Rừng Amazon cháy dữ dội

Thế Tuấn (theo Business Insider) 26/08/2019 07:00

Kể từ ngày 13/8, người ta đã phát hiện rừng mưa nhiệt đới Amazon- lá phổi xanh của Trái đất bắt đầu bốc cháy. Tới nay, “bà Hỏa” vẫn tung hoành. Khói của những đám cháy che biến ban ngày của thành phố Sao Paulo thành đêm đen. Trong khi đó, các bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân cháy rừng.

Rừng Amazon cháy dữ dội

Bản đồ cho thấy các đám cháy xuất hiện trên diện rộng Ảnh: Global Forest Watch.

Thảm họa…

Từ ngày 13/8, từ vệ tinh trên không, người ta đã phát hiện thấy khoảng 3.000 đám cháy ở rừng Amazon. 2 ngày sau, ngày 15/8, hơn 9.500 đám cháy được phát hiện, chủ yếu ở khu vực lòng chảo Amazon. Các ngọn lửa đỏ rực cùng những đám khói đen dày đặc nhìn thấy từ ngoài không gian do vệ tinh của NASA ghi nhận cho thấy mức độ nghiêm trọng của tai họa này.

Theo Tổ chức Theo dõi rừng thế giới (Global Forest Watch), đã có hơn 109.000 báo động cháy ở Brazil từ ngày 13 đến ngày 21/8. Tổ chức này cũng cho biết, đã ghi nhận được hơn 74.000 đám cháy ở Brazil trong năm 2019 - gần gấp đôi con số 40.000 của năm 2018. Ngày 19/8, Amazonas, bang lớn nhất của Brazil tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Các đám khói dày đặc lan ra từ bang Amazonas tới bang Para và Mato Grosso lân cận. Theo các nhà khí tượng Brazil, các đám cháy ở Amazon lớn đến mức khói đen từ rừng rậm đã lan tận đến Sao Paulo cách hơn 2.700 km. Khói bụi che lấp ánh nắng giữa trưa, khiến bầu trời thành phố này ngày 20/8 bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm. Chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố một báo cáo cho thấy khói bụi do cháy rừng Amazon lan rộng kinh hoàng, từ Brazil đến tận phía Đông Đại Tây Dương. Khói đen bao phủ gần 1/2 đất nước Brazil, lan sang cả các láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.

Rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái đất. Những cánh rừng nguyên sinh tại đây mang ý nghĩa sống còn trong nỗ lực giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Đó cũng là mái nhà của vô số các loài động vật và thực vật mà các nhà khoa học thậm chí còn chưa đặt tên hết.

Rừng Amazon cháy dữ dội - 1

Khỉ mẹ đau khổ khi khỉ con bị chết do rừng Amazon bốc cháy.

Và đổ lỗi

Nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa này là gì? Người ta vẫn tiếp tục “mổ xẻ”, đáng chú ý đã xuất hiện những cáo buộc dành cho Tổng thống và Chính phủ Brazil.

Trong số những cáo buộc đó, có cáo buộc của các nhóm bảo vệ môi trường, chỉ trích tình trạng nguy cấp hiện nay tại Amazon có bàn tay của Tổng thống Jair Bolsonaro. Vị chính trị gia cực hữu nhậm chức vào đầu năm 2019 đã nới lỏng nhiều quy định về môi trường tại Brazil, “không khác gì việc cổ súy phá rừng”. Còn nhớ, khi vận động tranh cử, ông J.Bolsonaro từng tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế quốc gia bằng cách khai phá tiềm năng kinh tế tại Amazon.

Đối phó với những cáo buộc, ông J.Bolsonaro đã sa thải nhà Vật lý học Ricardo Galvao- Giám đốc INPE (Viện Nghiên cứu không gian quốc gia), đồng thời phủ nhận cáo buộc phá rừng. Trước đó, ông J.Bolsonaro cũng đã bác bỏ kết quả nghiên cứu của INPE về tình trạng rừng biến mất nhanh đến kinh hoàng tại Amazon, với tổng diện tích bị tàn phá đạt gần 4.500 km2 chỉ trong 7 tháng qua.

Còn Carlos Rittl- Tổng Thư ký Tổ chức Đài quan sát Khí hậu cho rằng, chính sách ủng hộ doanh nghiệp “bằng mọi giá” của Tổng thống Brazil đã cổ súy nông dân, thợ mỏ và cả lâm tặc tiến sâu hơn vào các cánh rừng Amazon. Chính việc can thiệp cấp liên bang khiến việc khai phá trái phép rừng rậm nhiệt đới trở nên dễ dàng. Tổ chức Hòa bình Xanh đã gọi ông J.Bolsonaro và Chính phủ của ông là “mối đe dọa đối với cân bằng khí hậu toàn cầu”.

Đáng chú ý, Cơ quan môi trường Brazil đã bị cắt giảm gần 23 triệu USD ngân sách kể từ khi ông J.Bolsonaro nhậm chức. Trong khi đó, trước sức ép của dư luận, ông J. Bolsonaro lại “ngờ rằng” các tổ chức phi chính phủ là thủ phạm gây cháy rừng, do họ muốn trả thù việc cắt giảm ngân sách môi trường. “Họ đã gây nên những vụ việc này để tạo tâm lý tiêu cực chống lại tôi và Chính phủ Brazil. Chúng ta đang đối đầu với một cuộc chiến”- Tổng thống J.Bolsonaro nói nhưng không kèm theo bất kỳ bằng chứng nào.

Trong khi các bên đổ lỗi cho nhau, thì tiếc thay “lá phổi xanh” của Trái đất vẫn tiếp tục bị hủy hoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng Amazon cháy dữ dội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO