Sâm Ngọc Linh, ‘Quốc bảo’ của Việt Nam - Kỳ 2: Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh

Tấn Thành - Chí Đại 11/02/2022 14:00

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách, để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh”.

Nhiệm vụ quan trọng

Trước đây, sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng trồng ở ngọn núi Ngọc Linh dùng để chữa bệnh và bán thương mại.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My với 30.000ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia và được nhà nước công nhận là Quốc bảo.

Sâm Ngọc Linh giống được nuôi trồng ở huyện Nam Trà My.

“Do đó, bảo tồn và phát triển sâm ngọc Linh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi vì như đã nói sâm Ngọc Linh đã trở thành Quốc bảo - sâm Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu cho biết.

Cũng theo ông Bửu, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định là 15.567 ha, trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000 m là 13.329 ha.

Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.

Thực tế trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã đặt hàng, khuyến khích các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến sâm Ngọc Linh. Qua đó tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo giống, nhân trồng và chế biến để mở rộng phát triển cây dược liệu có giá trị này trong thời gian tới.

Hạt sâm Ngọc Linh đã chín để làm giống nuôi trồng sâm con.

Bước đầu, việc bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Đến nay diện tích thực tế trồng được hơn 1.000 ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.

Ông Trần Ngọc Bằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam cũng khẳng định: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống gốc cây sâm Ngọc Linh và kết hợp với phát triển giống phục vụ sản xuất là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện”.

Hiện trong số 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh thì UBND tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng đối với 10 doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Tỉnh đã làm việc và giới thiệu cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tiến hành khảo sát thực tế để lập Dự án đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng.

Quả thật, Quảng Nam đã xác định phải phát triển vững bền cây sâm Ngọc Linh và xem việc bảo tồn, phát triển cây sâm này là nhiệm vụ quan trọng.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Bảo tồn và phát triển

Nói thì như vậy nhưng bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh như thế nào? Vì nơi đây là vùng núi cao, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phức tạp.

Chính ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có những khó khăn nhất định, như huyện Nam Trà My đang chịu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu; thời tiết diễn biến cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sinh trưởng phát triển cây sâm, như mùa khô lượng mưa ít độ ẩm không khí thấp và mùa mưa, mưa lớn kéo dài, rét đậm.

Qua tìm hiểu phóng viên còn được biết, tình hình dịch hại trên cây sâm diễn biến rất phức tạp, sâu bệnh hại rất lớn. Đặc biệt trong những năm gần đây, chuột là đối tượng gây hại chính kể cả hạt giống, cây giống ở khắp vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, nguy cơ xói mòn nguồn gen, suy giảm thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh có thể xảy ra, bởi người dân du nhập giống sâm nơi khác về trồng (không phải là sâm Ngọc Linh nhưng có nhiều đặc điểm về ngoại hình rất giống với sâm Ngọc Linh), nếu không được các ngành chức năng kiểm soát và xử lý kịp thời.

Cán bộ Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh thuyết trình về quy trình trồng sâm Ngọc Linh.

Cùng với đó phát triển cây sâm Ngọc Linh chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Do vậy, việc xây dựng “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045 là rất cần thiết.

Thế nhưng với quyết tâm cho chiến lược bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam đã thu được những kết quả nhất định. Trong đó, về cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh, trong thời gian qua, các ngành, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình lập hồ sơ, thủ tục thuê môi trường trồng sâm Ngọc Linh.

Tính đến nay, tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là 1.428,96 ha, trong đó hộ gia đình, cá nhân là 428,96 ha; tổ chức, doanh nghiệp 1.000 ha.

Còn tổng số lượng cây sâm Ngọc Linh có ở vườn để trồng bảo tồn kết hợp với cung ứng giống là 270.381 cây. Trong đó, tại Trại sâm Tăk Ngo: 18.373 cây, bao gồm 2.250 cây 1 năm tuổi, 16.123 cây 2 đến 9 năm tuổi. Riêng năm 2021 gieo 8.500 hạt; tại Trạm Dược liệu Trà Linh 252.008 cây”, ông Bửu nói

Sâm giống đã đủ điều kiện đưa ra nuôi trồng ở rừng tự nhiên.

Thực tế, hiện nay người dân nằm trong vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh được ưu tiên nhận khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng kết hợp với trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Bên cạnh thu nhập từ cây sâm Ngọc Linh thì người dân còn được nhận tiền khoán quản lý bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững.

Được biết, từ năm 2016 - 2021, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã tổ chức gieo ươm bằng nguồn hạt giống thu hái tại chỗ đã sản xuất được 260.319 cây (riêng năm 2021 sản xuất được hơn 55.000 cây giống 1 năm tuổi).

Nguồn cây giống này đã sử dụng để trồng mới nhằm phát triển vườn sâm gốc, hoàn trả cho Công ty Cổ phần Thương mại Dược Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, cung ứng cho các doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Trại sâm giống Tắk Ngo - Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My đã cấp hỗ trợ cho nhân dân tại 7 xã nằm trong vùng quy hoạch với số lượng là 21.450 cây sâm giống loại 1 năm tuổi (giai đoạn 2016 - 2021).

“Cho dù còn đó những khó khăn nhưng với những kết quả đã đạt được, cùng với Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, sản phẩm quốc gia - Quốc bảo của Việt Nam”, ông Bửu khẳng định

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sâm Ngọc Linh, ‘Quốc bảo’ của Việt Nam - Kỳ 2: Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO