Rốt cuộc ai phải khóc đây

Lê Anh Đức 06/12/2016 11:10

Câu “cha chung không ai khóc...” của người xưa là để ám chỉ việc có quá nhiều người được giao làm một việc, để rồi cuối cùng chẳng ai làm cả vì ai cũng nghĩ đó không phải là việc của mình. Xưa cũng vậy, nay cũng thế. Nhiều lĩnh vực hiện có sự quản lý chồng chéo của các bộ ngành, cơ quan nào cũng giành phần quản lý, nhưng hậu quả thì chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Rốt cuộc ai phải khóc đây

Việc quản lý phân bón hiện đang có sự chồng lấn và giao thoa trong quản lý.

Theo thống kê, hiện có khoảng vài chục đầu việc đang có sự quản lý chồng chéo của các bộ, ngành. Đơn cử như việc quản lý lưu vực sông giữa Bộ TNMT với Bộ NN&PTNT; việc quản lý an toàn thực phẩm giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; quản lý về địa chất, tài nguyên khoáng sản và khai thác khoáng sản giữa Bộ TNMT, Bộ Công thương và các địa phương; việc quản lý bán đầu giá tài sản của Nhà nước giữa Bộ Tài chính với Bộ Tư pháp; việc quản lý các loại phân bón giữa Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT...

Sự chồng chéo trong khâu quản lý nhà nước không chỉ khiến “việc không trôi”, mà còn nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực. Chính các “tư lệnh ngành” cũng đã nhìn ra những bất cập, những hệ quả xấu phát sinh từ việc chồng lấn, giao thoa trong công tác quản lý nhà nước giữa các bộ.

Chẳng thế mà tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, việc quản lý phân bón hiện đang có sự chồng lấn và giao thoa trong quản lý giữa Bộ này và Bộ NN&PTNT. Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, hiện đang có sự bất cập rất lớn trong quản lý phân bón ở Việt Nam.

Chính từ sự bất cập, chồng chéo trong quản lý phân bón giữa 2 Bộ NN&PTNT với Bộ Công thương nên thời gian qua nạn phân bón giả đang hoành hành, không chỉ gây điêu đứng cho người nông dân mà còn làm thoái hóa, bạc màu đất. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong 11 triệu tấn phân bón được sử dụng mỗi năm có tới 10 triệu tấn là phân vô cơ.

Phân hữu cơ thì Bộ NN&PTNT quản lý, phân vô cơ lại do Bộ Công thương quản lý. Bộ Công thương chịu trách nhiệm sản xuất, nhập khẩu phân hóa học khiến nông sản không sạch, chất lượng không cao, môi trường ô nhiễm, đất bị giảm độ phì nhiêu... tất cả những hệ lụy đó lại là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT

Đồng cảm với người cùng cấp, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, tới đây sẽ siết chặt lại thị trường phân bón (vô cơ), giới hạn lại số lượng, không để quá nhiều loại như hiện nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị việc quản lý phân bón cần quy về một mối, do một bộ quản lý, ngoài mục đích kiểm soát tốt việc nhập khẩu, chế biến, sử dụng các loại phân bón, còn tránh việc một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, lưu hành phân bón giả, gây thiệt hại cho người nông dân.

Đó là chỉ bàn riêng về phân bón. Nhìn rộng ra còn khá nhiều lĩnh vực khác do có sự chồng chéo trong khâu quản lý nhà nước khiến lĩnh vực đó không những khó phát triển, khó kiểm soát, mà còn tạo những lỗ hổng lớn để các đối tượng xấu lợi dụng.

Tỷ dụ như việc kiểm soát an toàn thực phẩm đang có sự “dấp dính” giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT. Kiểm dịch thú ý thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT, song vệ sinh an toàn thực phẩm lại thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Nói cách khác, một con lợn sau khi bị giết sẽ do ngành thú y đóng dấu kiểm dịch, còn khi nó gây hậu quả nào đó đối với người tiêu dùng sẽ là trách nhiệm của ngành y tế.

Hay đơn cử như việc lâu nay vì sao chúng ta khó kiểm soát hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả thẩm lậu qua biên giới? Lý do chẳng phải cũng khá rõ ràng rồi hay sao?

Đó là vì tại các cửa khẩu có nhiều cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ kiểm soát hàng lậu như: Biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... Vậy nên khi có hàng lậu thẩm thấu qua biên giới tuồn vào thị trường nội địa, nếu không bị phát hiện thì coi như xong, còn nếu bị lộ và cần phải truy cứu trách nhiệm thì chẳng có cơ quan hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả, vì đó là... trách nhiệm chung.

Các chuyện gia luật cho rằng, sở dĩ có sự giao thoa, chồng lấn trong khâu quản lý nhà nước là do quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, trong phân công nhiệm vụ có sự trùng lặp chức năng giữa các bộ.

Mặt khác, do các bộ, ngành được phân công soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực do không có cách nhìn tổng thể nên có sự khu biệt, dẫn đến chồng chéo với ngành khác.

Từ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ nên khi chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện, các bộ, ngành thường có sự cục bộ lĩnh vực, dẫn đến thiếu thống nhất về thẩm quyền và trách nhiệm.

Nếu như sự giao thoa, chồng lấn về thẩm quyền cũng như trách nhiệm khiến công tác quản lý nhà nước tốt hơn, công việc trôi chảy hơn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn thì chẳng có gì để nói.

Song, chính từ cái sự “cha chung” ấy lại khiến công việc bị đình trệ, lĩnh vực ngành chậm phát triển nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ, phát sinh tiêu cực từ chính những người được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, chứ chưa nói đến một số đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở pháp luật... Và rốt cuộc thì chỉ có người dân là phải gánh chịu hậu quả từ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, chỉ có họ mới thực sự là người phải khóc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rốt cuộc ai phải khóc đây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO