Rà soát lại việc thanh lý xe công

T.Hằng 22/03/2017 09:10

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu báo cáo về việc thanh lý xe ô tô công.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc thanh lý xe ô tô thời gian qua của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị kể trên chỉ đạo việc thanh lý tài sản nhà nước nói chung (trong đó có xe ô tô) theo đúng quy định; trong đó lưu ý: tài sản phải đủ điều kiện thanh lý, tổ chức thực hiện thanh lý đúng thời hạn, công khai, minh bạch; việc bán đấu giá tài sản thanh lý, quản lý, sử dụng số tiền thanh lý thu được… thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.

Sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản, cơ quan, đơn vị, tổ chức có tài sản thanh lý, hạch toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản để đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3-6-2009 của Chính phủ; Bộ, ngành, địa phương tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (trong đó có biến động về thanh lý xe ô tô) gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đã tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng (tính đến ngày 10/3/2017), có báo cáo gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2017 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Từ cuối năm 2015, thời điểm Quyết định số 32/2015 về sắp xếp, quản lý xe công có hiệu lực, các cơ quan quản lý đã thực hiện thanh lý 1.105 ôtô. Theo báo cáo của các đơn vị, số tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng. Như vậy, giá bình quân của mỗi chiếc xe khi thanh lý vào khoảng 46,12 triệu đồng.

Giải thích rõ hơn về con số 46,12 triệu đồng này, phía Bộ Tài chính cũng cho biết: 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính; 17 xe báo cáo đã thanh lý (trong đó có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề), không thu được tiền; 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) với tổng số tiền thu được là 5.455.803.699 đồng.

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản khi giải thích về mức giá bán nói trên, cũng cho biết, một số chiếc xe bán thanh lý giá thấp do được sản xuất từ lâu. Việc đấu giá của các đơn vị đều phải thực hiện công khai qua các bước như đăng thông tin bao nhiêu số báo, bao nhiêu ngày, đăng tải trên công thông tin điện tử... Vì thế, nếu đơn vị nào thực hiện không đúng các quy định nói trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi giá bán xe công chỉ 46 triệu đồng thì tính toán chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…).

Giới chuyên gia cho biết, cần làm rõ hơn quá trình thanh lý xe công, cụ thể là công tác đấu giá thế nào. Rất ít người biết về thông tin đấu giá xe để được tham gia đấu giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát lại việc thanh lý xe công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO