Sách giáo khoa cho chương trình mới: Còn nhiều lúng túng

Dung Hòa 26/05/2019 07:30

Thảo luận tại Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Cho dù trước khi được xem xét thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quan điểm “một chương trình, nhiều bộ SGK” khi trình Quốc hội thảo luận lần cuối Luật Giáo dục (sửa đổi), song các đại biểu vẫn tranh luận sôi nổi xung quanh nội dung này, với mong muốn đảm bảo đúng mục tiêu đổi mới chương trình và SGK.

Sách giáo khoa cho chương trình mới: Còn nhiều lúng túng

Việc triển khai sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn nhiều lúng túng.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, phương án tuyển chọn tác giả viết 1 bộ SGK mẫu của Bộ GDĐT đến thời điểm này đã không thực hiện được do không tuyển đủ ứng viên. Một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra: Liệu có phải việc triển khai SGK cho chương trình GDPT mới vẫn còn nhiều lúng túng?

Tổ chức thẩm định SGK lớp 1 từ tháng 6/2019

Chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK lâu nay luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, của người học. Nội dung này ngay từ ban đầu được thống nhất rất cao sau khi TƯ ban hành Nghị quyết 29 năm 2013 và Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 năm 2014. Thế nhưng, trong các góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), vấn đề này luôn “nóng”. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có lộ trình phù hợp và chỉ nên thực hiện khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Đầu tuần, báo cáo Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra tại phiên chất vấn trực tiếp của kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những đề cập xung quanh việc thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK theo chương trình GDPT mới. Ông Nhạ cho hay, Bộ GDĐT đã đề xuất phương án giao cho Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam biên soạn, in và phát hành SGK, đã tính đến phương án tổ chức tuyển chọn một hãng tư vấn biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ SGK tại Báo cáo số 160 ngày 5/3/2019. Theo phương án này, Bộ GDĐT đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK.

Dẫu thế, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số NXB và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018, khi dự thảo Chương trình GDPT được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi. Các biên tập viên SGK có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các NXB nên không được phép dự tuyển tự do.

Bộ GDĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình GDPT mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học, trong đó lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020-2021, lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021-2022, lớp 10 bắt đầu từ năm học 2022-2023.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất giải pháp sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK theo hướng thành lập Hội đồng Quốc gia Thẩm định SGK và thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký với NXB theo quy định tại Thông tư số 33 năm 2017. Hội đồng Quốc gia Thẩm định SGK tiến hành thẩm định bản mẫu SGK của các NXB gửi về Bộ GDĐT. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GDĐT chỉ đạo và hỗ trợ các NXB trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK, bảo đảm có ít nhất một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục được phê duyệt, cho phép sử dụng.

Đối với SGK lớp 1, thời gian bắt đầu tổ chức thẩm định từ tháng 6/2019. Sau đó, sẽ tiếp tục chỉnh sửa, thực nghiệm, hoàn thiện bản mẫu SGK, thẩm định lại theo quy định để được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12/2019. Mục tiêu cuối cùng là kịp thời tổ chức in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Bộ cũng ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay Bộ GDĐT đã công bố Chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ SGK theo chương trình này sẽ hoàn thành sau năm 2022. Do vậy, Ủy ban đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo Luật Giáo dục. Về lựa chọn SGK, dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng SGK

Trước những băn khoăn của dư luận về việc tới đây liệu có xảy ra tình trạng “loạn” SGK, thừa - thiếu SGK cục bộ từng môn học hay không? Bộ GDĐT đã có giải pháp về biên soạn SGK cho kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT mới khi thời gian không còn nhiều? Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - cho hay: cùng với việc cho phép thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK có một số SGK cho mỗi môn học, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT nêu rõ: Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Như vậy, Nghị quyết 88 giao trách nhiệm tổ chức việc biên soạn một bộ SGK cho Bộ GDĐT là để đảm bảo không thiếu SGK của môn học hay lớp học nào khi thực hiện chương trình SGK mới theo đúng tiến độ đã được quy định.

Sách giáo khoa cho chương trình mới: Còn nhiều lúng túng - 1

Ông Thành cũng khẳng định, việc Bộ không trực tiếp mời tác giả biên soạn SGK như phương án ban đầu không ảnh hưởng đến việc đảm bảo đủ một bộ SGK cho tất cả các môn học, lớp học. Bộ GDĐT thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học.

Do đó, để chủ động triển khai, Bộ GDĐT giao kế hoạch biên soạn, xuất bản một bộ SGK cho NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị trực thuộc của Bộ GDĐT. Việc giao kế hoạch biên soạn và xuất bản bộ SGK này được thực hiện theo quy định tại Nghị định Chính phủ về phân cấp, phân quyền quản lý. Sau đó, bộ SGK này vẫn gửi Hội đồng Quốc gia Thẩm định SGK để thẩm định công bằng với SGK của các NXB khác.

Liên quan đến việc thành lập Hội đồng Quốc gia Thẩm định biên soạn SGK, theo ông Thành: Trách nhiệm quan trọng nhất của Bộ GDĐT khi có nhiều SGK là thành lập Hội đồng Quốc gia Thẩm định đảm bảo SGK nào được thẩm định, phê duyệt và cho phép sử dụng đều đạt chất lượng. Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng của tất cả SGK đã được thẩm định, phê duyệt ấy. Sau khi được Hội đồng Quốc gia Thẩm định phê duyệt thông qua, thì mọi SGK đều có giá trị sử dụng công bằng, không có sự phân biệt. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GDĐT chỉ đạo và hỗ trợ các NXB trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK; Bộ sẽ đồng hành cùng các NXB để đảm bảo chất lượng của từng bộ SGK; hỗ trợ, tạo điều kiện trong các khâu như thử nghiệm, phát hành, tập huấn… để giảm chi phí cho tất cả các bộ SGK, giảm giá thành cho người sử dụng.

Đồng thời, khi có nhiều bộ SGK, Bộ GDĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền.

Nhiều chuyên gia lo ngại, theo như giải thích của Bộ GDĐT vừa rồi thì kế hoạch biên soạn bộ SGK của Bộ có thể coi là đã bị… phá sản. Nhưng có một số vấn đề khiến dư luận nghi ngại rằng, trước khi chưa thông qua Chương trình môn học chính thức, thì một số tổ chức đã có dự án biên soạn SGK. Như vậy, lực lượng để biên soạn SGK không phải là không có…

Chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK luôn được khẳng định là điều kiện cần thiết để sáng tạo trong dạy và học, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện chương trình GDPT. Ngoài NXB Giáo dục Việt Nam, còn có 6 NXB khác được phép xuất bản SGK, gồm: NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia TPHCM, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TPHCM, NXB ĐH Huế và NXB ĐH Vinh.

Nhưng băn khoăn lớn nhất hiện nay đang cần sớm có lời đáp là, liệu bộ SGK cho chương trình GDPT mới sẽ ra sao? Có đáp ứng được kỳ vọng đổi mới, cũng như mong mỏi của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa cho chương trình mới: Còn nhiều lúng túng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO