Sắc màu Lùng Tám

Sùng Cường 11/11/2017 09:25

Bạo dạn, không sợ khó, sợ khổ, với một niềm tin, như câu nói của người Mông “gió thổi, núi đá cũng mòn”, thế rồi thương hiệu thổ cẩm Lùng Tám đã lọt vào mắt người tiêu dùng. Và điều đặc biệt hơn nữa, bằng việc phát huy thương hiệu này mà nhiều người dân Lùng Tám đã có việc, có cơ hội vươn lên cùng đá núi.

Quê hương Quản Bạ ngày một nổi danh với thương hiệu thổ cẩm Lùng Tám.

Trăn trở với nghề

Ở vùng đất “tam sơn” Quản Bạ (Hà Giang), bảng lảng của mây mù vây hãm, dệt thổ cẩm vốn là một công việc thường nhật, một nét văn hóa của người Mông trắng. Trong cuộc thiên di lớn lao, để duy trì cuộc sống, thì ngoài lương thực, người Mông trắng đã biết trồng lanh, se sợi để dệt váy áo chống chọi với những giá rét nơi ngút ngàn đá miền biên viễn.

Và nay, trong xu hướng hội nhập, người Mông trắng ở đây đã biết tận dụng thế mạnh của nghề truyền thống này, dệt, khâu các chủng loại hàng hóa đưa tới các vùng miền. Ngoài việc giới thiệu nét văn hóa thì nó còn đưa người dân nơi đây thoát nghèo.

Người được coi là táo bạo, có tầm nhìn vượt núi đá, có công trong việc khôi phục lại nghề dệt truyền thống này đầu tiên phải kể đến là anh Sùng Mí Quả - Chủ nhiệm đầu tiên của Hợp tác xã Lùng Tám. Trong màn sương ẩm lạnh, chập chờn ánh lửa củi, không gian mang mầu sắc hết sức huyền thoại, anh Quả tâm sự: Cuộc sống của người Mông chúng tôi là cuộc sống đấu tranh sinh tồn nghiệt ngã với tự nhiên. Chúng tôi phải “đánh nhau” với đá núi, với khí hậu thời tiết khắc nghiệt để giành lấy sự sống cho mình. Nguyên thủy của cuộc sống người Mông chúng tôi là một cuộc sống của sự tự cung, tự cấp. Cái gì cũng phải tự mình làm ra để nuôi sống mình. Ngoài ngôi nhà, lương thực, giọt nước thì váy, áo, khăn, mũ cũng phải tự trồng lanh để dệt lấy cho mình. Và như vậy, nghề dệt thổ cẩm cũng đã có nguồn gốc từ rất lâu đời.

Rồi anh Quả cho biết, là một nghề truyền thống đấy, lâu đời đấy, có tiếng đấy nhưng từ trước đến nay người Mông trắng ở Quản Bạ cũng như toàn Cao nguyên đá Hà Giang chỉ dừng lại việc sản xuất cho đủ dùng của mỗi gia đình. Thổ cẩm ở đây nổi tiếng, không thua kém thổ cẩm của các vùng miền, các dân tộc khác, nhiều người rất thích mua nhưng không có bán. Trong khi đó các nơi khác như thổ cẩm của người Mường ở Mai Châu – Hòa Bình, thổ cẩm người Mông hoa bên Lào Cai được người ta chú ý, sản xuất, giới thiệu hàng năm đem lại thu nhập cho bao người.

Sao không biết học người khác, sao không biết phát huy thế mạnh của mình để lấy tiền về. Cũng từ một suy nghĩ, một so sánh không đến mức khó khăn này mà anh Quả đã nẩy sinh một quyết định: Huy động mọi nhà có khung dệt, có nhân công dệt thổ cẩm để bán.

Tháng 8/1989 là ngày xôi động với xã Lùng Tám khi chính thức anh Sùng Mí Quả tìm lên Ủy ban Nhân dân đề xuất phương án xây dựng Hợp tác xã thổ cẩm Lùng Tám. Ban đầu toàn xã đã có 20 gia đình cắt cử ra 20 phụ nữ khéo tay, hay làm tham gia xã viên. Tài sản và phương thức hoạt động của Hợp tác xã này được định hình theo phương thức cổ phần, nghĩa là người dân tự mang tài sản là khung dệt và sợi lanh trồng được trong nhà ra đóng góp.

Thổ cẩm Lùng Tám đã đem lại việc làm, thu nhập cho dân.

Có gan thì có thị trường

Mọi người nhanh nhảu vào việc, thế nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lại không dễ dàng vì thực tế thổ cẩm Lùng Tám chưa có thị trường. Không để cho người dân sớm chán nản, bằng sự quả quyết của mình, anh Quả lại trực tiếp nhận lo đầu ra cho xã viên Hợp tác xã. Từ hôm nhận việc này với các xã viên, không nề hà sương giá, không nề hà dốc núi, cứ nơi đâu có chợ phiên, có khách du lịch tìm đến là anh Quả lại gánh gồng sản phẩm của mình đưa đến chợ.

Anh đứng ra tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, quyết định giá bán theo kiểu chỉ cần đủ vốn để tái tạo sản xuất chứ chưa cần lãi nhiều. Bởi anh xác định, chỉ cần thổ cẩm của mình có thương hiệu, được nhiều người biết đến, sẽ có nhiều người mua và sẽ tính việc thu lãi bằng bán được nhiều sản phẩm.

Ngoài những phiên chợ trên đá, anh Quả còn mạnh dạn vay tiền để đưa thổ cẩm của mình đến các phiên chợ ở các vùng miền khác ngoài tỉnh. Để xây dựng thương hiệu, để giới thiệu sản phẩm anh còn không nề hà tìm đến cả các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ.

Cứ bạo dạn, không sợ khó, sợ khổ, với một niềm tin, như câu nói của người Mông “gió thổi, núi đá cũng mòn”, thế rồi thương hiệu thổ cẩm Lùng Tám đã lọt vào mắt người tiêu dùng. Và điều đặc biệt hơn, với sự bỏ công của mình, thổ cẩm Lùng Tám đã chính thức được Trung tâm Nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chọn làm bạn hàng “thân thiết và có uy tín”, họ giúp Hợp tác xã tổ chức giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Thổ cẩm trở thành thương hiệu và đến với rất nhiều thị trường.

Tin với công việc mình làm, tin cái đích sẽ đến của mình với phương châm: Truyền thống, chất lượng, uy tín nên hiện nay Hợp tác xã Lùng Tám đang được coi là Hợp tác xã kiểu mẫu, ăn lên, làm ra của tỉnh nghèo Hà Giang. Hiện tại số xã viên Hợp tác xã đã tăng lên trên 50 người với nguồn thu gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Nếu bạn đã từng đến Hà Giang, ngược lên các huyện vùng đá núi của tỉnh như Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, đã từng chứng kiến cuộc sống của người dân thì bạn mới thấy cái nguồn thu này nó lớn lao đến nhường nào. Nhiều lúc nó tựa như một giấc mơ không thể trở thành hiện thực của người nơi đây.

Vững tin với suy nghĩ và sự bạo dạn của mình thổ cẩm Lùng Tám đã có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài các mặt hàng truyền thống như váy, áo, quần, khăn thì thổ cẩm Lùng Tám đang bước vào quá trình đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng mẫu mã để đáp ứng thêm nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách du lịch. Hiện tại mẫu mã sản phẩm của thổ cẩm Lùng Tám đã được các xã viên “nghiên cứu” và đưa ra thị trường 20 loại sản phẩm. Cùng sự đa dạng này là việc tăng thêm nguồn thu cho các xã viên của Hợp tác xã.

Để có một Lùng Tám cùng với thương hiệu của thổ cẩm, ngoài sức mạnh tập thể thì vai trò người chủ nhiệm có tên Sùng Mí Quả luôn được nhắc đến. Phát huy truyền thống, tận dụng điều kiện, táo bạo trong suy nghĩ, hành động và không sợ khó sợ khổ vì các xã viên của mình là gương để những cá nhân khác học tập. Các khu vực miền núi sẽ nhanh chóng khởi sắc, sẽ nhanh chóng xóa đói giảm nghèo được cho chính mình nếu có thêm những con người như anh Quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắc màu Lùng Tám

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO