Sân kho hợp tác xã

NGUYỄN MINH HOA 21/07/2022 07:16

Thời ấy, làng xã nào chẳng có sân kho, sân kho hợp tác là tâm điểm của xóm của làng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa gặt.

Phơi thóc. Ảnh: Việt Khánh.

Đất quê rộng, nhưng thửa đất được chọn làm sân kho phải đáp ứng được các yêu cầu: Đủ diện tích để tập hợp nông phẩm mùa thu hoạch, tiện đường sá, gần đường điện để dòng điện về, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát.

Với sức người sức của những ngày đầu hăng say, việc cắt đất, tạo dựng sân kho hợp tác xã không gặp khó khăn gì. Xã nọ, nhìn xã kia, theo nhau rất nhanh. Và cũng khó gì đâu, sân kho thường theo diện tích đất, sân lát gạch lục, tường bao xây cao, 1 góc xây cái nhà nhỏ thì 3 gian, rộng thì 5 gian có buồng, có cửa gỗ, sơn xanh lắp dõi khóa.

Thời ấy tất cả những nhà công thường quét vôi vàng thì căn nhà này, cũng như tường bao của sân kho cũng quét vôi vàng. Từng khoang tường sân kho, sẽ được cánh có hoa tay trong làng viết lên đó những khẩu hiệu như: “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tay cày, tay súng” hay “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”… Thế là chẳng mấy mà những khu đất hoang hóa, âm u đã trở thành sân kho.

Sân kho nắng chài chãi. Nóng như nung, như rang, ngày mùa áo người nào cũng ướt sũng.

Mùa gặt, kẻng từ sớm mai, mặt trời đỏ ửng nhìn đã hoa mắt. Ra đến đồng là đã thấy nắng phủ vàng. Lúa chín gục vào xà cạp mỏng vẫn thấy rát chân. Tay áo dài và xà cạp tay thêm một lần nữa thì cũng vẫn cảm thấy rặm. Cái giống lúa nó thế, để có hạt gạo trắng ngần, lúa “tự vệ” thật kỹ.

Cho dù bờ vùng, bờ thửa đã được be đắp rộng hơn, nhưng vẫn dùng quang gánh, xe cải tiến, sức người vẫn là chủ đạo để đưa lúa về sân kho hợp tác. Cơ giới hóa có công nông đấy, nhưng để nhanh gọn tiên quyết vẫn là sức dân.

Sân kho ngày mùa là ngày hội. Chả có ai ngơi chân ngơi tay tí nào. Ngồi không thì cái tay cũng phải cầm cái nón quạt thốc cho mình. Lúa về đến đây được đập, được tuốt suốt buổi. Bảo sao, thời quốc hữu hóa còn đạp lúa, chán chửa?

Nhiều người chưa quen tuốt, cánh thanh niên chân dài, tay khéo, đạp máy tuốt lấy được, chứ cánh trung niên đã lùn lại chậm sẵn cái cối đá thủng của nhà, tiếc gì, vần ra đây đập. Đập lúa thì cũng là làm, góp công, chứ có chơi không ăn điểm đâu mà sợ. Thóc tuốt ra, rơm chất là tít mãi tận ngoài tường bao. Rơm cũng là tiền, là nhiên liệu, là thức ăn cho trâu bò, bỏ chuồng lợn để làm phân xanh, nhưng tính sau.

Giáp hạt, ăn đong, đứt bữa không cứ lúc chưa vào mùa mà là chính lúc lúa đã gặt về sân kho nhưng công điểm chưa tính, thuế má cho nhà nước chưa xong thì khó có thể chia ngay cho dân thóc về xay giã để có gạo mới được. Những năm đầu hăng say, nhìn lúa vàng dưới chân nhiều người vui ra mặt vì thành quả của lao động tập thể.

Thời ấy tất cả những nhà công thường quét vôi vàng thì căn nhà này, cũng như tường bao của sân kho cũng quét vôi vàng. Từng khoang tường sân kho, sẽ được cánh có hoa tay trong làng viết lên đó những khẩu hiệu như: “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tay cày, tay súng” hay “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”…

3 điểm 1 cân thóc, nhìn thấy cái cót thóc nhà vơi tận đâu. Nhưng nghĩ, người dân nhiệt huyết thế không thể thiếu đói được, hết thì huyện, tỉnh, trung ương sẽ lại cân đối. Lại còn trông vào điểm người nhà bên trại chăn nuôi, đội thủy lợi, xen canh vụ tháng 10 nữa.

Đám thanh niên qua mùa là chẳng lo nghĩ gì, chúng nghĩ ngay đến những đêm đội chiếu bóng huyện về chiếu phim ở sân kho. Cơm nước bữa tối xong là anh đi đường anh, em đi đường em kéo nhau ra sân kho. Nhiều nhà chỉ còn mỗi ông bố canh nhà, đến bà vợ cũng theo cánh phụ nữ đi xem.

Cả cái sân kho nóng hầm hập thế nhưng sức hấp dẫn của mấy anh thanh niên ngoại quốc đã khiến không ít chị em suy nghĩ khác xa so với thực tại. Đám bán hàng với cái thúng, cái mẹt thuốc lá cuộn và mấy cái kẹo lạc, mấy quả dưa chuột ỏng eo vẫn kiên nhẫn ngồi vừa bán hàng, vừa nghết nghết, chứ ngồi xa thế xem hay nghe được gì đâu.

Chẳng mấy mà đến tháng 8. Xã báo, năm nay chọn sân kho hợp tác để đoàn cán bộ xã và huyện trông trăng, nghiên cứu thời tiết cho mùa vụ ở địa phương. Và đám rước đèn của các cháu cũng tổ chức tại đây luôn từ sớm, yêu cầu đoàn thanh niên làm công tác tổ chức. Phục vụ trẻ con trong xóm thì đồng ý, dân răm rắp theo.

Đám trẻ con vẫn đốt hạt bưởi kéo nhau ra sân kho múa rồng, lân sư, rồi ăn bánh kẹo, lại có cả kẹo đem về. Khi trẻ con nhận quà xong, kéo nhau về gốc đa giếng làng mới thấy lục đục cánh cán bộ xã đến, cánh cán bộ huyện lên…

Ngắm trăng phán đoán thời tiết thế mà vẫn mất mùa. Vụ tháng 10, lúa lốp trắng đồng. Cả làng, cả huyện đói rạc. Trong nhà dân nhiều chuồng lợn trống hoác, chẳng lấy lợn hơi đâu mà đổi thóc. Cái sân kho mùa trước thóc chồng đống, chồng khê, vụ này chỉ thấy rác.

Mất mùa, vụ gặt ngắn lại. Vụ màu được chỉ đạo triển khai nhanh. Khoai tây Đức giống đưa về đầy ủy ban và sân kho. Cánh thanh niên kê dép ngồi học phương pháp trồng và chăm bón ngay dưới gốc cổ thụ. Khoai dỡ sớm, chống đói được phần nào. Sân kho vẫn buồn hiu.

Mấy người thợ mộc được chỉ đạo làm cái chái nơi góc cuối để đặt xe tang của xóm ở đó. Thế là cả một góc sân kho trở nên âm u, trẻ con, người lớn đều không dám đến gần vào buổi tối. Đám thanh niên đi sinh hoạt đoàn vẫn thủ thỉ với nhau về nghề phụ. Không khí chùng cả xuống.

Thế rồi những vụ được mùa sau, có những vụ lúa còn gặt bớt về sân đình, vì sân kho không đủ chỗ, hay cán bộ chẳng truy cứu làm gì đôi xe bò kéo lúa tạt qua nhà xã viên vơi một nửa. Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động được bàn tán xôn xao.

Ruộng chia cho dân, việc nhà ai nhà nấy làm, nhà nào không đổi công được con cái lại thoát ly thì thuê cấy, thuê gặt, tiền nong cưa đứt đục suốt. Lợn gà cũng nuôi trong chuồng nhà, khu trại chăn nuôi của xã cũng đã vắng bóng người. Phân xanh theo xe cải tiến ra ruộng, bón đúng kỹ thuật, lúa tốt bời bời. May mà khoán quản kịp thời.

Làng xã thay đổi. Gần tết đoàn chiếu bóng huyện chiếu 3 đêm phục vụ bà con đều phim Việt Nam. Ai cũng vui ra mặt.

Ai nghĩ có ngày sân kho buồn thiu thế này.

Đất chật, người đông, đô thị hóa về đến làng theo cách ngấm dần mà thành quen. Anh em kiến giả nhất phận, chia đất làm nhà mỗi người mỗi kiểu, cái sân nhà chật không đủ làm đám cưới khiến cả xóm nghĩ đến cái sân kho hợp tác, vừa làm nhà văn hóa, vừa đủ rộng và đẹp để làm đám cưới cho người trong xóm. Thế là cái sân kho hôm nào đã có công năng khác, trở thành Nhà văn hóa của thôn, của xóm, tùy vào phân bổ dân cư và quy hoạch. Có những thôn xã thì sân kho này lại thành chợ - Một cái chợ mới, đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Chẳng ai còn xem chiếu bóng ở sân kho nữa. Đội chiếu bóng của huyện đã hết sứ mệnh cùng sân kho hợp tác thì phải. Đồng làng đã thành khu chế xuất, phân xưởng, nhà máy, thóc gạo từ vùng chuyên canh đầy chợ làng hay các đại lý, đong về chỉ việc nấu ăn. Ai cũng bảo gạo giờ rẻ, ăn là mấy, cứ chọn đằng ngon nhất, tội gì. Đám trẻ quê mà có khi chả biết cấy cày, càng không còn biết sân kho hợp tác xã là gì. Chỉ có đám trung niên vẫn vui miệng nói “Hẹn nhau ở sân kho hợp tác”...

Tất cả chúng ta đã xây dựng, gắn bó và cùng chứng kiến sự biến mất của cái sân kho của xã, của làng để lại trong kí ức, rất vui và cả những vấn vương nơi chốn ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân kho hợp tác xã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO