Rừng pơ mu ‘ứa máu’ vì lâm tặc

Tấn Thành - Chí Đại 15/07/2016 14:29

Sau khi lâm tặc rã gỗ pơ mu thành phách đem đi, những thân cây ứa nhựa trơ gốc vẫn còn đó đây, cành lá ngỗn ngang năm đầy cả khu rừng. Điều đáng nói, địa điểm phá rừng nằm cách “cơ quan chức năng” chừng vài cây số đường rừng.

Sau khi đăng tin về vụ “Lâm tặc tàn phá rừng pơ mu khủng” ở xã La Dêê, huyên Nam Giang, Quảng Nam (số ra ngày 14/7), chúng tôi quay lại hiện trường. Những gì chứng kiến cho thấy lâm tặc đã tàn phá rừng pơ mu với mức độ hết sức nghiêm trọng.

Tại hiện trường, các cơ quan chức năng đã kiểm đếm có khoảng 60 cây gỗ pơ mu đã bị lâm tặc triệt hạ, chứ không phải như thông tin ban đầu là có khoảng 30 cây.

Rừng pơ mu ‘ứa máu’ vì lâm tặc

Gỗ pơ mu lâm tặc khi thác bị còn để lại hiện trường.

Sau khi triệt hạ, những thân gỗ lớn được bọn chúng rã thành phách đem đi, những thân cây ứa nhựa trơ gốc vẫn còn đó đây, cành lá ngỗn ngang năm đầy cả khu rừng.

Thậm chí tại hiện trường có khoảng 5m3 gỗ phách được xẻ theo quy cách vẫn còn chất đống chưa kịp vận chuyển đến nơi tập kết.

Tại Trạm kiểm lâm địa bàn Chà Vàl, hàng trăm phách gỗ chất thành đống. Đây là số gỗ pơ mu mà trước đó lực lượng chức năng đã phát hiện tại khoảnh 5 tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717 thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang.

Những phách gỗ này được xẻ theo quy cách, có chiều dài 2,1 - 2,2 m. Đây là số gỗ pơ mu quý hiếm thuộc nhóm 2A, còn thơm mùi gỗ mới, với 280 phách, khối lượng 28 m3.

Cơ quan chức năng nhận định, để tàn phá rừng với số lượng gỗ khủng như vây, nhóm lâm tặc phải có ít nhất 10 người trở lên, ăn ở làm việc liên tục trong rừng.

Căn cứ theo dấu cưa, khả năng các gốc cây này mới bị chặt phá trong vòng một tháng trở lại đây. Đường kính gốc cây từ 40 cm trở lên, có những gốc lớn nhất đường kính lên đến 80 cm.

Nếu số gỗ này không kịp thời phát hiện thì lâm tặc sẽ được vận chuyển ra Quốc lộ 14D rồi đem về xuôi tiêu thụ. Còn hiện tại cơ quan chức năng xác định, bước đầu chưa có dấu hiệu tẩu tán bớt số gỗ tang vật.

Rừng pơ mu ‘ứa máu’ vì lâm tặc - 1

Một cây pơ mu mới bị triệt hạ còn ứa nhựa trơ gốc.

Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cho biết: “Chúng tôi nhận định khả năng vụ việc phá rừng này do các đối tượng thường xuyên khai thác gỗ trái phép bên Lào về lợi dụng khai thác trộm gỗ này, cất giấu, chờ thời cơ để vận chuyển gỗ tiêu thụ. Chúng tôi đang phối hợp để làm rõ các đối tượng này trong thời gian sớm nhất”.

Còn một cán bộ địa phương cho rằng, đây là vụ phá rừng pơ mu có số lượng lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay ở đại bàn này.

Điều đáng nói, số gỗ được tập kết trong rừng, nằm cách Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang chừng 500 m, còn địa điểm phá rừng nằm cách đó chừng vài cây số đường rừng.

Lâm tặc đã tàn phá rừng hàng tháng mà cơ quan chức năng không hề hay biết. Dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không sự bảo kê mà rừng pơ mu bị tàn phá với số lượng gỗ khủng như vậy?.

Nói về mức độ tàn phá rừng pơ mu, Phó trưởng Công an huyện Nam Giang, Trung tá Hà Thế Xuyên cho hay: “Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi nhận thấy vụ việc khá nghiêm trọng, cần thiết phải khẩn trương điều tra, xác minh. Hiện nay, công an và kiểm lâm đang tập trung lực lượng làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất”.

Tuy nhiên về câu hỏi trong vụ án này liệu có dấu hiệu có sự bảo kê cho lâm tặc của lực lượng chức năng hay không, đại diện Công an huyện Nam Giang cho rằng, hiện cCng an mới vào cuộc điều tra và chưa thể nói gì về điều này.

Rừng pơ mu ‘ứa máu’ vì lâm tặc - 2

.Số lượng gỗ pơ mu khủng mà lâm tặc khai thác bị phát hiện.

Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ.

Còn ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Đây là vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng, có quy mô lớn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cử Chi cục phó cùng cán bộ các phòng, ban liên quan đến hiện trường điều tra xử lý vụ việc. Chúng tôi sẽ dốc lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn tất khám nghiệm hiện trường, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án sớm nhất có thể”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng pơ mu ‘ứa máu’ vì lâm tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO