Săn chuột trên đồng nước

Bùi Hồ - Đoàn Xá 15/11/2020 08:36

Trên mênh mang những cánh đồng nước biên giới, giữa lập loè ánh đèn pin và bành bành tiếng ghe máy đuôi tôm, những thợ săn cần mẫn với công việc của mình.

Họ là những người đi săn chuột đồng ở vùng biên giới Hồng Ngự, Tân Hồng, Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), một trong những nghề mà ngoài vùng đất này, hầu như không đâu có.

Theo chân thợ săn chuột

Săn bắt chuột đồng có ở rất nhiều vùng quê, từ Bắc tới Nam, miền Trung hay Tây Nguyên. Và chuột đồng cũng là thứ được nhiều người ưa chuộng bởi chúng thơm ngon. Tuy nhiên, săn chuột trên đồng nước nổi mênh mông thì có lẽ, chỉ duy nhất ở miền Tây Nam bộ khi nước nổi tràn về. Mặc dù năm nay nước nổi không dâng cao như dự đoán nhưng những cánh đồng biên giới ở Hồng Ngự, Tràm Chim, Tân Hồng… vẫn tràn bờ vì mưa nhiều. Đó cũng là lúc người dân vùng biên tỉnh Đồng Tháp háo hức ra đồng săn chuột vào ban đêm.

Cũng như hầu hết các nghề mưu sinh của mùa nước nổi, chúng tôi theo 2 chiếc ghe máy để ra đồng. Chủ ghe, anh Trần Văn Cát (37 tuổi) và anh Trần Văn Trào (27 tuổi), đều ngụ ở xã An Phước (huyện Tân Hồng). Anh Cát bảo, mùa nước nổi chỉ kéo dài chừng 3 tháng và trong thời gian ấy, những người dân địa phương như anh có rất nhiều sinh kế.

“Đầu mùa nước thì mình thả lưới cá linh non, cá heo, cá chốt. Tới giữa mùa nước như bây giờ thì mình săn chuột đồng, rắn mối, chim trời. Cuối mùa nước thì đóng đáy, đóng dớn cá trê, cá chạch, cá lóc… Do may mắn nằm ở thượng nguồn biên giới, những cánh đồng nơi này lúc nào cũng dồi dào sản vật nên mùa nước nổi năm nào cũng nhộn nhịp. Đặc biệt, do khan hiếm nên những đặc sản đồng nước bây giờ giá trị kinh tế rất cao, luôn không có đủ để cung cấp cho người tiêu dùng” - anh Cát cho biết.

Chạy ghe chừng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi tới những cánh đồng ngập nước nằm giáp ranh biên giới. Những năm nước lớn, có khi cả mấy chục cây số chỉ có nước và nước. Lúc này, màn đêm đã buông xuống nhưng khung cảnh nơi đây lại khá nhộn nhịp. Ngoài những người săn chuột, săn chim hay rắn thì nhiều người khác cũng đi thả lưới. Ai cũng tranh thủ tìm kiếm sinh kế trên đồng, giữa màn đêm.

Anh Cát bảo, chuột đồng thường sinh sống ở những nơi khô ráo, lẩn tránh trong hang hốc, ven bờ ruộng. Khi nước tràn về, chúng bị mất đi nơi ẩn náu, phải trú ở những đám lục bình, tán cây thân gỗ lâu năm giữa đồng. Để săn chuột giữa mênh mông nước nổi, chỉ cần tìm những nơi nào không chìm trong nước là sẽ thấy được chúng. Tuy nhiên, phát hiện và bắt được những chú chuột đồng béo núc ních tinh khôn lại không hề dễ dàng khi chúng có thể lẩn trốn trên cây hay thậm chí bơi dưới nước.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm, anh Cát cũng như những người săn chuột đồng khác đều sử dụng một chiếc đèn pin gắn cố định ở mũ rồi đội lên đầu và một chiếc chĩa (sào bằng tre có gắn mũi sắt 1 đầu). Để săn chuột, những người thợ phải tắt máy và chèo ghe bằng phương tiện thủ công (chèo, chống). Chiếc ghe của anh Cát và người bạn đồng hành, anh Trào cũng tắt máy khi thấy phía trước là mấy cây gáo, cây ô môi nổi giữa đồng. Xung quanh gốc cây, những đám lục bình, cây dại đan xen nhau.

Mặc dù ngồi phía đuôi ghe nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được sự thận trọng, căng thẳng của anh Cát khi mọi người đều im lặng. Khi tới gần đám cây dại, lục bình thì cả hai người thợ săn bắt đầu lia ánh đèn pin để tìm kiếm mục tiêu. Những chú chuột lúc này đã biết sự hiện diện của con người và bắt đầu di chuyển. Chúng thường nhảy xuống nước để bơi tới những nơi khác. Đó cũng là cơ hội duy nhất của những sợ săn. Họ dùng chĩa để bắt chúng.

Đặc biệt, ở những tán cây lớn, chuột trú nhiều nhưng khi rọi đèn chúng không nhảy xuống nước thì buộc những thợ săn phải rung cây để chúng sợ. Với những người săn đêm, họ chỉ có thể bắt được chuột khi chúng nhảy xuống nước và bơi.

“Đồ nghề” săn bắt chuột.

Thật giả lẫn lộn

Dù đã gắn bó với những cánh đồng nơi đây nhiều năm, nhưng theo những người săn chuột đồng thì hiện nay, đây là một trong những nghề khó khăn và bấp bênh. Ngoài nguyên nhân mùa nước nổi thay đổi, những thợ săn còn đối mặt với không ít khó khăn nữa.

“Trước kia, mỗi đêm chúng tôi có thể săn được hàng chục ký lô chuột thì nay mỗi người chỉ được khoảng 5-6 ký lô. Điều may mắn là giá chuột bán ở các chợ giờ cao hơn rất nhiều, lên đến 100 ngàn đồng mỗi ký sau khi sơ chế. Vì vậy, nếu may mắn, những thợ săn chuột cũng có thế kiếm chừng vài trăm ngàn mỗi đêm. Đó thực sự là một khoản tiền đáng kể với những nông dân nơi đây” - anh Trào chia sẻ chân thành.

Theo những người thợ săn chuột này, hầu hết sản phẩm của họ sau một đêm được mang về và sơ chế bằng cách lột da, cắt chân và đầu. Thịt chuột sau đó được các thương lái ở thị trấn Sa Rài, Tân Hồng thu mua rồi đem lên các thành phố như Cao Lãnh, Mỹ Tho, Tân An hay là thành phố Hồ Chí Minh.

Mùa nước nổi như hiện nay, thậm chí ven các tuyến đường tỉnh lộ, các ngã ba cũng có nhiều thương lái tổ chức thu gom đặc sản đồng nước đem lên thành phố. Sau một đêm dài trên đồng, những chiếc ghe máy chạy tới ven cầu, ven đường lộ là có sẵn người thu mua, trả tiền luôn. Không chỉ có chuột, những sản phẩm khác như ếch, chim trời, rắn, cá, bông… cũng được thu mua theo cách như vậy.

Chị Lượm, 35 tuổi, một thương lái thường xuyên mua hàng ở ngay ngã ba quốc lộ 30 cho biết, đây là nơi tập kết của người dân bắt chuột bán cho thương lái. Nhiều người ở trên Tân Hộ Cơ, Tân Công Chí hay bên Sa Rài khi có chuột, họ cũng đem lại bán cho chị. Ngoài chuột, chị còn mua nhiều đặc sản khác, sau đó đưa lên xe ô-tô chở lên cho bạn hàng trên Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong chiếc lán lợp tôn sơ sài của chị Lượm, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều nông dân ở các nơi khác với những sản phẩm của riêng mình đang đợi cân và lấy tiền. Sau một đêm dài trên đồng, dù khá mệt mỏi nhưng nhiều người vẫn rất vui vì thành quả của mình.

Bác Út (55 tuổi) ở xã Tân Hộ Cơ bảo nhiều năm nay, bác đều đi bắt chuột trên đồng nước nổi. Những con chuột da màu vàng sáng, béo mập là đặc sản của vùng biên giới này. Thế nhưng, cũng như nhiều người săn bắt khác, ngoài việc thất thu vì thiên nhiên khan hiếm, bác Út còn đối mặt với những loại chuột nuôi công nghiệp bày bán khắp nơi.

“Chuột đồng mình bắt nhiều lắm mỗi đêm chỉ 3-4 ký lô nhưng họ nuôi cả tấn. Nhiều người, nhất là ở thành phố gần như không phân biệt được chuột nuôi và chuột tự nhiên. Thế nên nhiều người họ đem chuột nuôi ra ven quốc lộ 30, các đường tỉnh lộ bán rồi ghi là chuột đồng. Ban đầu tưởng không liên quan tới mình, vì ai có việc người đó làm nhưng sau đó thấy, chuột đồng bị mất giá vì chuột nuôi khiến mình không biết làm sao nữa” - bác Út chia sẻ.

Nhưng không chỉ có bác Út, nhiều người săn bắt khác ở vùng đất này cũng chịu tác động tiêu cực từ việc những sản vật tự nhiên được nuôi nhân tạo, bán tràn lan ven các tuyến quốc lộ. Từ ếch, rắn cho tới chuột, chim, rùa… Thậm chí, ngay cả cá linh, một loài cá tưởng không thể nuôi được nay cũng bắt đầu được nhân giống nhân tạo.

Dù đã có nhiều thay đổi ở những cánh đồng biên giới Tây Nam những năm gần đây, tuy nhiên khi mà nhịp sống tự nhiên vẫn còn, những cánh đồng vẫn tràn bờ thì chắc chắn những người săn chuột, săn ếch, chim cò… nơi đây vẫn còn. Họ vẫn cần mẫn gắn bó với quê hương mình, chắt chiu những sản vật quê hương, như một món quá mà tự nhiên đã ban tặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Săn chuột trên đồng nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO