Sa sút trí tuệ ở người già: Cần được quan tâm đúng mức

Đức Trân 31/10/2022 09:00

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và hệ quả tất yếu là những chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật, cụ thể hơn là các bệnh lý liên quan tới tuổi già đang tăng lên đáng kể. Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải.

Trắc nghiệm sa sút trí tuệ tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Can thiệp sớm khi xuất hiện dấu hiệu

Thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cứ mỗi 3 giây trên thế giới lại có một người bị sa sút trí tuệ. Năm 2019, có 55 triệu người bị sa sút trí tuệ. Theo dự đoán, đến năm 2030, thế giới sẽ có 78 triệu người, và 2050 con số này tăng tới 139 triệu người mắc sa sút trí tuệ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Công Huân - Phòng Điều trị tâm thần người già, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam. Đáng lo ngại, có 60-80% người sa sút trí tuệ mắc bệnh Alzheimer - căn bệnh không thể chữa khỏi và là nguyên nhân thứ 6 dẫn đến tử vong. Căn bệnh này không chỉ gây gánh nặng về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Bác sĩ Lê Thị Phương Thảo - Phòng Điều trị bệnh tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần lý giải, sa sút trí tuệ là bệnh khá phổ biến tại nước ta nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đây là tình trạng suy giảm nhận thức - chức năng cao cấp của vỏ não, trí nhớ, ngôn ngữ, xử lý thông tin, quên cái này cái kia… “Nhiều người nghĩ việc không nhận ra người quen cũ, hay bị lẫn mất đồ đạc trong nhà… là bình thường. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ, cần can thiệp sớm. Sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi, nhưng những dấu hiệu sớm có thể xuất hiện từ độ tuổi 50” - bác sĩ Thảo nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Văn San - Phòng Tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Các triệu chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến, bao gồm: Thay đổi nhận thức; mất trí nhớ; khó giao tiếp hoặc tìm từ; khó khăn với khả năng thị giác và không gian…

Hoạt động trí não thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh

Theo các bác sĩ, sa sút trí tuệ được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, người bệnh giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm, lạc đường. Giai đoạn giữa, các triệu chứng rõ ràng hơn, người bệnh không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỉ niệm trong quá khứ, khó mặc quần áo phù hợp, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn... Giai đoạn cuối, người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi. Các triệu chứng càng ngày nặng lên, người bệnh cần sự hỗ trợ tất cả trong cuộc sống hàng ngày.

“Là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên không phải người già nào cũng sa sút trí tuệ, việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng, bởi khi ở giai đoạn đầu của bệnh cũng chính là giai đoạn vàng của việc can thiệp điều trị. Người bệnh được phát hiện, can thiệp điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer thì hiệu quả can thiệp rất hạn chế. Việc điều trị cũng cần có sự kết hợp nhiều biện pháp bao gồm cả hỗ trợ hành vi và sử dụng thuốc điều trị mới mang lại kết quả tốt nhất” - bác sĩ Huân nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng ngừa sa sút trí tuệ, người cao tuổi cần thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng. Người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng... Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy. Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Chính vì vậy việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh nên thực hiện sớm tại các cơ sở y tế uy tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sa sút trí tuệ ở người già: Cần được quan tâm đúng mức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO