Sẵn sàng khi Tổ quốc cần!

Đức Trân 20/07/2021 07:36

Bệnh viện dã chiến số 8 thuộc tầng thứ 2 điều trị Covid-19 (theo mô hình 4 tầng) được đặt tại chung cư tái định cư Bình Khánh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) với quy mô khoảng 3.000-4.000 giường. Với số bệnh nhân hơn 2.000 người, công việc của các y, bác sĩ ở nơi đây không hề đơn giản.

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 8.

Bệnh viện dã chiến số 8 nằm trong quần thể 4 bệnh viện dã chiến với tổng quy mô tiếp nhận được khoảng hơn 20.000 người là F0.

PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 8 cho biết, hiện tại số bệnh nhân F0 được đưa vào bệnh viện là 2.317 người và sẽ tiếp tục có bệnh nhân mới được chuyển đến. Nhân lực hiện tại của bệnh viện là 120 bác sĩ, 250 điều dưỡng của Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Bình Dân cùng đội ngũ quân nhân, bảo vệ…

“Để chạy đua với thời gian, tiết kiệm từng giây từng phút để điều trị bệnh nhân, chúng tôi tận dụng thời gian một cách tối đa. Ví dụ, bác sĩ cũng đi phát đồ ăn đến từng người bệnh vì có lúc bệnh nhân được đưa đến rất đông, hơn 500 người. Bác sĩ vừa phát cơm vừa tranh thủ hỏi han, thăm khám, nắm bắt kịp thời tình hình người bệnh để có hướng xử lý ngay nếu cần”, PGS Quế cho biết.

BS Trương Vân Anh - Khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, chị và các đồng nghiệp của bệnh viện hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực ICU (điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng) tại Bệnh viện dã chiến số 8.

“Bệnh viện được chia thành 2 khu vực chính, khu vực bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và khu vực điều trị bệnh nhân nặng. Các bệnh nhân tại khu triệu chứng nhẹ sẽ được chuyển tới khu ICU nếu có dấu hiệu chuyển nặng. Tại đây, chúng tôi sẽ xử lý ban đầu, đánh giá lại tình trạng bệnh nhân và quyết định giữ bệnh nhân lại để tiếp tục điều trị hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn”, BS Vân Anh nói và cho biết, hiện tại, khu ICU có 8 bác sĩ, 15 điều dưỡng với 15 giường bệnh. “Chúng tôi cũng luôn trong tình trạng trực chiến để hỗ trợ cho khu bệnh nhân”.

Một trong những điều phức tạp của công tác điều trị bệnh nhân nặng, theo BS Vân Anh, là việc có những bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh: “Tại bệnh viện ghi nhận khoảng 10% bệnh nhân triệu chứng nhẹ chuyển nặng. Có những ca bệnh suy hô hấp rất đột ngột. Trường hợp bệnh nhân nữ, sinh năm 1963, các bác sĩ cũng đã dự đoán được bệnh nhân có thể trở nặng. Tuy nhiên trong thời gian chuyển bệnh nhân từ khu bệnh triệu chứng nhẹ lên ICU, người bệnh suy hô hấp đột ngột buộc chúng tôi phải cấp cứu khẩn cấp, đặt nội khí quản trong thời gian ngắn nhất có thể. Hiện nay bệnh nhân đã được chuyển lên cấp điều trị cao hơn”.

Đây là lần đầu tiên tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nên cũng có nhiều áp lực hơn so với công việc thường ngày, nhưng BS Vân Anh chia sẻ: “Trước khi tới đây, bản thân tôi cũng đã xác định, đi phòng, chống dịch đương nhiên sẽ gian khổ, nhưng tôi nghĩ mọi khó khăn đều sẽ vượt qua. Bên cạnh tôi còn có các đồng nghiệp, ban lãnh đạo bệnh viện cùng nhau chia sẻ những áp lực, vất vả nên hiện tại tôi rất vững vàng”.

BS Vân Anh cho biết: “Áp lực công việc, và mong sao số lượng bệnh nhân đừng tăng thêm nữa chứ không phải sợ. Tại sao lại phải sợ trong khi chúng ta có đồ bảo hộ. Đã xác định vào ICU làm nhiệm vụ thì không có gì phải sợ. Quan trọng là mình mặc đồ đúng cách, cởi đồ đúng cách, làm đúng theo quy trình thì không có gì phải lo lắng cả. Là một bác sĩ, Tổ quốc cần thì mình đi chống dịch thôi!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng khi Tổ quốc cần!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO