Thúc đẩy kỹ năng số cho cộng đồng doanh nghiệp

Minh Phương 17/08/2019 08:00

Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhanh và mạnh, không chỉ ở khu vực thành thị, loại hình kinh tế này đang dần phổ biến ở khu vực nông thôn. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng số cho cộng đồng và doanh nghiệp (DN) sẽ giúp các DN thích nghi với xu hướng này.

Thúc đẩy kỹ năng số cho cộng đồng doanh nghiệp

Ảnh minh họa.

Kỹ năng số ngày càng lan tỏa

Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết,tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam tăng khoảng 30% 1 năm. Hiện dung lượng thị trường TMĐT Việt Nam đang đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến. Trung bình, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của TMĐT bởi tính thuận tiện, nhanh nhạy và tiết kiệm thời gian của loại hình này.

Nói về cơ duyên đến với thương trường qua sàn TMĐT để rồi hôm nay trở thành giám đốc một công ty du lịch có uy tín tại Sapa (Lào Cai), chị Tẩn Thị Su, cô gái người Mông năng động, thông minh cho biết, nhờ có sự phát triển của thương mại điện tử, chị đã có được Công ty TNHH Sapa O’Chau ngày hôm nay.

Trước đó, chị cũng loay hoay vì bước vào thương trường gặp vô vàn các rào cản, cạnh tranh gay gắt, khó tiếp cận đối tác. Song, kể từ khi tiếp cận chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” do Bộ Công thương và Tập đoàn Google khởi động năm 2018, tất cả đều đã thay đổi. Ước mơ có thể sở hữu một công ty du lịch của chị đã trở thành hiện thực khi sử dụng công nghệ cao, hiện đại của thời kỳ số hóa.

Theo nữ giám đốc trẻ tuổi của Công ty Sapa O’Chau, khi tham gia chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”, chị đã thấy rất rõ những hiệu quả mà các công nghệ hiện đại mang lại. Theo đó, chị có thể quảng bá hoạt động của công ty ra thị trường trong nước cũng như quốc tế. Và chỉ 9 tháng sau khi tham gia Chương trình này đồng thời áp dụng kiến thức vào DN, số lượng khách hàng của Sapa O’Chau đã tăng lên 20%.

Chị Su mong muốn những kiến thức của mình thu lượm được từ “Việt Nam Digital 4.0” sẽ được lan tỏa đến đồng bào các dân tộc ở Sa Pa, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, yếu thế nên đã đề xuất với chương trình để trở thành một giảng viên truyền thụ kiến thức về kĩ năng số cho đồng bào dân tộc miền núi nơi nữ giám đốc trẻ tuổi đang sinh sống và kinh doanh.

Trường hợp của nữ giám đốc vùng cao chỉ là một trong số các vị lãnh đạo trẻ hiện nay đã và đang thành công trên con đường kinh doanh khi ứng dụng công nghệ hiện đại, tận dụng thời cơ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động thực tiễn. Tất nhiên, mỗi DN đều hiểu rằng, tham gia sân chơi này, DN phải chấp nhận loại bỏ công nghệ cũ kỹ với thái độ dứt khoát, hoàn toàn không tiếc nuối.

Có thể thấy, không chỉ các khu vực thành thị, nền kinh tế số đang dần len lỏi đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tăng cường đào tạo kỹ năng mềm

TMĐT sẽ ngày càng soán ngôi loại hình kinh doanh truyền thống, khi mà lượng người tham gia internet trong nước cũng như trên toàn cầu đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Ngày nay, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua hàng ở bên Mỹ, cách xa hàng chục ngàn cây số cũng nhờ sự phát triển của TMĐT. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng số rất tốt. Xác định được điều này, bà Đỗ Mỹ Ninh- Giám đốc Maketing Google Việt Nam chia sẻ, chương trình Việt Nam Digital 4.0 bắt đầu với 8 bài học, đến nay đã có 24 bài học khác nhau đã hiện diện trên 38 tỉnh thành của cả nước.

“Trong suốt hơn 1 năm thực hiện chương trình, đã có 85.000 người được đào tạo. Đầu tư vào phát triển công nghệ số cho các DN nhỏ và vừa có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam”- bà Ninh cho biết và nhấn mạnh, có đến 98% DN tại Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP, và đây chính là khu vực rất cần nâng cao năng lực về TMĐT.

Ông Nguyễn Kỳ Minh- Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhìn nhận, Chính phủ đã đưa ra tầm nhìn lớn, với mong muốn biến TMĐT trở thành một trong những công cụ phổ biến, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Có thể thấy, Việt Nam Digital 4.0 đã và đang truyền tải kiến thức về TMĐT tới hàng trăm ngàn DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, những thương nhân khởi nghiệp… hiện nay, giúp các DN, người dân tiếp cận nhanh chóng, trực quan hơn với kinh tế số.

Giới chuyên gia kỳ vọng, chương trình này chính là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế online tại Việt Nam, tạo đà để các DN nhỏ và vừa trong nước đón làn sóng của cuộc CMCN 4.0 đang ngày càng mạnh mẽ.

* Từ ngày 15/8/2019, Bộ Công thương và Tập đoàn Google đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng Chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”. Chương trình sẽ cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các DN vừa và nhỏ trong vòng 3 năm; đặc biệt là việc đưa kĩ năng số đến các vùng nông thôn để nhiều người có cơ hội tiếp cận và nâng cao khả năng thành công trong các lĩnh vực kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy kỹ năng số cho cộng đồng doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO