Rào cản đối với các trường nghề

Thủy Anh 07/06/2016 14:10

Theo ông Trương Phúc Hiếu- Hiệu trưởng CĐ nghề Đà Lạt: Lí do Việt Nam được đánh giá có nguồn nhân lực rất đông trong khu vực ASEAN nhưng chỉ số đánh giá về chất lượng không cao, có lí do lớn nhất là rào cản về mặt đào tạo, chất lượng, kỹ năng nghề cho sinh viên. 

Rào cản đối với các trường nghề

Ảnh minh họa.

Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB&XH) và Hội đồng Anh đã ký Biên bản ghi nhớ về về Xây dựng và Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng tại một số trường CĐ nghề được đầu tư thành trường chất lượng cao tại Việt Nam.

Sau 1 năm triển khai, dự án đã bước qua giai đoạn 1. Nhiều trường nghề tham gia đã có thay đổi bước đầu, từng bước phát huy thế mạnh của trường nghề trong giai đoạn 2 (kéo dài đến hết 2016).

Ông Trương Phúc Hiếu cho rằng trình độ ngoại ngữ của giáo viên dạy nghề hiện chỉ đạt 20% theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Điều này là rất khó khăn để dạy những chương trình quốc tế. Nếu chúng ta không giảng dạy những chương trình quốc tế, quy chuẩn quốc tế vào thì sản phẩm và chất lượng của chúng ta không được công nhận.

Khó khăn nữa là cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho dạy nghề rất lớn, không thể chỉ là cục phấn hay cuốn sách là dạy được. Đất nước chúng ta cũng đang trong giai đoạn đầu đầu tư cho dạy nghề, và cần phải đầu tư nhiều hơn nữa.

“Khi hợp tác, tiếp xúc với hệ thống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đã giúp chúng ta thấy được những mặt hạn chế, trên cơ sở đó kịp thời xây dựng và triển khai ngay hệ thống cơ sở đảm bảo chất lượng. Đây chính là điểm đột phá trong hệ thống dạy nghề để bắt kịp xu hướng thế giới. Ngoài ra còn có rào cản về chất lượng công nhận quốc tế. Các trường nghề đào tạo, chương trình đào tạo đòi hỏi chuẩn, nếu ko tiếp cận xu hướng chung thì sẽ tụt hậu” – ông Hiếu nói.

Tương tự, lãnh đạo Trường CĐ nghề Cần Thơ cũng đánh giá: Sự hợp tác này đã từng bước xây dựng văn hóa kiểm định trong các trường nghề. Khi ra nước ngoài thấy họ có hệ thống kiểm định rất bài bản, ví dụ bộ công cụ đánh giá chuẩn giáo viên để xét kỹ năng nghề thường có 4 phiếu sau giờ học, sinh viên đánh giá giáo viên chất lượng như thế nào, phải như thế nào thì tốt. Còn có cả phiếu cho giáo viên sau bài giảng tự đánh giá về mình…

Với hai phiếu đánh giá này, sinh viên Việt Nam khi bắt đầu thực hiện thì khó vô cùng, nhưng sau mộtthời gian thì thực hiện tốt. Qua phiếu đánh giá, giáo viên đã tự biết điều chỉnh mình. Nhiều phiếu tôi đọc, các em đề nghị cụ thể lắm. Giáo viên cứ thấy mình truyền đạt kiến thức là đủ, nhưng nhiều khi không phải.

Phiếu tự đánh giá của giáo viên cũng vậy. Ở Việt Nam, làm một việc gì đó mà tự đánh giá thì khó, chung chung, nhưng phiếu này phải lượng hóa ra. Qua giai đoạn thực hiện thấy rất hiệu quả, đã giúp cho giáo viên tự soi rọi lại mình…

Tiếp tục chia sẻ, vị lãnh đạo này nhận định:

“Bước sau cùng chúng tôi muốn thực hiện là làm saomang được bản sắc văn hóa riêng của trường về đảm bảo chất lượng, khẳng định thêm về chất lượng đào tạo, kỹ năng mềm cho sinh viên cũng như nhận thức và kỹ năng dạy nghề của giáo viên”.

Từ đánh giá đó, vị lãnh đạo này nhận định: Khả năng các em ra trường có việc làm sẽ cao hơn. Các trường nghề đào tạo 70% là thực hành, nên các em học ngành nào cũng sẽ dễ ra làm được việc. Thứ hai, các lớp phát triển và các nghề đầu tư trọng điểm thì kỹ năng nghề các em được nâng cao, nâng lên về kỹ năng kiến thức, chu đáo hơn, hài lòng nhiều hơn đối với doanh nghiệp, xã hội.

Cũng về vấn đề này, ông Trương Phúc Hiếu cho hay: Áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế vào các trường nghề của Việt Nam là chuyện rất cần thiết. Chúng ta không lấy nguyên si của quốc tế, mà trên cơ sở hợp tác học được cách quản lý như thế nào, vấn đề nào quan trọng vấn đề nào không quan trọng để chúng ta áp vào thực tế để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nếu không có hệ thống này, tôi nghĩ có lẽ dạy nghề chúng ta sẽ khó có thể nắm bắt được cơ hội hội nhập mang lại.

“Tôi nghĩ trong hệ thống đào tạo nghề hiện nay đã có bước thay đổi tương đối tốt, nhất là những trường được Chính phủ, Bộ đầu tư trong thời gian qua. Khởi điểm như vậy tuy còn chậm nhưng có cơ sở để chúng ta tin rằng trong thời gian tới chất lượng đào tạo của chúng ta sẽ tương đương khu vực”- ông Hiếu khẳng định.

Tuy nhiên để các trường nghề có chỗ đứng hơn, việc thay đổi nhận thức của xã hội vẫn là điều rất thiết. Bởi theo nhận định chung của các chuyên gia giáo dục, xu hướng của xã hội hiện nay vẫn mong muốncon em mình vào bằng được ĐH.

Về điều này, lãnh đạo Trường CĐ nghề Cần Thơ chia sẻ: Để thay đổi quan niệm đó, hiện các trường nghề đang quan tâm đổi mới nâng cao chất lượng. Xã hội Việt Nam ai cũng muốn vào bằng được ĐH, dù không biết ra trường có làm được gì không, đấy là do bằng cấp và cơ chế vẫn còn rằng buộc nên cần phải gỡ. Về kỹ năng nghề, việc làm sau đào tạo, chúng tôi khẳng định các trường nghề thực hiện tốt hơn. Thế nên chúng tôi đang chờ luật mới sẽ có những thay đổi, tháo gỡ ràng buộc cho các trường nghề, ví dụ như ngạch bậc cho sinh viên CĐ nghề... Không thể 1, 2 năm thay đổi được nhận thức của người dân, nhưng cũng cần cho họ biết rằng, nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều cán bộ thành đạt cũng từ công nhân mà lên.

Để bức tranh đào tạo nghề sáng hơn, lãnh đạo nhiều trường nghề cho rằng: Ngoài thay đổi cơ chế, cần có sự ràng buộc giữa doanh nghiệp với người lao động. Ví dụ như ở nước ngoài, người học nghề họ đã được đảm bảo nghề trước. Khi họ học nghề điện tử, hay ô tô thì các doanh nghiệp đã đến đặt hàng. Khi học xong sẽ làm việc với cơ quan đó, nghĩa là học nghề ra sẽ có việc làm ổn định theo nghề của mình. Còn ở Việt Nam thì chưa, chỉ có một số trường có dự án nước ngoài đảm bảo được điều này. Vì thế, học nghề chưa có gắn kết nhiều với doanh nghiệp trong xã hội. Mà chủ yếu ký kết hỗ trợ trong quá trình học như cho học bổng, học phí…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rào cản đối với các trường nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO