Rộng quyền cho kiểm ngư

T.Dương 18/08/2015 08:10

Ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề xung quanh Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đối với lực lượng Kiểm ngư, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung thẩm quyền điều tra, vì đây là lực lượng đặc thù, hoạt động trên biển.

Kiểm ngư- lực lượng quan trọng bảo vệ ngư dân vươn khơi. (Ảnh: TL).

Người bị tạm giam, tạm giữ: Chưa mất quyền công dân

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, nhiều khi việc tiến hành tạm giữ, tạm giam là để bảo vệ nhân chứng hay điều tra làm rõ vụ án. Khi chưa có bản án thì chưa có tội nên họ có đầy đủ quyền công dân. Cho nên cần làm rõ họ được quyền gì?

Theo ông Phước, khi bị tạm giữ có sự quản lý của nhà nước nên họ có quyền gặp thân nhân. Cho phép gặp nhưng quy định ra sao để đảm bảo quyền con người; quyền nhận hàng phải nói rõ nội quy như không được đem vũ khí, chất cháy, nổ và tất cả hàng phải bị kiểm soát chặt chẽ. Quyền tiếp cận thông tin đối với người thân thì được tiếp cận ở mức độ nào? Có quyền được gọi điện thoại ra ngoài không? Ở các nước có điện thoại công cộng cho gọi điện thoại ra ngoài. Vậy ta có cho phép không? Nếu không cho phải ghi cho rõ.

“Hay như người bị tạm giam thì phải làm rõ họ có được nhận và gửi thư ra ngoài không? lộ trình giải quyết như thế nào? Nhất là vấn đề tiếp cận thông tin đời sống xã hội. Ví dụ lãnh đạo một doanh nghiệp bị tạm giữ 5 ngày không ký được các hợp đồng giao dịch thì doanh nghiệp có thể có nguy cơ bị phá sản. Vậy xử lý thế nào? Phải đảm bảo quyền công dân cho họ bởi lúc này họ vẫn chưa phải người có tội”- ông Phước đặt vấn đề.

Bày tỏ quan điểm nhà tạm giam, tạm giữ chuyển cho Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để có tính độc lập khách quan, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, cùm chân cần cân nhắc kỹ vì người bị tam giam, tạm giữ chưa phải là người có tội nên quyền của họ phải được bảo đảm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Người bị tạm giam, tạm giữ vẫn là công dân, họ chưa bị xử án kết tội nên chưa bị hạn chế quyền công dân. Do đó người bị tạm giữ, tạm giam phải có khu riêng, không thể chung với người ở tù.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, giám sát oan sai của Quốc hội vừa qua cho thấy có nhiều nội dung có sai phạm trong tạm giữ, tạm giam. Vì vậy không nên giao việc tạm giam, tạm giữ cho Tổng cục Cảnh sát mà giao cho Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thì mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Theo ông Phong, khiếu nại tố cáo trong quá trình tạm giữ, tạm giam cần giao cho Viện Kiểm sát còn để ở cơ quan quản lý trại giam thì không thực hiện được, bởi các đối tượng bị cách ly khỏi xã hội, không dám khiếu nại người đang giam giữ mình. Vì vậy giao cho Viện Kiểm sát là hợp lý.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội phân tích: Giải quyết khiếu nại tố cáo nên giao thẩm quyền cho Viện Kiểm sát vì Hiến pháp đã giao cho Viện Kiểm sát giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.

“Vì vậy giao thẩm quyền cho Viện Kiểm sát là phù hợp với Hiến pháp. Mặt khác Luật Tổ chức Viện Kiểm sát được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/6 cũng đã nêu rõ cách giải quyết. Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị cũng nêu trách nhiệm của Viện Kiểm sát đối với việc khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực hoạt động tư pháp nhất là vụ việc có dấu hiệu oan sai. Việc giao thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho Viện Kiểm sát là hợp lý”- ông Hiền cho hay.

Kiểm ngư là chỗ dựa tin cậy của ngư dân.

Chưa trao quyền điều tra cho thuế, chứng khoán

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, tình hình điều tra tội phạm có thay đổi, diễn biến phức tạp nên vấn đề tổ chức cũng phải đặt ra để phù hợp. Cụ thể, các vi phạm về thuế, chứng khoán, tội phạm trên biển ngày càng gia tăng nên có thể giao cho các cơ quan trên một số công việc điều tra ban đầu, có thể tiến hành trong phạm vi 7 ngày, lập tức kết luận xử lý hành chính hoặc giao cho cơ quan điều tra thụ lý tiếp.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, hoạt động kiểm ngư, thuế, chứng khoán đều là lĩnh vực có tính đặc thù. Kiểm ngư chủ yếu hoạt động trên biển, Cảnh sát biển hoạt động theo vùng, kiểm ngư đóng theo đơn vị hành chính nên việc phối hợp hoạt động có khó khăn. Tương tự, những sai phạm về thuế hay chứng khoán cũng tồn tại dưới nhiều dạng, nếu đơn vị điều tra ban đầu sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn sớm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các vấn đề trên biển hiện nay khác trước rất nhiều, thực tiễn đặt ra rất nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, không chỉ là vấn đề giao thương mà còn là vi phạm môi trường, quan hệ quốc tế đều cần phải xử lý ngay trên biển. Do đó cũng cần mở rộng thêm một số thẩm quyền điều tra cho cơ quan kiểm ngư.

Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, chỉ có duy nhất lực lượng kiểm ngư là cần thiết phải bổ sung thẩm quyền điều tra. Theo Chủ tịch Quốc hội, đã giao cho lực lượng kiểm ngư thẩm quyền điều tra thì đừng quá hạn chế bởi phạm vi hoạt động trên biển mênh mông, tìm được công an hay cơ quan điều tra tức thời là rất phức tạp.

“Giao quyền đến đâu thì tính cho kỹ, nhưng không chuyển họ thành cơ quan điều tra mà phải tìm một cái tên cho thích hợp. Tuy nhiên, khi đã có quyền lớn thì cũng phải có trách nhiệm lớn đi kèm, nếu làm sai hay vi phạm thì phải chịu trách nhiệm, không phải muốn làm thế nào thì làm”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Riêng đối với cơ quan thuế và chứng khoán, Chủ tịch QH cho rằng chưa cần thiết giao cho thẩm quyền điều tra, thêm lắm lại có quyền bắt người rồi phức tạp. Thuế cũng điều tra, chứng khoán cũng điều tra thì rối. Do đó chỉ nên nghiên cứu thêm lực lượng kiểm ngư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rộng quyền cho kiểm ngư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO