Rõ quy chế tự chủ

Minh Thủy 09/11/2022 06:00

Tại văn bản số 7499, ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Lâu nay việc tự chủ bệnh viện đã nhận được rất nhiều ý kiến, nhất là trong bối cảnh nhiều cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc, thôi việc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân vì sao chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy; làm rõ bài học kinh nghiệm; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.

Trước đó, ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi Đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, 2 bệnh viện triển khai thực hiện là Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện. Về phía Bộ Y tế cũng đã có báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 ngày 19/5/2019 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K; 2 bệnh viện này sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60 ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.

Trên thực tế, suốt thời gian qua việc tự chủ toàn diện, xã hội hóa bệnh viện đã gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả. Trước tình hình đó, ngày 7/9/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 279 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về tự chủ bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Cùng cần nhắc lại, ngày 18/8, bà Đào Hồng Lan (khi đó là Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế) đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai. Tại buổi làm việc, lãnh đạo bệnh viện đã xin dừng triển khai thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33; đồng thời đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tự chủ bệnh viện không phải là việc mới, từng là “ao ước” của hệ thống bệnh viện công lập. Tuy nhiên, việc vận hành trong thực tế lại nảy sinh nhiều vướng mắc mà bản thân các bệnh viện không giải quyết được. Trong đó, hai điểm mấu chốt nổi lên là tự chủ về tài chính và tự chủ nhân sự. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa cũng bất cập khi hành lang pháp lý chưa rõ cũng như đã có sự lạm dụng để trục lợi, không ít trường hợp vi phạm pháp luật.

Trở lại vấn đề Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin thôi tự chủ toàn diện, tham gia giải trình trước Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng hiện nay huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn. Các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin tự chủ một phần, thì điều đó cũng hợp lý.

"Khi xây dựng cơ chế tự chủ cần thận trọng, chắc chắn và tránh làm theo phong trào" - ông Phớc nêu quan điểm.

Từ góc nhìn khác, một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng việc các bệnh viện lớn, danh tiếng xin thôi tự chủ cho thấy bất cập của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, những bất cập đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình.

Từ đó ông Cường đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào luật quy định về tự chủ của bệnh viện công. Phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn thu từ ngân sách...

Như đã nói, tự chủ bệnh viện là xu hướng nhưng trong bối cảnh hiện nay tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo. 2 bệnh viện lớn danh giá là Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm đã xin thôi tự chủ toàn diện càng cho thấy điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rõ quy chế tự chủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO