Sách giáo khoa mới: Vẫn còn băn khoăn

Lam Nhi 04/09/2019 07:00

Năm học 2019-2020 được coi là năm bản lề để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018. Đến thời điểm này, vấn đề được các nhà trường và phụ huynh quan tâm nhất là việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để giảng dạy sẽ ra sao?

Liên quan đến vấn đề lựa chọn SGK nào để giảng dạy trong năm học tới, cô giáo Trần Thị Phượng, giáo viên một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho rằng trước đây khi dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định nhà trường, giáo viên là người trực tiếp lựa chọn SGK để giảng dạy, cô là người nhiều năm liền được phân công đón học sinh lớp 1 đã rất lo lắng. Mặc dù các bộ SGK được Hội đồng thẩm định thông qua nghĩa là đều đảm bảo về chất lượng, đều bám sát chương trình chuẩn đã được phê duyệt nhưng chắc chắn sẽ có sự khác biệt nhất định. Vậy đâu là bộ sách phù hợp nhất với học sinh của địa phương mình, của trường mình thì cô Liên rất băn khoăn, lo lắng nếu phải lựa chọn thì sẽ có phần cảm tính.

Chính vì vậy, khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi ngày 14/6/2019 với quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình vì sẽ tránh được tình trạng “loạn” SGK, gây hoang mang cho phụ huynh. Bởi theo GS Đỗ Đức Thái - Tổng Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình đặt mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học thì cần thiết kế mở, người dạy và học có thể sử dụng nhiều tài liệu (SGK) khác nhau trong việc dạy học. Luật thông qua là hành lang pháp lý quan trọng cho việc có nhiều SGK do các tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn dựa trên chương trình chung.

Tuy nhiên, còn phần kiến thức riêng của từng địa phương thì cần có sự thống nhất biên soạn của từng địa phương, do Sở GDĐT chủ trì xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định, không thể mỗi giáo viên dạy một kiểu. Mục đích cuối cùng là đáp ứng khung chương trình và chuẩn kiến thức kỹ năng và lựa chọn bộ SGK nào trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của từng địa phương vì còn liên quan đến các kỳ thi, đánh giá học sinh.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng thực tế ở nhiều nước tiên tiến, giáo viên là người chủ động lựa chọn SGK để dạy, thậm chí mỗi giáo viên có thể tự viết SGK để dạy cho học sinh của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam suốt một thời gian dài chúng ta chỉ sử dụng duy nhất một bộ SGK để giảng dạy nên đòi hỏi ngay một lúc thay đổi thì sẽ làm khó cho giáo viên, nhà trường.

Bên cạnh đó, ông Phạm Tất Dong cũng cho rằng với việc 3 NXB tham gia biên soạn SGK đã thể hiện tinh thần xã hội hóa SGK, một chương trình nhiều bộ sách theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đã bước đầu thành hiện thực. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai hiện nay, khi chỉ có 1 bộ SGK mà còn bị làm giả rất nhiều thì việc có nhiều bộ SGK do các NXB khác nhau thực hiện sẽ càng khó kiểm soát.

Còn một năm nữa các bộ SGK mới sẽ chính thức được giảng dạy trong nhà trường. Ngoài yếu tố chất lượng, các bậc phụ huynh cũng mong muốn NXB tính toán lượng in phù hợp để tránh thiếu sách cho học sinh. Đây sẽ là tài liệu học tập quan trọng đi theo học sinh trong suốt cả năm học nên không thể “tạm bợ” theo kiểu phô tô để học.

Dự kiến tới đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố những SGK đầu tiên theo Chương trình mới đã được thẩm định để các địa phương, giáo viên, học sinh lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên từ phía các địa phương cần sớm chủ động triển khai việc lựa chọn SGK mới ngay từ bây giờ với sự tham mưu của các Sở GDĐT, phòng, nhà trường, đội ngũ giáo viên.. Sẽ không chỉ có việc lựa chọn SGK mà việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý... cũng quan trọng và cấp thiết để làm nên thành công của lần đổi mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa mới: Vẫn còn băn khoăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO