Sách giả trong trường học

Lam Nhi 17/12/2020 07:12

Với nhiều thứ hàng giả được bày bán tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng đã rất bức xúc. Nay sách giả lại xuất hiện trực tiếp, công khai trong chính trường học – nơi giáo dục học sinh về sự trung thực, nhân văn, đạo đức… thì hẳn là sự việc khó chấp nhận.

Mới đây, Phòng GDĐT thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đã thu hồi sách giả là các cuốn vở bài tập in sẵn tại hai trường THCS Châu Giang, THCS Mộc Nam. Trước đó, một nhóm phụ huynh của Trường THCS Châu Giang (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã lấy mẫu sách ở các trường khác nhau tại Hà Nam đem đi thẩm định do phát hiện sách con đang dùng không hiển thị mã vạch.

Điều đáng nói, sự việc sách giả đã được phụ huynh Trường THCS Châu Giang phát hiện từ cuối tháng 9/2020 nhưng nhà trường khi biết tin thay vì báo cáo với cơ quan chức năng tìm ra đơn vị cung cấp sách giả thì lại tìm cách yêu cầu phụ huynh rút đơn với lý do chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn tốt như thế thì sách giả hay thật cũng không quan trọng!

Vì sao nhà trường lại bao che cho sự việc sách giả?

Theo lý giải của nhà trường thì Phòng GDĐT là đơn vị giới thiệu sách và tìm nguồn cung cấp sách cho trường. Phòng GDĐT thì nói là do một nhân viên “được biệt phái” tới phòng giới thiệu chứ phòng chưa từng có văn bản nào về việc giới thiệu sách cho trường.

Quả bóng trách nhiệm được đẩy qua, đá lại. Người chịu thiệt cuối cùng là học sinh khi phải đóng tiền thật để mua sách giả. Chưa kể, không chỉ riêng sách năm nay mà những mẫu sách ngẫu nhiên khác, loại được in từ năm 2019 và năm 2020, trải dài từ lớp 2 đến lớp 6, lớp 8 và lớp 9 tại ba trường THCS Châu Giang, THCS Mộc Nam, Tiểu học A Châu Giang… cũng được phụ huynh đem đi thẩm định. Kết quả cho thấy, phần lớn là sách giả.

Nghĩa là, những cuốn sách giả đã len lỏi vào trường học này không phải là năm đầu tiên. Đã bao nhiêu lâu và bao nhiêu trường học khác trên cả nước có sự việc này xảy ra mà chưa bị phát hiện?

Vấn nạn sách giả từ lâu đã được cảnh báo và đầu năm học nào, các cơ quan chức năng cũng thu giữ hàng nghìn đầu sách được in lậu, được bày bán trà trộn trong các hiệu sách ở khắp các tỉnh thành. Lợi nhuận đem lại cho việc in lậu là rất lớn nên bất chấp quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện làm giả. Còn cửa hàng sách, cũng vì lợi nhuận, chiết khấu hấp dẫn mà nhập hàng…

Nhưng sách giả len lỏi vào cả trong trường học qua kênh chính thống như sự việc ở Hà Nam thì dường như mới là hi hữu. Trách nhiệm của ai, xử lý như thế nào sẽ phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ nhưng qua đây, một bài học nhận ra đó là việc ngăn chặn sách giả nói riêng và hàng giả, hàng nhái nói chung là trách nhiệm của cả cộng đồng. Bởi xét đến cùng, người chịu hậu quả của việc sử dụng hàng giả, hàng nhái chính là người tiêu dùng phải bỏ tiền thật ra mua đồ giả, thậm chí là bỏ tiền giá cao để mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giả trong trường học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO