Sàng lọc dòng vốn FDI

HẠNH NHÂN - TRUNG HIẾU 27/03/2022 07:05

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong các nguồn lực quan trọng, tuy nhiên thời gian qua vẫn tồn tại một nghịch lý doanh nghiệp FDI vừa mở rộng đầu tư kinh doanh, vừa báo lỗ để trốn thuế, cũng như không ít bất cập đi kèm. Để nguồn vốn này tăng về chất lượng, mới đây, Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc đầu tư FDI trong bối cảnh có tới hơn 14.100 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh thua lỗ và một số vấn đề khác.

Samsung đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD.

Gần 60% doanh nghiệp báo lỗ

Phân tích báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của Bộ Tài chính cho thấy, trong số hơn 25 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động, có đến hơn 14 nghìn doanh nghiệp báo lỗ. Giá trị lỗ của nhóm doanh nghiệp kể trên là hơn 150 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1 triệu tỷ đồng, tăng 27% so với doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019.

Khoảng 16,9%, tương đương với 4.250 doanh nghiệp thậm chí còn lỗ mất vốn, tăng 22,7% so với năm 2019. Riêng nhóm này có tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính âm hơn 140 nghìn tỷ đồng.

Trong đó doanh nghiệp báo lỗ trong cả 2 năm 2019 và 2020 tập trung nhiều ở các ngành như sản xuất kim loại; dầu khí; xăng dầu; nhiên liệu khí; viễn thông; phần mềm… trong đó, riêng ngành sản xuất kim loại có số lỗ được cải thiện tương đối tích cực so với năm 2019.

Chỉ có khoảng hơn 10 nghìn doanh nghiệp FDI báo lãi, chiếm hơn 40%. Tổng giá trị lợi nhuận trước thuế đạt 557.649 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2019.

Đáng lưu ý, Bộ Tài chính chỉ ra là doanh nghiệp FDI lĩnh vực viễn thông, phần mềm đều báo lỗ nặng, trong khi những lĩnh vực này được cho là hưởng lợi rất nhiều từ xu thế làm việc, học tập tại nhà, chuyển đổi số… trở nên mạnh mẽ nhờ đại dịch Covid-19.

Có 2 doanh nghiệp FDI có doanh thu chiếm tỉ trọng lớn nhất mảng viễn thông, phần mềm là Airpay và Shopee. Năm 2020, Shopee chứng kiến mức doanh thu rất cao, quy mô vốn đầu tư lớn còn Airpay có những hoạt động mở rộng quy mô, tuy nhiên cả 2 doanh nghiệp vẫn báo lỗ. Shopee thậm chí còn lỗ mất vốn.

Đánh giá về Shopee, theo Bộ Tài chính, có thể doanh nghiệp này gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp cho thấy việc thu hút FDI quy mô vốn lớn chưa chắc đã có đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, hiện tượng dù doanh thu, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, lỗ mất vốn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn còn diễn ra, gây thiệt hại nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Xây dựng “bộ lọc”

Từ thực trạng trên, việc lựa chọn doanh nghiệp và dự án FDI càng trở nên bức thiết hơn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ vừa trình Thủ tướng 7 tiêu chí để chọn lọc đầu tư FDI thời gian tới. Đó là: Suất vốn đầu tư/ha đất; Số lao động tại mỗi dự án đầu tư; Hàm lượng công nghệ cao của dự án; Cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư; Khả năng liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước; Bảo vệ môi trường; Đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cũng trong tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra hàng loạt hạn chế như: Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD/ha.

Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có suất vốn đầu tư FDI bình quân lớn hơn, đạt từ 8 - 10 triệu USD/ha đất. Các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là dự án đầu tư quy mô nhỏ.

Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, 31 dự án FDI có vốn đầu tư 0,5 - 1 tỷ USD, 517 dự án FDI có vốn đầu tư 100 - 500 triệu USD, 654 dự án FDI có vốn đầu tư 50 - 100 triệu USD. Còn lại hàng chục ngàn dự án FDI hiện nay có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư.

Ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc và quản lý dự án Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam (FNF): Tìm hiểu kỹ nhà đầu tư trước khi hợp tác

Khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ thường đằng sau họ có các công ty luật chuyên về mảng tài chính tư vấn, nắm được các kẽ hở luật pháp để khai thác. Chuyển giá không chỉ có ở Việt Nam mà những công ty công nghệ vận hành trên nền tảng trực tuyến thì ở châu Âu cũng có hiện tượng chuyển giá và họ đã từng xử phạt Facebook, Google.

Tình trạng hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI báo lỗ không có gì lạ, nhiều năm nay câu chuyện chuyển giá, lỗ giả lãi thật của doanh nghiệp FDI đã được đặt ra. Tuy nhiên, để hạn chế hành vi chuyển giá thì ngay từ khâu lựa chọn, cấp chứng nhận đầu tư dự án FDI các địa phương cần nắm được mục đích, khả năng, lịch sử, cách quản lý doanh nghiệp của nhà đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, công nghệ sử dụng tại các doanh nghiệp FDI hiện nay không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình trong khu vực.

Kết quả khảo sát diện hẹp của Bộ Khoa học và Công nghệ tại một số khu công nghiệp trên cả nước cho thấy số doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại rất thấp, chỉ khoảng 5%.

Các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có công nghệ ở mức trung bình, khoảng 80% số doanh nghiệp, trong đó từ 30 - 40% sử dụng công nghệ xuất xứ Trung Quốc. Số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu hiện nay chiếm khoảng 15%, dẫn tới nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên.

Bên cạnh đó, có 85% số doanh nghiệp FDI có 100% vốn nước ngoài, điều này đã hạn chế đáng kể khả năng chuyển giao, lan tỏa công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước.

Các dự án FDI đang tập trung vào một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, ôtô, xe máy và một số ngành chế biến thực phẩm.

Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu đầu vào và dịch vụ đi kèm cho sản xuất của khu vực FDI được nhập khẩu. Tỉ lệ nhập khẩu/xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI là 81,5% vào năm 2017.

Các doanh nghiệp FDI sản xuất điện tử, điện thoại và linh kiện đang nhập khẩu 89% linh phụ kiện, nguyên liệu từ bên ngoài.

Tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ đạt từ 20 - 25%.

Một số ngành, lĩnh vực doanh nghiệp FDI đang hoạt động có tỉ lệ nội địa hóa cao là dệt may, da giày đạt 40 - 45%, điện tử gia dụng đạt 30 - 35%, thiết bị đồng bộ đạt 30 - 40%, lắp ráp ôtô tải đạt 55%, ôtô khách và ôtô chuyên dụng đạt 40%, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông đạt 15%.

Trong khi đó, theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt 36,3%, trong khi ở Thái Lan đạt 60%, Trung Quốc đạt khoảng 70%.

Chuyên gia kinh tế ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: Cần có một chiến lược thu hút FDI

Việt Nam phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc các nhà đầu tư hiện nay. Chúng ta đừng vì số lượng mà bao nhiêu cũng chấp nhận, mà phải có chiến lược về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với những tiêu chí rõ ràng. Theo tôi, Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Chính sách thu hút, sử dụng FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi. Không phải hễ có tiền vào thì mình mở toang ra, họ có thể vào ào ạt thì ra cũng ào ạt. Vấn đề cốt lõi là phải có điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI kết nối với các doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ. Có như vậy, giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi hàng hóa đóng góp cho thế giới mới nhiều hơn.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách mới

Với những vấn đề tồn tại của khu vực doanh nghiệp FDI, đã có không ít kiến nghị của giới chuyên gia cũng như các thảo luận cho thấy việc thực thi nhiệm vụ này thực sự không dễ.

Đề xuất giải pháp nào để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ: Chính phủ nên sửa đổi quy định đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất để cộng đồng doanh nghiệp trong các khu này liên kết kinh tế, đặc biệt tạo dựng mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước nhằm tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, mua bán và sáp nhập đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm hoặc núp bóng các nước khác, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hóa...

Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện.

Cùng với đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và có chế tài để quản lý hiệu quả hoạt động của đầu tư nước ngoài trên địa bàn; xử lý nghiêm các dự án đã cấp phép nhưng không triển khai và các vấn đề khác có liên quan như trốn và nợ thuế, sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài, sử dụng đất, ô nhiễm môi trường.

“Cần khẩn trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm, hiệu quả thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài phù hợp với quan hệ kinh tế mới, mô hình và phương thức kinh doanh mới, bảo vệ thị trường trong nước; đồng thời, tạo điều kiện cho khu vực trong nước phát triển phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế”, ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, theo TS kinh tế Vũ Thị Yến (Trường Đại học Thương mại), cần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp FDI. Việt Nam cần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, cung cấp nhân lực cho các dự án FDI.

Đồng thời đẩy mạnh thu hút FDI thế hệ mới, hướng tới lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cần chủ động lựa chọn các dự án, nhà đầu tư nước ngoài và công nghệ phù hợp, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, dành các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các loại dự án này.

Bên cạnh đó, hạn chế cấp phép cho các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm, để phát huy tối đa tác động lan tỏa của các dự án FDI, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, vốn FDI vào Việt Nam, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dự án đăng ký mới tăng tới 45,2%, đạt 183 dự án. Tuy nhiên, đầu tư đăng ký mới đạt 631,8 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là hoàn toàn dễ hiểu. Đó là bởi 2 tháng đầu năm ngoái, nhiều dự án quy mô trên 100 triệu USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt còn có Dự án nhiệt điện Ô Môn II, với mức mức đầu tư 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022, chỉ có một dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD. Điều này khiến trong 2 tháng qua, Việt Nam mới thu hút được gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sàng lọc dòng vốn FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO