Quỳnh Hoa, NSƯT Sao Mai, Lộc Vàng, Ngọc Châm, Minh Thu, Mai Trang... thể hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra mắt bộ sách về những tài danh âm nhạc Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO