Sách giáo khoa điện tử: Tại sao không ?

Thu Hương (thực hiện) 22/12/2019 07:30

Một trong những vấn đề rất thời sự không chỉ của riêng ngành giáo dục là sách giáo khoa. Đó là khi có nhiều bộ SGK cũng có nghĩa là không còn độc quyền lĩnh vực này. Nhiều ý kiến liên quan được đưa ra, trong đó có ý kiến của GS Hà Huy Khoái - Tổng chủ biên SGK Toán 1 trong bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Theo GS, về lâu dài nếu có sách điện tử thì tốt hơn vì ở đó có độ mở lớn và dành cho nhiều đối tượng hơn.

Sách giáo khoa điện tử: Tại sao không ?

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con, tại một cửa hàng sách TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NLĐ.

Cách đây tròn một năm, GS Hà Huy Khoái có tham dự buổi tọa đàm “Học toán để làm gì?” nằm trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, ông đã chia sẻ thông tin mình đang chủ trì biên soạn SGK toán từ lớp 1-12. Trước ý kiến cho rằng chương trình trong SGK toán của Việt Nam quá nặng so với thế giới, GS Hà Huy Khoái thông tin: Thực tế khi so với SGK toán nhiều nước chương trình của ta thua họ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bài tập toán của ta quá nặng, mẹo vặt quá nhiều. Với cách học như hiện nay, học sinh chỉ biết về mẹo để giải toán nhanh chứ không hiểu sâu bản chất của toán để ứng dụng trong cuộc sống.

Chính vì vậy, khi biên soạn SGK, “nhiều thầy cứ đưa những bài toán, mẹo vặt vào. Thầy tâm đắc khen hay nhưng tôi thấy nặng cho người học, ngăn lại thì các thầy giận rời khỏi tổ biên soạn”, GS Hà Huy Khoái tiết lộ.

Với mong muốn sẽ có nhiều phương pháp học toán tiếp cận dễ dàng hơn khiến học sinh ham thích học toán hơn, trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ông và các cộng sự của mình hướng đến viết sách đơn giản, chứa những nội dung chính yếu, cơ bản.

GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã dành cho Đại Đoàn Kết một cuộc trò chuyện cởi mở xung quanh việc dạy và học môn Toán lớp 1 nói riêng và trong trường phổ thông hiện nay.

Giảm tải ở những bài toán lắt léo, mẹo mực

PV:Thưa giáo sư, so với hiện hành thì mục tiêu giảm tải của cuốn sách SGK Toán lớp 1 do giáo sư làm Tổng chủ biên được thể hiện cụ thể như thế nào?

GS Hà Huy Khoái: Thật ra tinh thần không chỉ quyển Toán 1 mà cả bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đều hướng đến việc giảm tải cho học sinh. Giảm tải ở đây không có nghĩa là giảm kiến thức mà làm thế nào đó để học sinh tiếp xúc với kiến thức dễ dàng. Thứ hai là giảm tải các bài mẹo mực, lắt léo.

Đối với một số ý kiến băn khoăn về việc đưa xác suất thống kê vào chương trình học từ tiểu học, tôi xin giải thích thế này. Thực ra dùng từ “xác suất thống kê” nghe to tát nhưng trên thực tế là các kiến thức rất đơn giản, trẻ con chưa biết chữ cũng có thể làm được. Tôi lấy ví dụ trẻ chưa biết viết số, chưa biết đếm mà hỏi hoa đỏ hoa vàng cái nào nhiều hơn thì các em vẫn có thể làm được theo dạng biểu đồ, xếp các bông hoa. Trẻ sẽ tiếp thu được, không quá khó như mọi người vẫn nghĩ.

Học máy móc, học sinh sẽ chán

Con gái tôi đang học lớp 1 của chương trình hiện hành. Cô giáo có làm một bản ghi nhớ theo kiểu 1+1=2, 1+2=3,… trong phạm vi cộng trừ 10 và yêu cầu phụ huynh kèm con học thuộc làu làu như bảng cửu chương. Liệu điều này có lặp lại khi học sinh theo học chương trình GDPT mới không, thưa giáo sư?

- Để giảng dạy, mỗi giáo viên sẽ có quyển hướng dẫn giáo viên rất chi tiết, từng bài, từng tiết học dạy như thế nào. Nếu giáo viên tiếp thu được cái đấy để giảng dạy thì trẻ con sẽ vui vẻ, đỡ chán… Không phủ nhận có những cách học rất máy móc, giảng như thế học sinh sẽ chán, không tìm thấy niềm vui toán học ở đâu.

Sách giáo khoa điện tử: Tại sao không ? - 1

GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Làm thế nào để hạn chế điều đó? Như tôi đã nói ở trên, cần quan tâm đến sách hướng dẫn giáo viên làm cho học trò vui vẻ hơn, không học kiểu cứng nhắc như vậy.

Cụ thể, trong ví dụ tôi vừa nêu, theo giáo sư, học kiểu thuộc lòng như thế có giúp các em hiểu được bản chất của việc cộng trừ, áp dụng vào cuộc sống thực tế?

- Tôi hi vọng các em hiểu được!

Những ẩn ý khơi gợi hứng thú

Thưa giáo sư, có tác giả cho biết SGK của họ không cần tập huấn giáo viên vẫn có thể giảng dạy ngay được. Với cuốn Toán 1 của ông, có cần tập huấn cho giáo viên hay không?

- Tôi nghĩ là tập huấn thì tốt hơn vì trong đó người viết cũng ẩn ý một số ý tưởng. Nếu được tập huấn thì giáo viên sẽ nắm bắt tốt hơn, sẽ tốt hơn cho học trò. Hiện giờ NXB đang tiến hành tập huấn ở các tỉnh và dự kiến sau đó sẽ làm một vài video và đăng tải rộng rãi lên các kênh youtube… mọi người đều có thể xem được. Các giáo viên có thể vào đấy tham khảo hoặc cũng có thể viết thư trao đổi với các tác giả của bộ sách. Chúng tôi rất sẵn sàng trả lời các thắc mắc, băn khoăn này của giáo viên.

Tập huấn thông thường chỉ đến được với một bộ phận giáo viên, chủ yếu là giáo viên cốt cán. Không phải mọi giáo viên dạy cuốn sách này hoặc muốn tham khảo cuốn sách này có thể tham dự. Theo ông, có cách nào khác không để những ẩn ý ông vừa nói có thể được mọi giáo viên tiếp thu?

- Tôi cho là việc thiết kế video vẫn là một giải pháp hữu hiệu để phổ biến tới tất cả mọi người. Cái này cũng có thể lưu giữ theo thời gian để giáo viên có thể xem đi xem lại nghiền ngẫm…

Hướng tới đối tượng rộng rãi nhờ “thiết kế mở”

Được biết, mỗi bộ sách đều hướng tới một đối tượng học sinh khác nhau. Với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nói chung và cuốn SGK Toán 1 do ông chủ trì biên soạn, đối tượng hướng tới là ai?

- Bộ sách hướng tới đối tượng học sinh rộng rãi ở cả thành phố và nông thôn. Muốn đạt được yêu cầu đó, đầu tiên chúng tôi phân ra học sinh muốn học chưa phải là sâu lắm, ví dụ đối tượng học sinh miền núi cũng tiếp thu được kiến thức dễ dàng theo chuẩn khung chương trình cơ bản. Trong cuốn sách cũng có một phần thể hiện liên môn, liên kết với cuộc sống, có ẩn ý trong từng bức tranh, từng bài, có thể gọi là kiến thức mơ hồ về thống kê, học sinh ở thành phố hoặc các cô giáo trình độ chuyên môn giỏi hơn thì có thể mở rộng để giảng dạy, sẽ rất tốt. Đó là phần mở để các giáo viên lựa chọn mở rộng sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Sách giáo khoa điện tử: Tại sao không ? - 2

SGK Toán 1 giáo sư chủ trì biên soạn có hay không sách tham khảo cho học sinh lớp 1?

- Bộ tôi làm có sách tham khảo. Lý do là trong bản đầu tiên chúng tôi biên soạn, có nhiều bài theo chúng tôi là rất hay nhưng khi đưa ra thẩm định thì các thành viên góp ý là hơi khó. Nếu triển khai dạy đại trà thì không phù hợp nên chúng tôi đã rút ra khỏi sách và soạn thành sách tham khảo. Học sinh nào có khả năng và yêu thích có thể dùng tới cuốn này.

Ủng hộ sách điện tử

Nhiều ý kiến đề xuất công khai chế bản điện tử của các bản mẫu SGK để công chúng theo dõi, là một tác giả, quan điểm của giáo sư về vấn đề này ra sao?

- Đối với người viết chúng tôi mong muốn sách của mình được càng nhiều người đọc càng tốt. Nhưng còn về phía nhà xuất bản, đó là cơ sở kinh doanh, họ phải cân nhắc tới việc bán và thu hồi vốn. Còn nếu có sách điện tử thì tốt hơn rất nhiều vì có thể mở rộng thêm được kiến thức, sẽ tiếp cận được rộng rãi mọi đối tượng, chẳng hạn học sinh muốn làm đến đâu có thể làm đến đấy. Tôi nghĩ lâu dài phải có sách điện tử vì ở đó có độ mở lớn hơn và dành cho nhiều đối tượng hơn.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

“Tôi nghĩ lâu dài phải có sách điện tử vì ở đó có độ mở lớn hơn và dành cho nhiều đối tượng hơn”. Đó là chia sẻ của GS Hà Huy Khoái, Tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) Toán 1 trong bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã được Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, từ năm học 2020-2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa điện tử: Tại sao không ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO