Rước họa vào thân vì mỹ phẩm trôi nổi

Đức Trân 20/08/2019 08:00

Hiện nay, các sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc da, làm đẹp… được rao bán tràn lan trên các website và mạng xã hội. Tin vào những lời quảng cáo “có cánh” về công dụng tuyệt vời của sản phẩm sau khi sử dụng, không ít người, đặc biệt là những cô gái trẻ đã mua các sản phẩm làm đẹp trên mạng về để sử dụng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng những sản phẩm đó, nhiều người đã phải nhập viện để điều trị.

Rước họa vào thân vì mỹ phẩm trôi nổi

Không nên dễ dãi giao phó sắc đẹp và sức khoẻ cho những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vừa qua, các bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (22 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị bội nhiễm virus, vi khuẩn nặng, tổn thương toàn bộ vùng da mặt vì sử dụng bột rửa mặt mua qua mạng.

Theo lời kể của bệnh nhân, sau 2 lần sử dụng một loại bột rửa mặt được quảng cáo online trên mạng thì thấy trên da bắt đầu xuất hiện triệu chứng nóng rát, ngứa ngáy khó chịu. Sau đó, bệnh nhân đã ngừng sử dụng sản phẩm này nhưng các triệu chứng ngứa rát vẫn không hề thuyên giảm khiến bệnh nhân gãi ngứa liên tục tạo ra nhiều vết xây xước trên da. Khi toàn bộ vùng da mặt xuất hiện các tổn thương nghiêm trọng như mụn nước và dập vỡ, để lại nhiều vết trợt và vảy tiết trên da, kèm theo sốt cao 38 độ C thì bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện để khám. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bội nhiễm virus và vi khuẩn nặng trên da cần phải điều trị tích cực.

BS Nguyễn Thuỳ Linh- Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (BV Da liễu Trung ương) cho biết, bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của bệnh Eczema Herpesticum - một bệnh da do virus Herpes simplex gây ra. Loại virus này hay gây bệnh trên những người có tổn thương da từ trước như: tổn thương chăm sóc da không đúng cách, bệnh lý về da như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa…

Thực tế cho thấy, trên thị trường xuất hiện rất nhiều các loại mỹ phẩm nhập lậu có gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… nhiều cơ sở kinh doanh trái phép chỉ vì lợi ích trước mắt đã tung ra thị trường các sản phẩm mỹ phẩm nhái, trà trộn vào hàng thật, hơn thế còn tích cực quảng cáo những sản phẩm này trên mạng với những lời quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm khiến người tiêu dùng không biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Theo TS.BS Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh (BV Da liễu Trung ương), để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa dối người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm mỹ phẩm những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hoá da thì da lại bị sạm nặng hơn. Trung bình, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh lý do mỹ phẩm giả, kém chất lượng gây ra.

BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (BV Da liễu Trung ương) cho hay, điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng, Việc điều trị, khắc phục dị ứng thường mất thời gian dài hoặc tốn kém về tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da đến suốt đời, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì.

Rõ ràng, làm đẹp là một nhu cầu chính đáng của nữ giới. Phụ nữ nên làm đẹp một cách thông minh, không nên dễ dãi giao phó sắc đẹp và sức khoẻ của bản thân cho những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo độ an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rước họa vào thân vì mỹ phẩm trôi nổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO