Rõ tiêu chí để đánh giá cán bộ

Nguyên Khánh 17/08/2017 09:10

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời có những định hướng để về xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Những quy định này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, của cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

: Làm rõ các quy định để đánh giá, bổ nhiệm đúng cán bộ

Quy trình để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ đều đã có và nằm rải rác trong các luật. Tuy nhiên, Quy định của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa hơn các quy định liên quan đến cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định càng cụ thể, chi tiết thì thực tiễn có vụ việc cán bộ sai phạm sẽ là căn cứ để xử lý nghiêm.

Chẳng hạn quy định trách nhiệm của cán bộ cấp cao trong việc bổ nhiệm người nhà cái này đã có trong một số luật. Thế nhưng người ta vẫn lợi dụng kẽ hở, vẫn đúng quy trình mà kết quả là người được bổ nhiệm lại không xứng đáng. Tuy nhiên, với quy định mới này do Bộ Chính trị mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký chắc chắn có tác dụng trực tiếp đến công tác cán bộ gây nhiều bức xúc hiện nay. Đặc biệt, việc quy định rõ trách nhiệm của cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ phá vỡ định kiến chỉ xử lý cán bộ từ vai trở xuống. Sẽ không có vùng cấm trong xử lý cán bộ.

Tuy nhiên, còn một điều băn khoăn đó là quy định về “tham vọng quyền lực” thì đánh giá thế nào? Có phải là những biểu hiện như, cán bộ giấu giếm khuyết điểm của mình; sự vô trách nhiệm của những người làm công tác cán bộ không xác minh đầy đủ; kê khai thiếu trung thực để “leo cao chui sâu hơn”; bất chấp mọi nguyên tắc, quy tắc, khiếm khuyết để tô hồng, tung hô cho một con người, giúp họ lọt qua được tất cả các bước trong quy trình, làm cho việc bố trí cán bộ không đúng gây nguy hại cho đất nước, cho dân tộc. Vấn đề này phải chi tiết ra nếu không sẽ chỉ là định tính. Phải định lượng được. Bởi người tham vọng có bộc lộ không, người ta có thừa nhận không? Cần phải cụ thể hóa vấn đề này hơn nữa.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Uốn nắn cán bộ cấp cao để làm gương cho cấp dưới

Những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước mới mang tính định hướng, yêu cầu. Tuy nhiên, thêm một lần nữa Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của mình để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp, lấy lại niềm tin của người dân. Quyết tâm ấy cho thấy, bên cạnh hành động có cả quy định, chủ trương cụ thể, nói đi đôi với làm. Quy định được đưa ra trong bối cảnh Đảng ta đang trong “chiến dịch” chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng đạo đức một cách quyết liệt với việc một loạt cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật, có thể xem quy định này như là một quyết tâm nữa của Bộ Chính trị trong việc xử lý kiên quyết những cá nhân sai phạm, đặc biệt là những cán bộ cấp cao. Quy định này không chỉ nhằm vào các cán bộ cao cấp mà thực chất nó còn như một sự nhắn nhủ các cán bộ cấp dưới nhìn gương của cán bộ cấp trên để làm theo.

Quy định này rất có ý nghĩa với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng. Dư luận cho rằng, chỉ có xử lý mạnh tay, kiên quyết thì Đảng mới lấy lại được lòng tin của người dân, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Cán bộ là đầy tớ của dân thì không thể “vinh thân phì gia”, không lo phục vụ dân.Quy định này được quan tâm bởi đổi mới công tác cán bộ nói chung và đặc biệt là để giải quyết những yếu kém trong đánh giá sử dụng cán bộ nói riêng đã trở thành một đòi hỏi cấp bách trong quá trình đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Ông Tạ Đức Bốn.

Ông Tạ Đức Bốn, cán bộ hưu trí phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội: Kịp thời chấn chỉnh sai phạm của cán bộ cao cấp

Chọn cán bộ phải có tiêu chuẩn, không dính đến tham nhũng, lợi ích nhóm, những người này phải thật sự vì nước vì dân, gương mẫu. Tham nhũng, lợi ích nhóm lôi kéo nhau làm xói mòn trong Đảng. Những người nào hiểu được tâm tư nguyện vọng của quần chúng, đồng cam, cộng khổ với nhân dân thì những người đó thật sự có bản chất cộng sản để đảm đương công việc của Đảng và Nhà nước.

Theo quy định của Bộ Chính trị ban hành, các cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; mẫu mực về phẩm chất đạo đức; đồng thời phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, cơ hội, không để người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi....Người dân rất mong những quyết sách của Đảng sẽ vào cuộc sống, để xử lý nghiêm cán bộ yếu kém, không đặt lợi ích của của đất nước, của tập thể lên trên. Những quy định này sẽ là cơ sở, nền tảng cho việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo trong các khóa tới, trên cơ sở đó tìm được đúng người hết lòng phụng sự nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rõ tiêu chí để đánh giá cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO