Rối ren nhập khẩu phim

Minh Quân 28/12/2020 07:15

Quá trình hội nhập, phim nước ngoài tràn vào các rạp của Việt Nam là điều đương nhiên. Nhưng thực tế thì việc quản  lý của cơ quan chức năng và khai thác của doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn.

Phim nước ngoài trên truyền hình.

Theo Cục Điện ảnh, việc cấp phép nhập khẩu đối với tất cả các văn hóa phẩm có nội dung là phim hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Phim cấp phép bao gồm phim chiếu trên các Đài truyền hình; phim nhập bản mẫu giới thiệu, trình duyệt; phim phục vụ mục đích giảng dạy, nghiên cứu…

Khi Đài Truyền hình hoặc doanh nghiệp đề nghị nhập phim, Cục Điện ảnh ra giấy phép nhập khẩu (thời hạn theo quy định là không quá 2 ngày làm việc). Doanh nghiệp cầm giấy phép ra Hải quan (với trường hợp nhập qua cửa khẩu) nhận bản phim mang về Cục Điện ảnh giám định. Trong thời hạn không quá 12 ngày, Cục Điện ảnh giám định và ra biên bản giám định. Trường hợp nhập phim qua đường truyền internet thì Cục Điện ảnh vẫn phải cấp giấy phép nhập khẩu (theo khoản 1 điều 3 Nghị định 32), các doanh nghiệp sẽ tải phim về và gửi lên Cục để giám định.

Với những văn hóa phẩm nhập ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất và các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại phía Nam thì Bộ VHTTDL đã ủy quyền cho Sở VHTT TP HCM làm thủ tục giám định và cấp Biên bản giám định bàn giao. Với những văn hóa phẩm nhập ở cửa khẩu Nội Bài và các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại phía Bắc, Cục Điện ảnh làm thủ tục giám định và cấp biên bản giám định.

Tuy nhiên, với những quy định trên lại đang “làm khó” chính các cơ quản lý, nếu không nói là điều không tưởng. Đơn cử như một bộ phim truyền hình nhập về có độ dài trung bình là 50 – 100 tập (nhiều phim có thể lên đến hàng trăm tập) Cục Điện ảnh thực tế không có đủ cán bộ và thời gian để giám định toàn bộ nội dung số lượng phim lớn như vậy trong khoảng thời gian 12 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh không thể thành lập hội đồng để thực hiện công việc này. Vì hiện nay thủ tục cấp phép này “không thu phí” (theo Quyết định 2741 về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực xuất nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL).

Chưa kể theo Thông tư 260 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung văn hoá phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không bao gồm văn hoá phẩm có nội dung là phim. Do đó, những cán bộ làm công tác giám định phim nhập khẩu theo Nghị định 32 hiện nay đang mất rất nhiều thời gian và công sức thẩm định phim nhưng không có thù lao vì không có văn bản nào quy định việc thu phí, lệ phí đối với công tác này. Ngoài ra, thực tế bản phim nhận về (từ Hải quan còn niêm phong mang thẳng đến cơ quan giám định) là phim nước ngoài, chưa có phụ đề/thuyết minh tiếng Việt nên công việc giám định hiện nay chỉ mang tính hình thức.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp muốn nhập phim bộ (50 – 500 tập/1 bộ phim) để mua bán hoặc kinh doanh, nhập phim chiếu trên các phương tiện vận chuyển (hàng không …) để khai thác thì không thể nhập phi thương mại. Bởi nếu nhập theo hình thức thương mại (theo Thông tư 28 của Bộ VHTTDL) thì Cục Điện ảnh sẽ là đơn vị duyệt và cấp phép.

Thế nhưng, những bộ phim này lại không phát hành trên hệ thống rạp mà sẽ phát hành trên các hạ tầng OTT, hệ thống truyền hình trả tiền, trên internet… mà hiện nay chưa có quy định về cơ quan nào có chức năng thẩm định nội dung phim trên internet, và hình thức thẩm định là tiền kiểm hay hậu kiểm.

Với những khúc mắc trên, việc nhập khẩu phim nước ngoài hiện nay gần như phải đi “đường vòng”, nếu không nói là “đi chui”. Cho dù theo quan điểm của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho rằng, riêng phim nhập khẩu, quá trình thẩm định, phân loại phải do hội đồng của Bộ VHTTDL đảm nhận. Các vấn đề chính trị, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo… cần được nhìn nhận, đánh giá một cách cẩn trọng.

Nói là vậy, nhưng thực tế trên môi trường internet hiện nay các bộ phim điện ảnh nước ngoài đang xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát. Mặc dù, các cơ quan quản lý đã “tuýt còi” một số trang phim, nhưng dường như cũng chỉ là “muối bỏ biển”.

Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng bảo mật yếu kém, nhiều tác phẩm điện ảnh trên các kênh truyền hình kỹ thuật số đã bị kẻ gian ăn cắp rồi phát tán tràn lan trên internet.

Không cần vào một trang mạng có phim lậu cụ thể, người dùng chỉ cần vào các mạng xã hội như Youtube để gõ tên một bộ phim điện ảnh nước ngoài là có thể tìm kiếm được vô số tác phẩm đã từng làm mưa làm gió trên thị trường trong thời gian.

Nghiêm trọng hơn, đây đều là những bản phim có chất lượng ở định dạng HD (truyền hình độ nét cao), do đó nếu không giải quyết triệt để nạn ăn cắp bản quyền trên không gian mạng, các nhà sản xuất và phát hành phim điện ảnh Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

“Mới đây, Cục Điện ảnh đã có đề xuất trên cơ sở mới chỉ có 3 đài truyền hình được Bộ TTTT cấp phép thành lập Hội đồng thẩm định phim, đó là: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP HCM và Đài Truyền hình Vĩnh Long. Cần có quy định thu phí, lệ phí phục vụ công tác thẩm định hồ sơ, giám định văn hoá phẩm và thành lập Hội đồng giám định để giám định tất cả những văn hóa phẩm nhập khẩu có nội dung là phim chiếu trên đài truyền hình, kênh truyền hình không có Hội đồng thẩm định phim”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rối ren nhập khẩu phim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO