Rà soát đối tượng được xóa nợ thuế

H.Vũ (thực hiện) 23/09/2019 07:30

Vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của 758.660 người nộp thuế với tổng số tiền 10.562 tỷ đồng. Vấn đề được đặt ra là việc xóa nợ có đảm bảo tính công bằng với người chấp hành nghiêm chỉnh việc nộp thuế? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Lâm- Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần đưa ra tiêu chí lựa chọn những đối tượng thuộc diện xóa nợ thuế.

Rà soát đối tượng được xóa nợ thuế

Ông Trần Văn Lâm.

PV:Thưa ông vừa qua Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của 758.660 người nộp thuế với tổng số tiền 10.562 tỷ đồng. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Văn Lâm: Tôi cho rằng Chính phủ đã cân nhắc, đây thực tế là những khoản nợ của những đối tượng không thể thu được nữa như: đã chết, mất tích, doanh nghiệp (DN) phá sản. Vì không thu được cứ “treo” đấy thành các khoản nợ. Thực tế theo quy định, hàng năm các cơ quan quản lý vẫn phải theo dõi, tính lãi hàng năm quá hạn khiến số nợ thuế trở thành số “ảo”, không đúng thực chất, bản chất của nền kinh tế. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước là điều cần thiết. Có điều trong triển khai, thực hiện sao cho đúng, không để bị lợi dụng, gây thất thoát. Nếu làm đúng sẽ phản ánh đúng bức tranh kinh tế, làm cơ sở xác định các quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo một cách chính xác, hiệu quả. Theo tôi quan trọng nhất là tổ chức thực hiện sao cho chặt chẽ, hiệu quả không để bị lợi dụng.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật, thưa ông?

- Trong sổ sách quản lý đã ghi rõ những đối tượng nợ thuế. Bây giờ cần đưa ra tiêu chí để lựa chọn những đối tượng nào phù hợp với tiêu chí đó mà xem xét. Khi lập danh sách đưa vào diện xóa nợ, các đối tượng được xem xét phải qua nhiều bước, trình tự thủ tục thẩm định, công khai. Qua đó các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra chặt chẽ. Từ trước đến nay tôi thấy, trong miễn giảm thuế các quy trình thủ tục khá chặt chẽ. Tất nhiên hiện tượng “lách luật” để trốn thuế vẫn đang phổ biến và còn nhiều. Nhưng những đối tượng đã được đưa vào diện quản lý thì tương đối chặt chẽ nên không lo lắm việc lợi dụng xóa nợ để miễn giảm sai đối tượng. Vấn đề quan trọng, các tiêu chí đưa ra phải rõ ràng, thuyết phục, quá trình triển khai thực hiện phải khách quan, chặt chẽ. Cứ nhìn số nợ thuế lên đến hàng ngàn tỷ đồng nghe rất ghê gớm nhưng bản chất số nợ thuế hiện nay “ảo” rất nhiều. Bởi phần lớn nợ thuế tính từ số chậm nộp thuế, qua nhiều năm cứ “lãi mẹ đẻ lãi con” nhưng thực tế có nhiều DN đã phá sản, không còn khả năng thu hồi tuy nhiên theo quy định hàng năm vẫn cứ phải tính. Việc chậm nộp được tự động tính lãi trên hệ thống nên cộng dồn thành nợ đọng thuế lớn, do đó xem xét điều chỉnh để xóa nợ thì mới có thông tin quản lý cho chính xác.

Thưa ông, thực tế nhiều người băn khoăn trong việc xóa nợ có thể tạo ra “kẽ hở” cho những gian dối, lợi dụng tình trạng đăng ký một nơi rồi hoạt động một nẻo để trốn thuế. Hay những trường hợp mượn danh, “núp bóng” không hoạt động để mong xóa nợ. Như vậy sẽ tạo sự không bình đẳng giữa người “núp bóng” và người nghiêm túc chấp hành nộp thuế?

- Sau này trong các quy trình, Nghị quyết sẽ hướng dẫn triển khai cụ thể. Nhưng tựu chung có mấy điểm. Thứ nhất, yêu cầu làm minh bạch, công khai, khách quan. Thứ hai, các quy trình thủ tục phải chặt chẽ, rõ ràng. Khi công khai sẽ có yếu tố giám sát của người dân cho nên chúng ta không ngại nảy sinh tiêu cực trong việc xóa nợ. Chúng ta chỉ xóa nợ với người không có khả năng nộp. Còn những người “chây ì”, vẫn đang kinh doanh, có khả năng nộp thuế thì vẫn phải xử lý để thu. Những đối tượng còn tài sản không phải là đối tượng nằm trong diện xóa nợ thuế lần này. Cho nên cần quy định chặt chẽ, phân biệt với những chỗ có khả năng đòi bằng việc xem xét kỹ những đối tượng cụ thể theo quy định.

Liên quan tới số tiền nợ đọng thuế, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cũng cần quy trách nhiệm của người thu thuế? Và theo ông giải pháp nào để việc thu thuế được đảm bảo tính đúng đắn, thu đúng, thu đủ?

- Thực tế hiện nay quản lý của chúng ta cũng chưa được chặt. Nhiều hiện tượng lách luật, cố tình lợi dụng để làm sai. Tuy nhiên nếu chỉ mình ngành thuế giải quyết cũng quá sức. Do đó vấn đề quản lý các DN cần phải có sự tham gia, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhiều cơ quan cùng tham gia chứ không chỉ riêng mình ngành thuế. Ví dụ những trường hợp đăng ký kinh doanh nhưng địa chỉ ở đâu? Hoạt động thế nào? Không liên lạc và ngành thuế không quản lý được là thực tế đang diễn ra. Số lượng đăng ký kinh doanh rất nhiều nhưng số lượng DN nộp thuế lại thấp hơn rất nhiều, điều đó chứng tỏ có chiêu trò lợi dụng.

Vấn đề quản lý đặt ra hiện nay cho Chính phủ, các ngành là phải có sự phối hợp, từng bước kiện toàn cơ chế quản lý của các DN để vừa tạo môi trường thông thoáng cho DN hoạt động, không gây phiền hà, hỗ trợ thúc đẩy DN phát triển kinh tế nhưng cũng phải làm sao không để cho các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để làm ăn bất chính trục lợi, trốn thuế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát đối tượng được xóa nợ thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO