Robot đặc biệt trong mùa dịch

Việt Hà 18/05/2021 08:30

Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2) vừa đưa vào ứng dụng hệ thống robot y tế hiện đại của Việt Nam với tên gọi là Vibot-2. Đây là đề tài cấp nhà nước do Bộ Khoa học Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự.

Robot phát thuốc cho người bệnh tại BV Bắc Thăng Long.

Hệ thống robot này khi làm nhiệm vụ tại BV Bạch Mai (cơ sở 2) - nơi đang điều trị và cách ly các bệnh nhân Covid-19 có 2 lần âm tính SARS-CoV-2, sẽ hỗ trợ công tác vận chuyển, thăm hỏi người bệnh trong khu vực cách ly. Robot này cũng có thể vận chuyển nhu yếu phẩm, thuốc men, rác thải và xây dựng được bản đồ đường đi, hỗ trợ khám chữa bệnh, phối hợp làm việc nhóm.

Ngay khi bắt đầu dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Khoa học công nghệ đã “đặt hàng” Viện Khoa học quân sự chế tạo robot để phục vụ trong BV. Nỗ lực hết sức có thể, chỉ trong 3 tuần Viện đã hoàn thành nhiệm vụ. Robot Vibot phiên bản 1a đã được thử nghiệm đầu tiên ở BV Bắc Thăng Long.

Tại đây, nó có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt từ buồng bệnh ra khu tập kết.

Robot Vibot-1a được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, nó có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Mọi hoạt động của hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.

Đặc biệt, Vibot-1a có khả năng phát hiện và tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động đã giúp Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn.

Từ những phản hồi tích cực của BV, những ưu điểm đã được nhìn thấy rõ rệt từ Vibot 1a, Bộ Khoa học Công nghệ tiếp tục đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự robot thứ hai. Và những robot này đã đáp ứng đủ điều kiện mà Bộ yêu cầu. Đấy là phải tương tác với nhau, hoạt động độc lập và tự vẽ được bản đồ trong môi trường BV.

Cùng với Vibot1a và Vibot-2, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo robot hỗ trợ nhân viên y tế trong khử khuẩn lau sàn nhà (NaRoVid)”, cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Ứng dụng công nghệ thực hiện. NaRoVid đã được mang đến ứng dụng thử nghiệm tại BV bệnh Nhiệt đới trung ương. Nó có thể tự động di chuyển trong buồng khám bệnh, len lỏi vào các ngóc ngách của buồng bệnh để phun khử khuẩn và lau sàn nhà. Sau khi thuần thục làm nhiệm vụ, NaRoVid lại tự động về vị trí sạc điện. Đặc biệt, người máy này còn có thể khử khuẩn chính mình trước khi đi ra khỏi phòng cách ly, đảm bảo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nói như GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm, đối với bệnh truyền nhiễm thì việc lây nhiễm chéo rất là nguy hiểm. Chính vì thế, việc hạn chế được nhân viên y tế phải tiếp xúc quá nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh là giải pháp tốt vào thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Những kết quả trên cho thấy sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng của Bộ Khoa học Công nghệ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Và điều đó cũng chứng minh rằng, các nhà khoa học Việt Nam có khả năng đáp ứng rất nhanh trong các tình huống khẩn cấp. Những nghiên cứu này không chỉ phục vụ ngay trong thời điểm dịch Covid-19 mà còn là bước tích lũy để triển khai công nghệ cho rất nhiều sản phẩm khoa học sau này.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại hình robot khác nhau có thể ứng dụng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bao gồm: Robot lễ tân, robot điều dưỡng (trong khu vực bệnh viện), robot cứu thương, robot tư vấn sức khoẻ từ xa, robot phục vụ trong bệnh viện, robot làm vệ sinh, robot phun xịt thuốc khử trùng, robot phẫu thuật, robot xạ trị, robot phục hồi chức năng, robot thực phẩm và robot giao hàng ngoài trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Robot đặc biệt trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO