Sách giáo khoa và tiêu chí lựa chọn

Minh Quang 17/11/2019 07:30

Dự kiến, trong tháng 11 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố các bộ sách giáo khoa (SGK) đạt yêu cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm này, còn nhiều ý kiến băn khoăn, trong đó nổi lên là việc từng địa phương có đặc điểm khác nhau thì việc SGK có đáp ứng được điều này. Và, với quy định giao cho UBND cấp tỉnh quyết định trong khi thiếu vai trò của giáo viên thì liệu có phù hợp.

Theo dự kiến, trong tháng 11 này, Bộ GDĐT sẽ công bố các bộ sách giáo khoa (SGK) đạt yêu cầu (trước đó, NXB Giáo dục Việt Nam đã công bố 4 bản mẫu SGK lớp 1). Hiện Bộ GDĐT đang dự thảo thông tư quy định việc chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Dự thảo này đã được gửi các cơ sở giáo dục để lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành.

Sách giáo khoa và tiêu chí lựa chọn

Vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Lựa chọn sách công khai, minh bạch

Theo quy định, sau khi Bộ GDĐT công bố danh sách SGK đã qua thẩm định thì các địa phương có thể thực hiện việc chọn sách phù hợp để sử dụng, bắt đầu từ năm học 2020-2021.Việc chọn sách nào cho các cấp học, các vùng miền trên phạm vi một tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định.

Xung quanh vấn đề lựa chọn SGK, ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT - cho biết: Theo Luật Giáo dục 2019 (sửa đổi), UBND các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ lựa chọn SGK. Theo tinh thần dự thảo thông tư hướng dẫn thành lập Hội đồng Lựa chọn SGK cho mỗi địa phương của Bộ GDĐT, Hội đồng sẽ tham vấn cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn SGK. Thành phần Hội đồng dự kiến gồm: Các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy ở địa phương. Số giáo viên trong Hội đồng Lựa chọn phải giữ tỷ lệ ít nhất là 1/3 số thành viên Hội đồng, vì họ là những người hiểu về chương trình và thực dạy nên sẽ lựa chọn được bộ SGK phù hợp nhất. Trong đó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo UBND, các Phó chủ tịch, là lãnh đạo Sở GDĐT, Thư ký Hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở GDĐT. Mỗi môn học/ hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban. UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chí chọn SGK dựa trên các nguyên tắc: Phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá...

Dự thảo thông tư cũng nêu sau khi UBND tỉnh đã có quyết định chọn sách, nếu cần thiết sẽ lựa chọn bổ sung hoặc lựa chọn lại SGK. Quá trình thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch. Trong dự thảo thông tư có đề cập việc mỗi địa phương thành lập một Hội đồng Thẩm định SGK, dẫu thế, không quy định rõ mỗi tỉnh chỉ chọn một hay nhiều bộ SGK khác nhau. Điều này cũng đang đặt ra nhiều băn khoăn.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Sở GDĐT Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh: Địa phương sẽ không chờ đến năm 2020-2021 mà ngay từ bây giờ sẽ thực hiện ngay cho việc chuẩn bị lựa chọn SGK. Ông Chung đề nghị lãnh đạo Sở GDĐT, lãnh đạo các phòng GD, đặc biệt Ban Giám hiệu hệ thống các trường trong toàn thành phố sớm thành lập Hội đồng Thẩm định do Giám đốc Sở GDĐT làm Chủ tịch, mời cả chuyên gia trong và ngoài nước để cùng đánh giá SGK mới. Sau khi đánh giá sẽ có tham mưu, đề xuất cho Thành ủy, UBND thành phố triển khai. Ông Chung cho rằng: Điều quan trọng phải đánh giá thực tiễn, các vùng cho phù hợp vì Hà Nội cũng có một số con em đồng bào dân tộc, nên lựa chọn làm sao để đạt mục tiêu giáo dục. Mục tiêu đặt ra là sản phẩm giáo dục phải đảm bảo 3 yếu tố: sức khỏe, đạo đức và kiến thức.

Như vậy, để đảm bảo những mục tiêu này, theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - trách nhiệm trước hết đặt lên vai các Hội đồng Thẩm định/ Lựa chọn cần làm việc nghiêm túc, chặt chẽ để có được những bộ SGK chất lượng nhất, phù hợp nhất.

Còn nhiều băn khoăn

Điểm khác biệt của chương trình giáo dục mới này là lần đầu tiên Bộ GDĐT xây dựng chương trình tổng thể, rồi mới xây dựng các chương trình môn học. Việc quản lý dạy học, đánh giá chất lượng dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Các SGK biên soạn theo yêu cầu của chương trình sẽ chỉ là tài liệu dạy học - việc này loại bỏ tư duy coi “SGK là pháp lệnh” phải dạy đúng, đủ, không vượt ra ngoài SGK như quan niệm dạy học trước đây. Và để thực hiện đúng tinh thần này, việc lựa chọn SGK trên địa bàn mỗi tỉnh thành cần cởi mở hơn, căn cứ vào đặc điểm vùng miền, đối tượng học sinh, những điểm mạnh trong ứng dụng phương pháp dạy học sáng tạo ở các nhà trường để chọn SGK phù hợp.

Theo tinh thần chủ đạo, chương trình GDPT mới không còn trói buộc giáo viên vì sẽ không phải chỉ có một bộ SGK mà có thể có nhiều bộ sách để lựa chọn. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn họ được tham gia chọn SGK. Song, các phân tích cũng cho thấy, nếu nhìn vào thành phần chọn SGK của từng địa phương, người nắm giữ các vị trí chủ chốt để ra quyết định đa phần là lãnh đạo địa phương. Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo UBND, các Phó Chủ tịch là lãnh đạo Sở GDĐT, Thư ký Hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc Sở GDĐT, còn giáo viên chỉ nằm trong một tiểu ban nhỏ. Như thế, liệu rằng những ý kiến của những thầy cô giáo dày dạn kinh nghiệm trong thực tế có được lưu ý? Tính từ nay đến năm học mới 2020-2021 chỉ còn khoảng 8 tháng (trong đó, học sinh chỉ học 5 tháng là nghỉ hè) thế nhưng hiện vẫn chưa có SGK để chọn lựa. Nếu không có thời gian thông qua thực tế giảng dạy liệu việc chọn lựa SGK có chính xác không?

Một băn khoăn đã được đề cập ở trên là mỗi địa phương sẽ được chọn một hay nhiều bộ SGK. Thực tế hiện nay nhiều địa phương lo ngại khó quản lý khi sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau, nên có định hướng chỉ chọn một bộ áp dụng trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Việc đổi mới chương trình đang hướng tới việc đa dạng hóa nguồn tài liệu dạy học, vì thế theo tôi, phương án tối ưu là dành quyền chọn SGK cho giáo viên, học sinh. Còn nếu muốn thống nhất tài liệu dạy học thì nên thống nhất ở đơn vị trường, chứ không nên thống nhất ở cấp tỉnh. Mỗi trường chọn một bộ SGK chính thức, bên cạnh các tài liệu tham khảo khác được đưa vào tủ sách dùng chung thì nguồn tài liệu sẽ đa dạng. Nếu cấp tỉnh chọn và chỉ chọn một bộ SGK thì cả nước chỉ có nhiều nhất 63 phương án chọn SGK. Chưa kể có thể sẽ có nhiều tỉnh thành chỉ chọn một bộ, nguồn tài liệu phục vụ dạy học sẽ bị hạn chế.

Đồng quan điểm này, nhiều giáo viên cũng cho rằng thậm chí ngay trên một địa bàn tỉnh, trường học có quy mô, điều kiện, đối tượng học sinh khác nhau. Việc lựa chọn một tài liệu SGK cũng không đơn giản, bởi có thể sách phù hợp với nơi này nhưng không chắc hợp với nơi khác. Do đó, nếu có nhiều lựa chọn trong địa bàn một địa phương thì không nên bỏ qua cơ hội.

Việc tham gia lựa chọn SGK, nếu không giao được cho giáo viên, học sinh quyền lựa chọn thì ít nhất cũng giao cho các Hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải dựa vào phản ảnh, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh, yêu cầu thực tế dạy học tại trường để quyết định chọn SGK và các tài liệu dạy học. Với quy định như dự thảo là giao cho UBND cấp tỉnh, nhiều người cho rằng: Vai trò của lãnh đạo địa phương chỉ nên là nơi tổ chức, hướng dẫn để các nhà trường lựa chọn sách phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa và tiêu chí lựa chọn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO